Lễ khai giảng của những học trò nhí chống chọi bệnh ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM dự lễ khai giảng với khát khao đến trường và tiếp tục mong ước về tương lai, dù vết mổ chưa liền hẳn và cần người dìu để bước đi.

 

 




Sáng 9/9, chị Đức Tuyết (34 tuổi) và chồng vượt hơn 700 km từ Bình Định vào TP.HCM để cùng con gái Thảo Nhi (6 tuổi) dự lễ khai giảng lớp học chữ dành cho bệnh nhi Bệnh viện Ung bướu.

 

 




Lễ khai giảng có sự tham gia của 50 học sinh, phụ huynh cùng 10 giáo viên và các tình nguyện viên, lãnh đạo bệnh viện. Nhiều em tay còn ghim kim, đi phải chống nạng hoặc có người dìu, do sức khỏe giảm sút và trải qua quá trình điều trị đau đớn.

 

 




Thảo Nhi (6 tuổi) chào đón năm học mới bằng ca khúc hát tặng cả trường. Em bắt đầu điều trị ung thư xương từ đầu năm 2018. Bệnh tật chuyển biến xấu khiến em không thể giữ lại chân phải và thường xuyên phải vào viện điều trị. “Trước bé nhút nhát nhưng mới đi học vài tháng thì tự tin hẳn. Con bé thích học lắm, giờ muốn vào viện hơn ở nhà”, chị Tuyết vui vẻ chia sẻ.

 

 




Hơn 10 năm qua, lớp học tiếp nhận 1.200 lượt học sinh. Ban đầu, lớp chỉ dạy chương trình lớp 1, rồi mở rộng lên lớp 9. Các em học Toán, Tiếng Việt hai buổi mỗi tuần. Học sinh vào học theo đợt điều trị, có em gắn bó với lớp cả chục năm. Một số bé khỏe mạnh, theo học trường bình thường nhưng cũng có em không còn cơ hội ấy.

 

 



Lê Nguyễn Anh Thư là một trong số những bệnh nhi may mắn. Hơn 3 tuổi, em vào đây điều trị ung thư máu và tham gia lớp học chữ đến hết lớp 2. Hiện tại, tình hình sức khỏe tiến triển tốt, em theo học lớp 5 trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Tân Bình, TP.HCM). Cô bé 10 tuổi mơ làm ca sĩ để kiếm tiền, giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ.

 

 




Lê Quang Trường gắn bó với lớp học chữ trong khoa Nội Nhi suốt 10 năm qua. Tại lễ khai giảng, chị Mai Chi, mẹ Trường, không cầm nổi nước mắt khi nhớ lại những ngày đầu con theo lớp, vừa luyện viết vừa chịu đựng cơn đau do điều trị ung thư máu. Chị cảm thấy được an ủi rất nhiều khi con trai được trải qua tuổi thơ đến lớp, không trọn vẹn nhưng vẫn có tiếng cười, niềm hân hoan.

 

 




Lớp học chữ cho bệnh nhi Bệnh viện Ung bướu cũng là niềm an ủi của rất nhiều gia đình. Chị Ngọc Tiến tâm sự con trai phát hiện bị ung thư xương từ 7 tháng tuổi. Em thường xuyên điều trị tại bệnh viện và đến nay vẫn chưa thể nói. “Bé nghịch nên trước tôi ngại, không dám cho vào lớp, sợ con quấy nhiễu các bạn khác. Sau đó, tôi mạnh dạn cho con đi học, giờ bé đỡ nghịch nhiều rồi”, người phụ nữ 44 tuổi vừa chia sẻ vừa cố không để con đạp ngã các ghế xung quanh.

 

 



Để những bệnh nhi như Thảo Nhi, Anh Thư, Quang Trường được đến trường, những cô giáo không biên chế, không lương phải nỗ lực rất nhiều. Biết đến lớp từ ngày đầu, ngay sau khi nghỉ hưu, cô Mai Lan (cựu giáo viên trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 1) chọn tiếp tục đứng lớp với các học sinh đặc biệt. 10 năm qua, lớp học người đến người đi, nhưng chỉ cần còn hy vọng, cô cùng hơn 10 giáo viên khác vẫn nỗ lực truyền con chữ, khao khát tương lai đến các bệnh nhi.

 

 




“Chúng tôi vẫn giữ vở của các học sinh trong phòng sinh hoạt chung suốt 10 năm qua, cả những em đang học và bạn không còn đến lớp. 10 năm với bao cảm xúc vui buồn, tôi cảm thấy may mắn khi được đồng hành với mọi người và chỉ mong các em hân hoan tới lớp, điều trị bệnh, sớm trở về nhà”, cô Đinh Thị Kim Phấn - chủ nhiệm lớp học chữ - tâm sự.

 

 




Lớp học tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không chỉ dạy chữ mà còn thắp niềm hy vọng cho những đứa trẻ thiếu may mắn. Dù phải điều trị đau đớn, các em vẫn cố luyện chữ, học Toán, tay phải lấy ven thì chuyển qua tay trái và không ngừng mơ ước về ngày được đến trường như bao bạn khác.
 

    Quỳnh Trang - Nguyễn Sương (zing)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.