Lễ hội cầu huê của người Việt vùng An Khê: Lần giở ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tại An Khê, Nhân dân có phong tục mở hội hát “cầu huê”. Phong tục này phần nào phản ánh mối quan hệ chặt chẽ của đồng bào Kinh và đồng bào Thượng ở đây”.

Đây là trang tư liệu thành văn có 2 từ “cầu huê” duy nhất mà tôi gặp cho đến tận ngày nay. Thông tin này đã khiến tôi tò mò, thích thú, mong muốn có thể tìm hiểu thêm về hội hát “cầu huê”-một hoạt động có ý nghĩa gắn kết tình đoàn kết giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số trên vùng đất mới.

Vài nét về người Việt vùng An Khê và lễ hội cầu huê

Năm 2014, khi làm việc tại Bảo tàng tỉnh, có dịp tiếp xúc với Chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy, tôi đề xuất và thuyết phục cho Bảo tàng tỉnh thử nghiệm tái hiện hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê vào dịp Tết Ất Mùi (2015). Sau một hồi cân nhắc, ông đồng ý cho đơn vị làm thử ở phía trước Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum và nói: Nếu tốt thì năm sau sẽ làm ở không gian lớn hơn. Phấn khởi vì được làm, Bảo tàng tỉnh bắt tay ngay vào việc nghiên cứu để tái hiện tốt nhất phần hội của một lễ hội đã thất truyền hoặc ít ra là đã không còn được nhắc tới hơn nửa thế kỷ.

An Khê vốn là địa bàn cư trú lâu đời của người Bahnar. Từ nửa cuối thế kỷ XVII (1653-1657), khu vực này mới có những nhóm người Việt đầu tiên định cư. Họ là những cư dân do Chúa Nguyễn cho quân vượt sông Gianh, đánh chiếm Nghệ An, bắt tù binh đưa lên vùng rừng núi An Khê (theo “Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn-Nguyễn Huệ”). Từ đó, người miền xuôi ở những vùng cận kề như Bình Định, Quảng Ngãi... cũng lên và ở lại An Khê ngày càng đông. Sống giữa nơi “rừng thiêng nước độc”, đầy “lam sơn chướng khí”, giữa những tộc người xa lạ, khác biệt từ ngôn ngữ đến phong tục... bộ phận người Việt nhỏ bé đầu tiên trên cao nguyên An Khê rất cần sự thân thiện của cư dân tại chỗ và sự trợ giúp của thần linh. Để có được sự trợ giúp của thần linh, theo truyền thống, xóm làng người Việt mọc lên đến đâu thì đình, miếu thờ thành hoàng, thần linh… cũng mọc theo đến đó. Ban đầu, đình miếu chỉ là những nhà tranh, vách nứa dựng tạm, rồi dần được tu sửa khang trang cùng sự phát triển của cộng đồng chủ nhân. Đình An Lũy và những lễ hội cúng, tế liên quan, trong đó có lễ hội cầu huê cũng ra đời và hoàn thiện dần trong hoàn cảnh ấy. Đây là hoạt động vừa thỏa mãn nhu cầu tinh thần của chính người Việt, vừa tạo cơ hội gắn kết giữa bộ phận cư dân mới đến và đồng bào các dân tộc tại chỗ.

Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê năm 2020. Ảnh: Đ.T

Hội hát cầu huê của người Việt vùng An Khê năm 2020. Ảnh: Đ.T

Cuộc khảo sát của chúng tôi ở xóm Lũy (sau là thôn An Lũy và nay là tổ 14, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho biết, tại thời điểm khảo sát, địa phương chỉ còn 3 cụ trên dưới 80 tuổi đã chứng kiến lễ hội cầu huê từ khi các cụ còn là những đứa trẻ lên 9, lên 10. Các cụ cho biết, cầu huê ở đây là huê (hoa) lợi, huê tình... có thể hiểu là cầu mùa, được tiến hành vào dịp cúng Quý Xuân.

Ở An Khê, các làng Việt cúng Quý Xuân vào tháng 2 âm lịch tại đình. Mỗi làng có một ngày cúng riêng để dân của làng này có thể tham dự hội vui của làng khác. Ví dụ: đình Tân Lai cúng Quý Xuân vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, đình Cửu Định cúng vào ngày 16 tháng 2... còn lịch cúng Quý Xuân hàng năm tại đình của dân làng An Lũy là từ 23 giờ 30 phút (đầu giờ Tý) mùng 9 đến sáng mùng 10 tháng 2 âm lịch. Tiếp đó là 3 ngày hội với các trò chơi dân gian như: diễn voi, đua ngựa, bắn cung đấu võ, uống rượu cần, hội cồng chiêng, kéo co, đánh đu, đá gà, múa lân, trèo cột mỡ, bịt mắt bắt dê… và tổ chức hát bội-còn gọi là hát cầu huê-1 đêm 2 ngày. Trong các hoạt động của hội, có không gian chợ diễn ra tại Gò Chợ ở phía Tây Đình Trong. Đó là nơi cả người Việt, người Bahnar và các dân tộc thiểu số khác cùng mang hàng hóa đến trao đổi, mua bán, giao lưu. Với những hoạt động đa dạng như vậy, nên từ lâu đời, hội đình An Lũy đã được coi là hội đình lớn nhất, quy tụ đông đảo người dân vùng An Khê tham dự nhất.

Phần hội trong lễ hội cầu huê qua tư liệu

Từ năm 1983, trong cuốn “Góp phần tìm hiểu phong trào nông dân Tây Sơn-Nguyễn Huệ”, tác giả Vũ Minh Giang đã viết: “Hàng năm, cứ đến ngày 10 tháng 2, người Kinh và người Thượng ở khắp nơi kéo đến một địa điểm để vui chơi và xem hát bội. Đồng thời ngày đó cũng là dịp để mọi người mang hàng hóa đến mua bán, đổi chác”. 5 năm sau, trong “Tư liệu về Tây Sơn-Nguyễn Huệ”, tập 1 (sách do Sở Văn hóa-Thông tin Nghĩa Bình xuất bản năm 1988), tác giả Nguyễn Quang Ngọc ghi lại cụ thể hơn: Hàng năm, người ta trích một phần nguồn lợi thu được ở nguồn Phương Kiệu để tổ chức hát bội vào ngày 10 tháng 2.

Du khách xin chữ ông đồ đầu năm tại lễ hội cầu huê. Ảnh: Ngọc Minh

Du khách xin chữ ông đồ đầu năm tại lễ hội cầu huê. Ảnh: Ngọc Minh

Dịp lễ hội cầu huê, không chỉ Nhân dân trong vùng, mà cả những làng đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi xa xôi, hẻo lánh cũng kéo đến xem hát bội và buôn bán, đổi chác. Tư liệu sớm nhất ghi chép về phiên chợ “của người giữa hai miền xuôi ngược” hiện chúng tôi được biết là phần tổng hợp của Lê Nguyễn trong đoạn kể về phiên chợ mà Marie và Mercurol (người Pháp) cùng đoàn tùy tùng của ông được chứng kiến tại cao nguyên An Khê, trong chuyến đi từ Quy Nhơn lên Kon Tum vào và nghỉ lại An Khê vào năm 1888 (theo “Cuộc phiêu lưu của Marie Đệ Nhất Quốc vương xứ Sedang) với nội dung: Hàng năm, cứ vào mùa xuân, các sắc tộc thiểu số trên cao nguyên mang đến An Khê những nông sản và lâm sản đổi lấy những món hàng do người Kinh ở đồng bằng mang lên, trong đó có một số mặt hàng do các nước châu Âu sản xuất. Như vậy, tham gia phiên chợ Kinh-Thượng trong lễ hội cầu huê ở An Khê không chỉ là những người Kinh, người Thượng tại chỗ mà còn có cả thương nhân từ đồng bằng, các dân tộc tại chỗ trên vùng cao nguyên ngoài người Bahnar.

Không khí ngày diễn ra lễ hội được dân An Lũy mô tả và Nguyễn Quang Ngọc ghi lại: Lúc ấy, khắp trong nhà, ngoài làng, chỗ nào cũng chật người. Người Thượng gùi các thứ lâm sản như mật ong, sáp ong, cau, trầu, củi, măng rừng; các thứ nông sản như lúa, gạo, trái cây; những đồ đan như gùi, phên nứa, các loại ghế ngồi về An Lũy bán đổi cho người Việt, thương nhân Hoa kiều... lấy những thứ như muối, mắm, cá khô, vải, sợi, nông cụ, nồi đồng, chiêng, cồng, ghè đựng rượu và đồ trang sức.

Màn múa lân tại lễ hội cầu huê tạo sự thích thú cho người xem. Ảnh: Hồng Thi

Màn múa lân tại lễ hội cầu huê tạo sự thích thú cho người xem. Ảnh: Hồng Thi

Đến với phiên chợ Kinh-Thượng nói riêng và các hoạt động trong phần hội của lễ hội cầu huê nói chung, ngoài mong muốn bán được hàng thì cả bộ phận cư dân mới đến và cư dân tại chỗ còn mong được giao lưu, trao đổi văn hóa. Đây là hoạt động đầu xuân, thể hiện rõ nét nhất tình đoàn kết Kinh-Thượng từ những ngày đầu người Việt tiến về hướng núi, coi An Khê là quê hương, sát cánh cùng người Bahnar và các dân tộc anh em vun xới, dựng xây.

Sau 2 năm được tái hiện tại TP. Pleiku (2015 và 2016) với nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo người dân trong dịp Tết Nguyên đán, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Gia Lai quyết định đưa lễ hội cầu huê trở về An Khê-nơi cội nguồn của lễ hội này với đầy đủ không gian cả lễ (cúng tế tại đình) và hội. Giá trị tinh thần của lễ hội đã làm nức lòng bà con An Khê, làm cho không khí đón xuân thêm nhộn nhịp, tươi vui. Nhưng chúng tôi vẫn mong, lễ hội được trở lại với đúng tinh thần ban đầu của nó và là một điểm đến được đánh dấu trên bản đồ du lịch của tỉnh nhà với những hoạt động phong phú, đa dạng, giữ gìn và phát huy được bản sắc, nhưng vẫn bắt kịp xu thế của thời đại.

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.