"Lấy ngắn nuôi dài" để phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vì xuất phát điểm không mấy thuận lợi nên anh Nguyễn Quang Phú (làng Bỉh, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải tìm hướng khởi nghiệp đặc thù là trồng một lúc nhiều loại cây khác nhau để “lấy ngắn nuôi dài”, giảm thiểu rủi ro.  

Vườn quýt trĩu quả của anh Nguyễn Quang Phú (làng Bỉh, xã Ia Púch, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy
Vườn quýt trĩu quả của anh Nguyễn Quang Phú (làng Bỉh, xã Ia Púch, huyện Chư Prông). Ảnh: Hà Duy

Năm 1999, anh Phú theo gia đình từ Thanh Hóa vào định cư tại xã Ia Drăng, huyện Chư Prông. Vì không muốn mãi dựa vào bố mẹ, năm 2013, anh mạnh dạn vay mượn người thân một số vốn nhỏ và chuyển vào làng Bỉh để bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.

Anh mua 3 ha đất để trồng cà phê xen với điều. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, anh quyết định phá bỏ. “Ai cũng bảo tôi liều lĩnh, vì cà phê và điều vẫn là loại cây chủ lực. Tôi cũng đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng thời điểm này, giá cà phê và điều không mấy ổn định. Với lại vùng này thường bị hạn hán nên tôi nghĩ cứ bám mãi vào đấy cũng không đem lại hiệu quả”-anh Phú cho biết.

Với số vốn ít ỏi dành dụm được cộng với vay mượn thêm của người thân, anh Phú mua thêm 3 ha đất để chuyển sang mô hình cây ăn quả hỗn hợp với 400 cây mít Thái, 400 cây bưởi da xanh, 1.000 cây chôm chôm Thái, 300 cây ổi, 300 cây quýt và đang trồng thử nghiệm thêm một số cây khác.

Lý giải về việc này, anh Phú cho hay: “Tôi không có nhiều vốn nên nếu trồng một loại cây sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu trồng nhiều loại cây sẽ thu hoạch xuyên suốt trong năm và tôi có thể lấy ngắn nuôi dài. Tiền thu hoạch từ loại cây này tôi dùng để đầu tư cho cây khác. Điều quan trọng nữa là trồng nhiều loại cây sẽ tránh được rủi ro về giá cả”.

Rất nhiều người dân trong làng, trong xã cũng như nhiều nơi khác đến học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả của anh Nguyễn Quang Phú. Ảnh: Hà Duy
Rất nhiều người dân đến học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả của anh Nguyễn Quang Phú. Ảnh: Hà Duy

Thời gian đầu, vì thiếu kiến thức về chăm sóc cây ăn quả nên anh Phú gặp không ít khó khăn. May mắn là anh có người bà con trồng cây ăn quả tại Đồng Nai nên đã được truyền đạt một số kiến thức cơ bản. Anh tự mày mò học tập, đúc rút kinh nghiệm cho từng loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Ngoài ra, anh tự làm ra các chế phẩm sinh học để trị sâu bệnh cho từng loại cây. Đồng thời, anh Phú cũng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho toàn bộ 6 ha cây ăn quả.

Sau thời gian vất vả với vườn cây, năm 2020, anh bắt đầu thu bói với khoảng 40 tấn mít Thái, 2 tấn bưởi da xanh, 4 tạ ổi mỗi tháng và hơn 4 tấn chôm chôm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, anh còn lãi hơn 100 triệu đồng. Năm nay, vườn cây của anh có thể cho năng suất và sản lượng gấp đôi, gấp 3.

Sắp tới, anh Phú tiếp tục trồng thêm khoảng 1.000 cây dừa xiêm. Bởi anh thấy được tín hiệu khả quan sau khi trồng thử nghiệm 40 cây. Song niềm vui lại đi liền nỗi lo. “Hiện sản lượng thu được chưa nhiều nên dễ dàng bán được sản phẩm. Nhưng sau khi ổn định, sản lượng nhiều hơn, tôi lại lo không tìm được đầu ra. Hy vọng chính quyền địa phương có thể hỗ trợ người dân trong việc tìm kiếm, kết nối thị trường. Có như vậy, chúng tôi mới an tâm sản xuất”-anh Phú bày tỏ.

Nhận xét về anh Phú, ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch-khen ngợi: “Lâu nay, bà con làng Bỉh chủ yếu trồng cây điều nhưng năng suất và giá không cao nên thu nhập không ổn định. Hiện tại, làng Bỉh còn 39 hộ nghèo. Nhìn tấm gương dám nghĩ dám làm, chăm chỉ, chịu khó của anh Nguyễn Quang Phú, bà con đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Rất nhiều người tới học hỏi kinh nghiệm và được anh tận tình hướng dẫn để phát triển kinh tế gia đình”.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.