'Lâu đài trắng' trên biển Vũng Tàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ai đi tàu cánh ngầm từ TP. Hồ Chí Minh ra TP. Vũng Tàu, vừa thoát khỏi sông Lòng Tàu ào vào sóng biển Gành Rái sẽ thấy ngôi nhà sơn trắng ngói đỏ chơ vơ trên mặt biển.

Hỏi ra mới biết, đó là hải đăng Aval (hoặc Cần Giờ), thường được ngư dân gọi là “lâu đài trắng trên biển Vũng Tàu”, đã được xây dựng hàng trăm năm nay...

Hải đăng Aval được người Pháp xây dựng từ năm 1864, cách bờ biển Vũng Tàu 13 km, cao 22,5 mét so với mặt biển, được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong việc chỉ dẫn luồng lạch cho tàu thuyền ra vào cảng Sài Gòn.

 

Hải đăng Aval chơ vơ trên mặt biển Vũng Tàu
Hải đăng Aval chơ vơ trên mặt biển Vũng Tàu

Hải đăng xây bằng máu

Ít ai biết, ngọn hải đăng lâu đời này rất “lận đận”. Ông Phạm Đình Vận-nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (BĐATHH) vẫn nhớ như in thời điểm đầu năm 1998, khi đó ông đang là Giám đốc BĐATHH khu vực 4 (phụ trách các hải đăng từ Kê Gà, Bình Thuận vào tận Hà Tiên, Kiên Giang) đã không thể giữ nổi ngọn hải đăng Aval, bởi lãnh đạo Công ty hoa tiêu khu vực 1 (khi đó thuộc Cục Hàng hải VN, năm 2011 mới sáp nhập vào Tổng Công ty BĐATHH miền Nam với tên gọi Công ty TNHH một thành viên hoa tiêu hàng hải khu vực 1) cương quyết yêu cầu cấp trên phá bỏ với lý do... không có tác dụng.

“Chúng tôi rớt nước mắt bởi biết tầm quan trọng của ngọn hải đăng này. Y như rằng, sau khi phá bỏ, tàu thuyền ra vào cảng mắc cạn, đâm va liên tục và thậm chí đại diện nhiều hãng tàu trên thế giới đặt câu hỏi: “Hải đăng có tên trên bản đồ thế giới từ bao năm, tại sao VN lại phá bỏ?”-ông Vận kể lại vậy và lắc đầu: “Ròng rã kiến nghị trong các cuộc họp suốt 6 năm liền, mãi đến đầu năm 2004, lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Hàng hải VN mới đồng ý xây dựng, khôi phục lại ngọn hải đăng Aval”.

Việc khôi phục được giao cho Công ty xây dựng công trình của BĐATHH VN (Bộ GTVT). Liên tục trong nhiều tháng trời, những người thợ xây dựng vật lộn với sóng gió, triều cường, nước mặn để xây lại từ cột bê tông cắm dưới đáy biển, cho đến hệ thống giàn neo làm giá đỡ cho ngôi nhà 3 tầng cao hơn 20 mét. Trong quá trình phục hồi ngọn đèn, đã xảy ra tai nạn đường biển đặc biệt nghiêm trọng: Hồi 19 giờ 30 ngày 15.8.2004, tại khu vực vịnh Gành Rái (TP. Vũng Tàu), tàu hàng UNI FORWARD (quốc tịch Panama) trọng tải 18.000 tấn, chở container đang trên hành trình luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đã đâm vào sà lan SG-00994 đang thi công đèn Aval Cần Giờ, làm gãy và lật úp sà lan. Trên sà lan lúc ấy có 11 công nhân đang thi công. Các cơ quan chức năng tổ chức tìm kiếm nạn nhân và đến 3 giờ ngày 16-8 chỉ cứu được 4 người còn sống (trong đó 3 người bị thương nặng), 7 người còn lại mất tích.

Nguyên Tổng giám đốc Phạm Đình Vận cho rằng: “Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là lỗi của tàu UNI FORWARD. Nhưng phải rành mạch: Không có đèn chỉ đường-báo hiệu, họ khó có thể quan sát được tình hình mặt biển. Việc khôi phục lại Aval, chúng ta phải trả bằng tính mạng của 7 công nhân, chủ yếu quê Hải Phòng”.


Sợ nhất là sóng to gió lớn, tàu thuyền chạy ẩu

Gần 1 tháng trời chờ đợi và rồi chúng tôi cũng nhận được điện thoại của ông Trần Đại Nghĩa (Giám đốc Công ty BĐATHH Đông Nam bộ): “Ngày mai sóng dịu, có thể ra thăm anh em vài giờ”. Buổi sáng, anh Nguyễn Văn Nghĩa (Trạm trưởng BĐATHH Gành Rái) trong bộ đồng phục ngành đưa chúng tôi xuống chiếc thuyền câu chạy lạch tạch ra vịnh, miệng cười rất tươi: ‘’Mỗi tuần, tàu KS01 của công ty ra tiếp tế cho anh em ngoài đó một lần. Đi tàu trúng ngày sóng to thì chỉ có quay về” và kể: Trạm quản lý toàn bộ hệ thống báo hiệu luồng lạch ra vào vịnh Gành Rái vốn được gọi là “ngã sáu hàng hải” với 3 tổ công tác, trong đó tổ hải đăng Aval nằm xa nhất với 6 công nhân. Mỗi ca trực đèn gồm 3 người, liên tục 1-2 tuần mới thay 3 người khác.

 


Buổi chiều ở hải đăng Aval, khi dàn đèn đường Trần Phú ven biển Vũng Tàu bừng lên rực rỡ, chúng tôi mới giật mình: Ngay sát đây, chỉ ngồi thuyền chạy lạch tạch vào bờ là sống trong thành phố đẹp. Những công nhân hải đăng, người lau đèn, người giật cần câu tóm con cá đối bé bằng ngón tay nấu bát canh vị chua me. Chỉ anh Hòa ngồi bó gối ngồi nhìn về phía Vũng Tàu, giọng ngàn ngạt: “Lát phải thắp hương cho 7 anh em đã nằm xuống khi xây lại đèn, đêm mới ngủ yên được. Chú về, cho tôi gửi lời thăm đất liền”.

Gần 1 tiếng đồng hồ vòng tránh những con tàu hàng khổng lồ, chúng tôi mới cập được “lâu đài trắng trên biển” với 3 mặt sàn cắm xuống biển bằng những cọc bê tông, mái ngói đỏ, tường sơn trắng nằm chơ vơ ngang sóng. Anh công nhân Nguyễn Văn Hòa (43 tuổi, quê Bình Định) kéo tuột chúng tôi qua lan can thép chống gỉ vàng khè, lên tầng 3 thăm nơi ăn ở, làm việc và thành thật: “Cả năm nay mới có khách ra thăm”. Cả diện tích gần 20 m2 đủ kê 3 chiếc giường tầng, 1 tủ sắt, bộ bàn ghế uống nước và nồi niêu xoong chảo. Thứ thấy nhiều nhất ở đây là áo phao. Công nhân Lâm Văn Tiễn (50 tuổi, quê Nam Định) giải thích: “Sống ngoài này, sợ nhất là sóng to gió lớn và tàu thuyền chạy ẩu, bất chấp luồng lạch lao thẳng vào đèn”.

Nói chuyện dự báo thời tiết, các công nhân hải đăng Aval lắc đầu quầy quậy bởi trong bờ cứ nghe đài nghĩ bình thường, nhưng ngoài khu vực đèn, sóng to cấp 5 - 6 đập tàu thuyền nghiêng ngả. Khi sóng cao 4-5 mét trùm lên nhà ở, anh em lại mò mẫm ôm áo phao mò lên nóc, thót tim canh đèn, đếm từng phút mong biển yên. Có những khi biển động vài tuần liên tục, tàu sắt KS01 không dám lại gần tiếp tế vì sợ sóng lớn xô vào làm đổ đèn, lãnh đạo công ty trong bờ phải bấm bụng chi vài triệu đồng thuê thuyền gỗ nhỏ chở nước ngọt, rau xanh, đồ ăn, quần áo ra thăm.

“Ớn nhất là những tàu không có hoa tiêu, chạy ngang, đi tắt không đếm xỉa đến biển báo luồng lạch” - công nhân Lâm Văn Tiễn lắc đầu.

Theo Trạm trưởng Nguyễn Văn Nghĩa: Gọi vịnh Gành Rái là “ngã sáu hàng hải” vì đây là cửa ngõ từ đại dương ra vào các sông lớn (Sài Gòn; Thị Vải; Soài Rạp...). Dòng chảy phức tạp cùng sự giao cắt của các hành trình hàng hải lẫn thủy nội địa khiến khu vực này trở thành điểm nóng của đâm va, chìm tàu.

Đầu năm 2014, tàu Heung A Dragon (Hàn Quốc) bị tàu Eleni (quốc tịch Marshal Island) đâm chìm khiến 700 container trên tàu chìm xuống biển. Mới đây nhất giữa tháng 7.2016, một tàu hàng loại nhỏ chạy sai luồng đã đâm vào đáy hàng khơi của người dân trên vịnh Gành Rái làm sập hàng đáy, khiến cả chục lao động rơi xuống biển phải ôm cột chống vài tiếng đồng hồ mới có tàu phát hiện.

Nguyễn Văn Hòa là công nhân bám trụ qua 2 đời hải đăng Aval. Năm 1993, khi mới 20 tuổi anh đã ra canh hải đăng do Pháp xây dựng từ năm 1864 với một mặt sàn, kê trên những cọc sắt pha gang cắm xuống biển.


“Lúc tôi ra, hải đăng đã tồn tại 129 năm nên các thanh giằng bị nước biển ăn mòn, dần dần biến dạng và rơi rụng hết. Mỗi khi sóng to, cả khối nhà lắc như lên đồng”-anh Hòa nhớ lại vậy và nói: “So với hồi đó, anh em bây giờ đầy đủ, thuận tiện hơn rất nhiều. Có vất vả là về tinh thần, tâm lý”.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.