Lao mình xuống biển dữ cứu ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày đầu năm mới này, câu chuyện về chàng trai 25 tuổi lao xuống biển dữ để cứu ngư dân từ cõi chết trở về làm lay động cả làng biển Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và mạng xã hội. Sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ ấy đôi lúc làm em Trần Thanh Ron buồn lòng: “Khi em quay clip lại và đăng lên mạng xã hội với mong muốn có bằng chứng để tàu cá của ngư dân Bình Định nhận được bảo hiểm, chứ không phải muốn kể công, kể trạng như nhiều người vẫn nghĩ”.

Rẽ sóng lớn cứu người

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi mới 14 tuổi, Trần Thanh Ron (trú thôn Châu Me, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ) đành ngậm ngùi gói ghém sách vở vào ngăn tủ, để theo chân những ngư dân trong làng ra vùng biển gần bờ tập đi thúng và đánh lưới kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Nhờ sự gan dạ, nhanh nhẹn, năm 17 tuổi, Trần Thanh Ron đã được theo anh trai ngược xuôi ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trên những con tàu công suất lớn. Và sau 8 năm lênh đênh giữa biển cả đầy nắng gió, nguy hiểm đã tôi luyện Ron trở thành một “kình ngư” khi tuổi đời còn rất trẻ.

 

Trần Thanh Ron đang tiếp cận ngư dân bị nạn.
Trần Thanh Ron đang tiếp cận ngư dân bị nạn.

Ngày 16-12-2017, tàu cá QNg 98565 (công suất 750 CV) do ngư dân Trần Quân làm thuyền trưởng cùng em trai Trần Thanh Ron và 3 ngư dân đang trên đường chạy vào bờ tránh trú vì lúc đó có gió cấp 7 - 8. Khoảng 10h trưa thì nhận được tin cầu cứu của ngư dân Bình Định phát ra từ Icom - thiết bị ngư dân dùng để liên lạc ở ngoài biển. Vẫn biết chần chừ giữa những đợt sóng cao trên 3m rất nguy hiểm, nhưng thuyền trưởng Trần Quân và 4 thuyền viên đã quyết định cho tàu đổi hướng, rẽ sóng chạy đến địa điểm tàu cá bị nạn.

Gần 1 giờ tìm kiếm, 5 ngư dân Quảng Ngãi mới tiếp cận được tàu cá bị nạn: “Khi vừa chạy đến, chiếc tàu bị nạn đã chìm gần hết, ở gần đó, 4 ngư dân đang cố gắng bám trụ trên 1 chiếc thúng câu. Mặt ai cũng tái nhợt vì sợ hãi. Thấy cảnh tượng đó, 5 anh em trên tàu em không chút chần chừ, ném dây ra thúng cho 4 ngư dân bám vào, lúc vừa đưa được 2 ngư dân lên tàu, bất ngờ 1 con sóng lớn ập đến, đánh lật thúng làm 2 ngư dân còn lại rơi xuống biển. Trong lúc hoảng loạn, em có nghe 1 anh kêu không biết bơi, nên em đã nhanh chóng nhảy xuống biển và bơi đến đưa dây cho anh bám vào”- em Ron kể lại.

Tất cả thuyền viên đang vui mừng khi đã đưa được 4 ngư dân bị nạn lên tàu an toàn, thì ở dưới biển, Ron đang chới với vì con sóng lớn khác nhấn chìm. Ron cố dồn hết sức bơi lên mặt biển, lúc đó mới biết mình đã bị đánh dạt qua mạn trái con tàu. “Em hét lên thì mấy anh đang tìm em ở bên mạn phải chạy sang ném dây cho em lao lên tàu” - em Ron nhớ lại.

Nhờ tình người mới bình an trở về

Tính thời gian tìm kiếm, cứu vớt 4 ngư dân mất khoảng 1 giờ 30 phút. Vì sự chậm trễ đó buộc tàu cá Quảng Ngãi thả neo trụ lại suốt 5 ngày giữa mênh mông sóng biển (nếu chạy tiếp thì tàu dễ bị phá nước), chờ ngày sóng êm mới có thể trở về. Đến 21.12, sóng êm, tàu tiếp tục hướng về đất liền và phải mất thêm 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu cá Quảng Ngãi mới đưa 4 ngư dân Bình Định cập bến an toàn.

“Em nghĩ, bất cứ ai gặp cảnh tượng đó cũng không thể đứng nhìn được, nên hành động cứu người của em cũng là điều bình thường thôi. Sau khi vào đất liền, em đã đăng clip tàu em cứu 4 ngư dân bị nạn lên mạng xã hội với mong muốn có bằng chứng để tàu cá của ngư dân Bình Định nhận được bảo hiểm, chứ không phải muốn kể công, kể trạng như nhiều người vẫn nghĩ” - em Ron giọng buồn buồn.

Ngư dân Trần Đức (chủ tàu cá BĐ 95681, 38 tuổi, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, tàu cá của anh vừa ra đến nơi, chưa kịp đánh bắt thì gặp sóng lớn đánh dữ dội, khiến tàu bị phá nước rồi chìm ở vùng biển Hoàng Sa, cách đất liền trên 280 hải lý. Tai họa ập đến một cách chóng vánh, thời gian chỉ đủ để chúng tôi phát tín hiệu cầu cứu. Trong lúc tuyệt vọng thì may gặp tàu cá của anh em ngư dân Quảng Ngãi ứng cứu kịp thời.

“Dù vụ tai nạn làm thiệt hại hơn 1.5 tỉ đồng, nhưng điều quan trọng nhất là giữ được tính mạng của 4 anh em. Hôm đó vừa leo lên thuyền, khi nhìn xuống biển lại không thấy thằng Ron đâu. Đang loay hoay tìm nó ở bên mạn phải thì nghe nó kêu cứu ở bên mạn trái. Phải công nhận thằng Ron dũng cảm và bơi giỏi. Nếu tôi mà bị sóng lớn nhấn chìm như nó chắc mãi mãi không ngoi lên mặt biển được. Những lúc gặp hoạn nạn trên biển mới thấy hết được cái tình của những ngư dân với nhau. Nhờ tình cảm đó đã giúp 4 anh em chúng tôi trở về bình an với vợ con” - Ngư dân Trần Đức xúc động nói.

 

Tàu của ngư dân Bình Định đang chìm dần.
Tàu của ngư dân Bình Định đang chìm dần.

Một tàu chìm, cả làng dốc hầu bao tương trợ

Từ nhiều năm nay, ở cửa biển Mỹ Á đã xảy ra hơn 10 vụ chìm tàu và mắc cạn, làm nhiều người chết và mất tích. Mới đây, ngày 23.11.2017, tàu cá QNg 98016 - TS ( công suất 715 CV) của ngư dân Trần Công Trứ (đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá, trú thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 11 thuyền viên đang trên đường chạy vào cửa lạch Mỹ Á (xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) để tránh gió không khí lạnh tăng cường.

Khi vừa vào đến cửa biển Mỹ Á thì gặp sóng lớn, khiến tàu QNg 98016 chao đảo mạnh, lưới bị rớt xuống biển quấn vào chân vịt, làm tắt máy và trôi dạt vào góc Đông - Nam cửa lạch Mỹ Á (chân núi thuộc xã Phổ Vinh). Vụ tai nạn làm thuyền viên Nguyễn Cao Nguyên tử nạn.

Dưới cơn mưa tầm tã, trên bờ kè, hàng trăm con người từ trẻ nhỏ cho đến người già đang dõi mắt theo con tàu đang mắc cạn giữa cửa. Cạnh đó, phía trong cửa biển, hàng chục tàu thuyền nổ máy chạy ra ứng cứu, nhưng vì sóng lớn đành quay trở vào.

Lẫn trong đám đông đang dõi theo con tàu bị nạn có ông Võ Xuân Cẩm - Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang - cũng đang chôn chân giữa mưa nhiều giờ liền. Khi thấy chiếc thuyền đã bị sóng đánh dạt vào bờ đá, không còn hi vọng gì nữa, nhiều người dân đã tự động tìm đến ông Cẩm để xin được đóng góp hỗ trợ ngư dân Nguyễn Công Trứ và ngư dân bị chết.

Theo ông Cẩm, quy chế của nghiệp đoàn nghề cá Phổ Quang quy định; gia đình chủ tàu nào bị nạn được hỗ trợ 5 triệu đồng; ngư dân bị tử nạn được hỗ trợ 3 triệu đồng. “Khi đi vận động người dân, nhiều gia đình không có tàu thuyền nhưng vẫn tình nguyện đóng góp cho những ngư dân bị nạn. Riêng tàu của ngư dân Nguyễn Công Trứ bị nạn mới đây, nghiệp đoàn nghề cá đã huy động được 70 đến 80 triệu đồng, chưa kể tiền hỗ trợ cho gia đình ngư dân bị chết” - ông Cẩm chia sẻ.

Như để minh chứng về tình người nơi cửa biển Mỹ Á này, ông Cẩm nhắc đi nhắc lại: “cách đây 1 năm, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Tư (xã Phổ Quang) - chủ tàu cá QNg 98783 TS cũng bị sóng lớn đánh kẹt vào vách đá. Không một lời kêu gọi, 7 tàu cá công suất lớn nổ máy lao ra kéo được tàu bị nạn vào cảng. Vụ tai nạn làm một phần thân tàu bị vỡ. Dù thiệt hại nhẹ nhưng cả làng đã hỗ trợ cho anh Tư gần 100 triệu đồng để sửa chữa tàu”.

Trần Hóa/laodong

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.