Lao động "tàng hình": Những "bông hồng thép" trong đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ có lớp phu khuân vác, ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) còn có nữ bốc xếp. Cánh mày râu gọi họ là những “bông hồng thép” trong đêm.
 
Một nữ bốc xếp kéo hàng trên trăm ký ở chợ đầu mối Thủ Đức. ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Một nữ bốc xếp kéo hàng trên trăm ký ở chợ đầu mối Thủ Đức. ẢNH: PHẠM THU NGÂN

Rời làng quê, xa con nước, những phụ nữ dù tóc đã muối tiêu vẫn đến thị thành để làm nghề bốc xếp với bao nhọc nhằn.

“Mình không có quyền nghỉ lâu”
Đồng hồ ở chợ đầu mối Thủ Đức đã điểm 2 giờ, lẫn trong lớp người lao động tại chợ A, dễ thấy nhiều phụ nữ mặc bộ đồ bông, bên ngoài khoác một chiếc áo mỏng đã thâm kim hay rách, đứng nép mình sau những chiếc xe kéo hàng nặng trịch. Bộ đồ bông là nét đặc trưng trong nếp sống ăn mặc của phụ nữ miền Tây. Họ mang theo nó lên đến thị thành, và mặc để kéo hàng vì tiện lợi.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc bộ phận quản lý bốc xếp tại chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết lao động bốc xếp là nữ do chợ quản lý còn khoảng 7 người, chủ yếu chuyển về sau vụ cháy chợ Cầu Ông Lãnh, chứ hiện nay công ty không tuyển nữ bốc xếp. Ngoài ra còn một ít lao động nữ của 1 đơn vị bốc xếp liên kết với chợ và khoảng 30 nữ bốc xếp tự do. Họ làm tự do vì tuổi đã cao, lãnh công khoán (mức lương mà người lao động nhận được khi hoàn thành đủ số lượng và chất lượng công việc được giao - PV)… Bốc xếp trong chợ hiện nay chủ yếu là nam thanh niên di cư từ các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Bà Nguyễn Thị Hằng (55 tuổi, quê Hậu Giang) đứng ngó dáo dác xung quanh coi ai cần kéo hàng. Bà không nhớ rõ mình lên thành phố đã mấy năm, nhưng bà biết vào thời điểm đó, gia đình bà mất nguồn thu từ việc cắt lúa mướn. Máy móc đã thay thế con người, thế là bà cùng 3 đứa con dọn vài bộ quần áo lên thành phố tìm việc. Nay bà Hằng ở trọ một mình, làm bốc xếp ở chợ, còn 3 đứa con bà làm công nhân ở Q.Tân Phú (TP.HCM).
Gặp năm nay chợ ế ẩm do dịch, 100.000 đồng/đêm là khoản thu nhập chính để bà Hằng chi trả tiền trọ và phí sinh hoạt. Với lịch trình được lên “dây cót” sẵn: 22 giờ vô “guồng”, tờ mờ sáng về nhà ngủ, bà Hằng đã quen với việc thâu đêm. Bà nói với việc làm không có hợp đồng kiểu như “tàng hình” này, ai có tiền sẽ mua luôn chiếc xe kéo hàng rồi gửi qua đêm tại chợ với giá vài nghìn đồng, còn lại đa số sẽ thuê chiếc xe đó hơn chục nghìn/đêm.
“Tôi ưa mua thuốc để sẵn ở phòng, khi nào thấy mệt cứ lấy ra uống. Giờ kéo không nổi, chỉ làm 3 triệu đồng/tháng, tháng nào không đủ tiền thuốc men tôi mới xin con cái cho thêm”, bà Hằng lấy vạt áo bông quệt mồ hôi trên mặt, rồi nói tiếp: “Làm tới đâu hay tới đó. Giờ tôi phải đi xung quanh coi có ai cần thì kéo tiếp, mình không có quyền nghỉ lâu, nghỉ lâu mất mối”.
 
Bà Mai Thị Bốn mưu sinh ở chợ đầu mối Thủ Đức ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Bà Mai Thị Bốn mưu sinh ở chợ đầu mối Thủ Đức ẢNH: PHẠM THU NGÂN
“… Tờ tiền treo trong đêm”
Đứng đối diện góc đường, bà Nguyễn Thị Hồng (55 tuổi, quê An Giang) cứ liên tục châm hết điếu thuốc này tới điếu khác. Bà Hồng cũng chỉ mới một năm lên thành phố làm bốc xếp. Hỏi bà sao lại cất bước ly hương ở tuổi xế chiều, bà bảo giờ dưới xóm bà ai mà chẳng vậy, ruộng giờ cần máy chứ đâu cần người.
Cơn lốc ly hương
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, vùng Đông Nam bộ tiếp tục là điểm đến thu hút nhất đối người di cư, với 1,3 triệu người nhập cư. Trong đó, người nhập cư đến Đông Nam bộ nhiều nhất từ ĐBSCL (khoảng 710.000 người, chiếm 53,2%). Thống kê cho biết mức độ giàu nghèo của người di cư và không di cư có những khác biệt đáng kể, trong số đó người di cư giữa các tỉnh có mức sống khó khăn nhất khi có tới gần một nửa sống ở mức “nghèo” và “nghèo nhất”.
“Tôi làm ngày 200.000 đồng, làm nhiều người ta sẽ cho thêm. Mấy đứa con tôi làm ăn tứ xứ, lo gia đình riêng hết rồi”, bà Hồng nói và kể thêm: “Nhà tôi đau ốm liên miên. Chồng tôi bị thoát vị đĩa đệm cổ, đau thần kinh tọa... không đủ chi phí mổ nên giờ cứ cầm cự bằng thuốc. Còn tôi bị hở van tim hai lá, gai cột sống”.
Phòng trọ của bà Hồng cách chợ tầm một cây số. Cứ khoảng 19 giờ, bà Hồng đi bộ ra chợ rồi đến khi mặt trời ló dạng, bà sẽ lại đi bộ về nhà. Hỏi sao bà làm quen với việc thức khuya, bà bảo: “Cứ tưởng tượng có một tờ tiền treo trong đêm đó thôi, cuộc sống mình bám chợ nên không quen cũng phải quen. Nhiều lúc mần cực quá, không còn cảm nhận được cái tay là của mình, tôi chỉ mong sao trúng số. Có đêm làm chỉ được 100.000 đồng, đi về, tôi nằm ngủ mà chỉ muốn ngủ luôn”.
Hỏi bà có nhớ quê không, bà Hồng chậc lưỡi, bảo như chim nhớ lá rừng, bà nhớ làng, nhớ mấy công ruộng mà mình đã tưới, nhớ mồ mả tổ tiên nữa... Ở dưới quê, bà có một căn nhà lá, thỉnh thoảng chồng bà về dọn dẹp rồi lên lại. Bà Hồng rớm nước mắt: “Vì nghèo nên phải bấm bụng lên đây chen chúc kiếm sống. Ở dưới quê có cá, có rau đủ thứ, mình không sợ đói, nhưng không có tiền. Lên đây rồi lại không dám nghỉ làm, mệt cỡ nào, mưa gió cũng phải đi”.
Những lao động bốc xếp làm đêm cho biết họ không ngán hàng, chỉ ngán đêm mưa. “Mưa không thể nằm tạm đâu mà ngủ được, phải mặc áo mưa đi làm, ngồi ngủ gục lên gục xuống, lội khiêng hàng rộp hết cả chân tay”, bà Hồng nói.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng thường mang áo khoác thâm kim, rách nách đi kéo hàng ẢNH: SONG MAI
Bà Nguyễn Thị Hồng thường mang áo khoác thâm kim, rách nách đi kéo hàng ẢNH: SONG MAI
Nữ bốc xếp U.80
3 giờ, bóng dáng gầy gò của bà Mai Thị Bốn (76 tuổi) lọt thỏm trong những khối hàng. Bà Bốn đã làm bốc xếp 47 năm, là nữ bốc xếp lớn tuổi nhất trong chợ đầu mối. Quê gốc Hội An (Quảng Nam), bà tự vào Sài Gòn lúc mười mấy tuổi.
Trong trí nhớ bà, hình ảnh của dòng sông Thu Bồn hiền hòa, những làng nghề nuôi tằm dệt vải và gia cảnh đói nghèo còn rõ mồn một. Bà nói: “Tôi vào đây để mưu cầu tương lai. Mới đầu, tôi phụ việc nhà cho một người làm ở ga Sài Gòn, một thời gian sau lấy chồng, sinh con, nhưng do thời cuộc biến loạn, chồng tôi mất, tôi phải mưu sinh, làm bốc xếp để nuôi 3 đứa con. Hồi đó, tôi làm ở chợ Cầu Ông Lãnh, sau vụ cháy năm 1999 mới chuyển về đây”.
Bà Mai (64 tuổi), làm chung với bà Bốn từ lúc còn ở chợ Cầu Ông Lãnh, tiếc nuối: “Ngày đó còn trẻ, gánh hàng nhiều tới mức hai vai nổi chai từng cục. Tôi với chị Bốn làm chung một chỗ, tôi vừa mang bầu vừa gánh hàng, chị Bốn một thân một mình lo 3 đứa con, trời nắng hay mưa cũng thấy bả quần quật, khom lưng kéo... Chợ này lúc chưa xây xong, mỗi lần trời mưa là nước ngập qua đầu gối”.
Lầm lũi mấy chục năm, đêm nào bà Bốn cũng đi làm. Bà bảo: “Lúc trước khỏe, mỗi đêm kéo hàng trăm ký, tôi còn giao hàng cho xe tải, chứ giờ người ta thương tôi mới kêu chứ họ sợ tôi trật tay, trật chân. Mỗi thùng hàng trên dưới chục ký được 2.000 - 4.000 đồng, một chuyến tôi được 30.000 đồng. Làm một đêm chừng 120.000 - 200.000 đồng, những ngày lễ, rằm sẽ được nhiều hơn”.
Hỏi bà Bốn có hay về quê đón tết, bà buồn buồn: “Lúc cha mất, tôi đã không làm tròn bổn phận con cái. Sau này, tôi cũng có trở về quê, nhưng biết thân phận mình ra đi, nhưng vẫn nghèo quá... nên không dám về nữa. Tôi lập bàn thờ cha ở nhà trên này, tết cũng đi kéo suốt, đêm 30 tôi sẽ ở nhà cúng kiếng xong xuôi rồi mùng 1 lại trở ra chợ làm tiếp. Tết ở đây cũng vui, bà con tặng tôi hàng nhiều lắm”.
Theo Phạm Thu Ngân-Song Mai (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...