Làng vùng cao đổi đời nhờ trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Là ngôi làng vùng sâu nhất của huyện Vân Canh (Bình Định), nhưng diện mạo của làng Hà Văn Trên của đồng bào Bana thuộc xã Canh Thuận giờ trông rất sáng sủa, nhà ngói khang trang mọc ken dày, đường giao thông được bê tông hóa đến từng ngõ xóm... 
Điều thú vị nhất là hầu hết người dân làng đều biết kiếm tiền trên mảnh đất quê nhà bằng nghề trồng rừng sản xuất.  
Mảnh đất giàu truyền thống
Ngồi với già làng, cựu chiến binh Đinh Văn Chương (SN 1937) trong ngôi nhà sàn truyền thống, nhấp chén nước chè, tôi nghe cụ chậm rải kể chuyện ngày xưa của làng Hà Văn Trên.
 
Già làng Hà Văn Trên trò chuyện với PV
Theo ký ức của già làng Đinh Văn Chương, làng Hà Văn Trên được tạo dựng từ thời kháng chiến chống Pháp. Thời ấy, làng chỉ lèo tèo vài ba chục hộ dân ở rải rác. Trải qua thời kháng chiến chống Pháp, tinh thần cách mạng được hun đúc trong lòng mỗi người dân làng. Bước sang thời kháng chiến chống Mỹ, mỗi người dân làng Hà Văn Trên là 1 cơ sở cách mạng đáng tin cậy. “Hồi đó, cái lòng người dân nào ở làng Hà Văn Trên cũng tham gia chống Mỹ, đồng bào Bana ở đây đồng sức đồng lòng vừa nuôi vừa bảo vệ những cán bộ quần kết, thành lập những cơ sở nội tuyến. Ngày ngày, bà con vừa lên nương lên rẫy, vừa đi chăn con bò con trâu vừa nghe ngóng tình hình, hoạt động của địch để báo cáo cho cán bộ cánh mạng, báo cáo cả những thủ đoạn của địch đối xử với vợ con những cán bộ quần kết là người của làng, địch bắt bớ tra tấn những ai. Hồi ấy, có 2 cụ già làng là cơ sở cách mạng bị địch bắt giam ở nhà lao nào chửng ai biết, mất tích từ đó đến giờ”, già làng Đinh Văn Chương kể.
Khi ấy, cuộc sống của người dân làng Hà Văn Trên cơ cực trăm bề, cái ăn cái mặc đều trông cả vào những mảnh đất rẫy khô cằn. Chờ trời đổ mưa làm mềm đất, bà con rủ nhau lên rẫy cầm cây chọt lỗ, bỏ xuống những hom mì và những hạt lúa giống. Mấy tháng sau đó, nếu trời cho mưa thuận gió hòa, những hom giống trở thành những bụi mì (sắn) xanh ngắt và những bụi lúa đóng đầy hạt, nhìn thấy thôi là cái bụng bà con đã no. Nếu trời không cho mưa, chỉ cho nắng thì bà con khốn khó về lương thực, những bữa ăn ít khi được đầy cái bụng.
Khó khổ là vậy, nhưng đồng bào Bana ở làng từ lâu đã biết yêu nghệ thuật, phụ nữ trong làng từ đời này sang đời nọ đều đồng lòng gìn giữ cái nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ xưa, gia đình nào dù nghèo đến mấy cũng cố sắm cho được 1 bộ khung cửi để dệt. Dệt thổ cẩm trở thành “đặc sản” của đồng bào Bana ở làng Hà Văn Trên.
 
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ làng Hà Văn Trên
Về sau này, mặc dù phụ nữ con gái trong làng đã tiếp cận với “thế giới đồ âu, quần jean áo phông”, nhưng nghề dệt thổ cẩm ở làng Hà Văn Trên vẫn được bảo tồn như và phát triển với những tín hiệu lạc quan. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở làng được phục hồi mạnh mẽ từ năm 2004, ban đầu chỉ có 25 người tham gia, đến nay số người biết dệt đã trên 70 người.
Chị Đinh Thị Xuân Bông, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Canh Thuận, nhớ lại: “Năm 2004, làng được hỗ trợ 25 khung dệt nhỏ, 15 khung dệt lớn, người dân bắt đầu tập trung dệt nhiều hơn. Người dân vẫn dùng trang phục truyền thống của mình vào các dịp lễ tết, nên sản phẩm vẫn bán được cho người ở làng và người dân trong xã, trong huyện. Nhờ vào mẫu mã đẹp và chất lượng tốt, thổ cẩm làng Hà Văn Trên còn thu hút được khách du lịch”.
Theo xu hướng hiện đại, các chị, các mẹ ở làng không chỉ dệt đồ thổ cẩm truyền thống, mà thêm vào đó là đủ loại mẫu mã cách tân như váy, áo, túi vải… phục vụ cho nhu cầu của dân làng và thị hiếu của khách du lịch. “Chúng tôi vẫn mong muốn sản phẩm của mình có đầu ra tốt và được nhiều người biết đến hơn. Do vậy, rất trông đợi sẽ có nhà sàn thật đẹp tại điểm du lịch Suối Đá, đó là nơi vừa để dệt, vừa trưng bày giới thiệu sản phẩm đến với du khách” , chị Đinh Thị Xuân Bông mơ ước.  
Ai cũng biết kiếm tiền trên đất rẫy
Già làng Đinh Văn Chương tiếp tục câu chuyện làm ăn thoát nghèo của đồng bào Bana ở làng Hà Văn Trên với giọng hào hứng. Năm 1983 làng xây dựng khu dân cư mới, nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước theo về, lúc này số hộ dân trong làng đã tăng lên con số 99. Được ngành nông nghiệp hướng dẫn, tập huấn, bà con trong làng bắt đầu biết nuôi con trâu con bò. Ngày ấy, bãi chăn thả ở Cổng Trời rộng mênh mông có thể chăn thả 500 – 600 con trâu bò, hầu như hộ dân nào ở làng cũng tham gia chăn nuôi, nguồn thu từ những con đại gia súc dần dần làm thay đổi cuộc sống của dân làng.
Đến năm 2006, Dự án trồng rừng WB3 có mặt tại làng Hà Văn Trên, mở ra cho dân làng hướng làm ăn mới. Giá gỗ rừng trồng ổn định trong thời gian dài kích thích người dân làng ngày càng phát triển trồng rừng. Đến bây giờ, có thể khẳng định rừng trồng chính là “bệ phóng” đưa người dân làng thoát khỏi cái nghèo, rất nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.
Rời nhà già làng Đinh Văn Chương, tôi tìm đến nhà chàng trai Đinh Văn Dũng, người được già làng giới thiệu là 1 trong những nông dân sản xuất giỏi của làng. Dũng làm trưởng làng từ năm 2008 đến năm 2015 nên khá rành rỏi chuyện làm ăn của người làng. Dũng kể: Từ năm 2006 đến năm 2012, làng phát triển mạnh phong trào trồng rừng nguyên liệu giấy. Dân làng được Dự án WB3 hỗ trợ cho vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật từ công đoạn phát thực bì đến công đoạn trồng và chăm sóc. Trong quá trình chăm sóc rừng keo, người dân làng Hà Văn Trên còn được Nhà nước hỗ trợ phân bón.
 
Anh Đinh Văn Dũng, 1 trong 30 nông dân sản xuất giỏi của làng Hà Văn Trên
“Từ khi phát triển mạnh nghề trồng rừng, cuộc sống của người dân làng thay đổi hẳn. 99 hộ dân ở đây hộ nào cũng có rừng trồng nên ai cũng khấm khá hẳn lên. Hiện nay, trong làng có 99 căn nhà thì chỉ còn duy nhất 1 căn còn lợp lá, 98 căn nhà còn lại là nhà ngói khang trang, được trang bị đầy đủ phương tiện nghe nhìn, xe máy, có nhiều căn nhà được xây dựng rất đẹp. Điểm đặc biệt của làng là dù có điều kiện làm nhà xây, nhưng các hộ dân vẫn giữ lại bên cạnh căn nhà sàn truyền thống. Tuy là dân vùng sâu, nhưng trong làng có đến 30 người đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi các cấp. Các cháu mầm non và bậc tiểu học cũng được ngồi học trong những ngôi trường kiên cố”, anh Dũng “phác thảo bức tranh” về đời sống kinh tế và tinh thần của người dân làng hiện nay.
Dẫn đầu phong trào trồng rừng sản xuất ở làng Hà Văn Trên là các ông Đoàn Văn Phước, Đoàn Văn Lai, mỗi người có đến 7 – 8ha rừng keo. Riêng gia đình anh Đinh Văn Dũng cũng có được 4ha vừa khai thác xong, trừ hết chi phí anh còn lãi 260 triệu đồng. Từ những khoản thu từ rừng trồng, anh Dũng dành dụm tiền mua thêm những cánh rừng phân tán trồng keo, trồng mì. Tại nhà, anh Dũng mở 1 gian hàng bán tạp hóa để vợ con kiếm thêm thu nhập. Do là cư dân “làng trồng rừng” nên anh Dũng sắm 1 chiếc xe tải để chở gỗ nguyên liệu của rừng nhà và của dân làng về nhà máy. “Trên địa bàn huyện Vân Canh có đến 4 nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu và 2 nhà máy bao bì, tiêu thụ gỗ rừng trồng rất mạnh nên bà con trồng rừng ở làng không lo về đầu ra”, anh Dũng cho hay.
 
Những ngôi nhà ngói khang trang của người dân làng Hà Văn Trên

“Cuộc sống của người dân làng Hà Văn Trên hiện đã “đổi đời” thấy rõ, tuy nhiên, người làng vẫn còn nỗi khổ là từ xưa nay không làm được ruộng lúa nước để chủ động lương thực. Nghe nói Nhà nước đã có dự án xây dựng hồ chứa nước Suối Lớn, nhưng chờ mãi không thấy đâu, người dân mãi ngóng dự án này như “con chờ mẹ đi chợ về”. Có công trình thủy lợi thì mới có ruộng lúa nước, bây giờ nước sinh hoạt còn thiếu thì lấy đâu ra nước mà làm ruộng”, già làng Đinh Văn Chương bộc bạch.

Vũ Đình Thung (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Trở lại Phú Sĩ thu

Trở lại Phú Sĩ thu

Tôi khá có duyên với nước Nhật. Kể cả lần đi này thì tôi đến nước Nhật năm lần, trong đó hai lần đi công tác, một lần nửa công tác, nửa tham quan và hai lần đi theo tua.
Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.