Lang thang mùa xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu lang thang đã trở thành cái thú thì đâu kể bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhưng lang thang đâu đó vào thời khắc mà mây gió cứ gợn nét thanh tân thì lòng người như ủ men, đã đến kỳ làm hồng đôi má. “Đi đâu cũng được”, người thích lang thang hay bảo thế. Khi đôi chân đã muốn cất bước thì góc trời nào cũng đầy những bâng khuâng…
Mùa xuân, mặt đất như trải rộng ra. Màu xanh non của vạn vật đủ đánh thức và bồi đắp một điều gì đó thật xán lạn trong trái tim con người. Chẳng cần dự tính những cuộc đi xa, chỉ quẩn quanh với núi đồi ở miền cao nguyên này cũng thỏa lòng biết mấy. Hết rồi cái vẻ ẩm mục và xơ xác của mùa đông. Đồi dốc đã bớt lạnh, con người cũng muốn bứt ra khỏi nỗi buồn của mình. Đã qua bao con đường, bây giờ về lại núi đồi như tương phùng với lối cũ. Cảnh sắc cao nguyên có những nét duyên dáng, hữu tình mà chỉ lúc lang thang mới nhìn ra, mới thấy được. Thong dong bằng phương tiện gì là tùy thích, đi bộ lại càng vui hơn. Ngắm hồ này một chút, ngắm núi kia một chút. Nghe cỏ cây cất lời, rồi tiếng chim hót đâu đó như bày từng nốt bổng trầm lên khuông nhạc. Cả bốn mùa, thiên nhiên đều mời gọi nhưng đâu phải lúc nào con người cũng đủ bình thản để lắng nghe, để đồng điệu.
Thác hồ vẫn nằm đó, núi đồi vẫn nằm đó, hiền hòa với tháng năm. Chỉ là ngày xuân đến, nét đẹp ấy lại càng rõ hơn. Ngoài kia, bao nhiêu đổi dời của cuộc sống là bấy nhiêu nỗi niềm trong lòng người. Muốn lang thang tức là ta đang cần được lắng đọng biết nhường nào. Mỗi ngày, khi khát khao dâng dầy, con người cũng lắm lúc lạc lối và đánh mất nhiều điều quý giá. Nhưng về với núi đồi, khẽ bước trên những trảng cỏ dọc theo từng cánh rừng, ta thích thú với cái cảm giác cứ khoan thai mà bước, chẳng cần phải bận tâm lối nào mới là con đường đúng đắn. Phải chăng vì lẽ đó mà nhiều người thích lang thang?
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Có nhiều nguồn năng lượng tích cực giúp ta vững vàng hơn giữa cuộc đời. Trong số đó, mỗi giây phút tĩnh lặng trên từng gót lang thang cũng là một sức mạnh khôn cùng. Sự an tĩnh là điều mà đôi khi con người ta thiếu thốn. Có những khung cảnh ngày nào cũng đi ngang qua nhưng lại ít khi nhìn ngắm một cách tường tận, thấu suốt. Núi đồi bao giờ cũng có vẻ đẹp quang đãng, thanh vắng đến lạ kỳ. Nhịp sống hiện đại khiến chúng ta cảm thấy mọi thứ đang xoay chuyển quá vội vàng. Những ngày đầu xuân, về thăm núi đồi cũng là cách để níu chậm lại cái guồng quay ấy. Hơn thế nữa, thiên nhiên còn có thể chữa lành rất nhiều vết thương trong mỗi tâm hồn.
Nhiều người thích lang thang cùng bạn bè, nhưng cũng có người thích lang thang một mình. Không hẹn giờ, chẳng đón xe…Cứ khoan thai và tự do như thế! Trong không gian chỉ có mình với đất trời, biết bao kỷ niệm cũ sống dậy trong tâm tưởng, an ủi con người trước những ước nguyện chưa thành. Giữa phố đông, nhiều lần ta lang thang và thấy mình lạc lõng. Đi về phía núi đồi, ngắm cỏ hoa an nhiên cũng giúp con người bớt phần quạnh quẽ, trống vắng. Lang thang với mùa xuân, lang thang giữa núi đồi, ta thấy lòng mình như trẻ lại. Và biết đâu chừng, một ngày nào đó, “có hai người lang thang gặp nhau”…
LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.