Phố Núi vào xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Buổi sớm, Pleiku nhuốm trong sắc trời rạng, da trời xanh lơ, mơ màng vài tản mây trắng bạc lơ đễnh thả mình. Thành phố dậy muộn bởi khí trời se lạnh, lay phay gió, mặc cho chim sáo nâu từng đàn lưng trời ngược nắng sớm thả trôi tiếng hót trong ngần góp cùng tiếng chim sẻ nơi hiên nhà thức gọi con người đón bình minh. 
1. Ở thành phố này, mấy năm gần đây, loài chim sáo sinh sôi, ngụ qua đêm thêm nhiều trên những nóc tháp chuông, sân thượng nhà tầng, trên những tán cây lâu năm, cây xanh nơi Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ngày khô tạnh, lúc trời chưa rạng, từng đàn gọi nhau kéo về với rừng xanh, núi biếc, suối khe dòng nước ngọt lành. Tuy thế, trong ngày, giữa lòng thành phố, chốn bình yên vẫn thường bắt gặp từng cặp đôi, quy mô đàn chừng mươi con sáo nâu đôi chân nhún nhảy thơ thẩn tìm thức ăn, cất tiếng gọi bạn lảnh lót từng hồi, gần gũi như thể được con người chăm sóc, thuần dưỡng.
Ngày đầu xuân, hoa trang hoàng dịp Tết chưa đến độ mãn khai được chưng trước cửa nhà hòa cùng cỏ hoa cho phố phường thêm rộn sắc hương, quyến rũ lạ kỳ. Một vài cung đường, những cây bàng vẫn đang thay lá. Lá đỏ chấp chóa vỉa hè, lòng đường; chấp chóa nắng vàng nhạt vương vấn hơi sương mỏng loãng, gió đông muộn mơ hồ. Ngước mắt lên, những nhánh bàng khẳng khiu tựa như muôn ngón tay xòe lưa thưa vài sắc lá đỏ, mầm non vừa bật nhú nâu thẫm, nắng vàng tươi nghiêng, nền trời xanh lơ không gợi cảm giác cô độc, mà ngược lại, ấm áp lạ thường bởi sự tiếp dẫn, hài hòa và xen quyện! Tôi ngân nga một đoạn trong ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang: “Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông”. Bỗng dưng lòng nhớ mùa đông Hà Nội, nhớ ta của thời trai trẻ. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Thoáng chốc, ngày đã rộn. Nắng sậm dần. Khí trời thêm lạnh, rất đặc trưng mùa khô Tây Nguyên cả những hôm trời yên gió. Nắng nhuốm vàng thêm những gốc mai chở trên đường trở lại nhà vườn. Mãn khai, cây mai lộc non biếc ngần, quả non xanh mởn phủ kín thân cành tràn trề nhựa sống. Mấy chùm hoa nở muộn thả cánh vàng lả lơi xuống lòng đường, theo gió chập chùng quấn theo các phương tiện giao thông, theo bước chân bộ hành xuôi ngược như trêu đùa, vương vấn. Khác với ngày về, được nâng niu đón đợi; trên đường thiên lý trở lại nhà vườn để chăm sóc cho mùa sau, người ta đưa cây mai đi rất vội, vẫn rộn rã niềm vui.
2. Du xuân, đắm mình cùng thiên nhiên không chỉ là nhu cầu của cư dân phố thị. Mùa xuân, cây cao su trút lá. Xe máy cặp đôi chầm chậm cùng bạn bè trên những con đường trải nhựa hai bên là rừng cao su bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp thật kỳ thú có sự góp mặt của nắng từng tia sợi, từng dòng, đọng từng giọt như nhảy múa, như rơi rụng, như bị gió đưa nghiêng, như trêu đùa tắm táp cho thân gầy, cành trơ đầy thách thức và kiêu hãnh. Sáng mai ra, dưới nắng hanh vàng sậm màu, cơn gió như vô tình ngang qua, vườn cây rùng rùng trút lá đồng loạt làm rung chuyển cả không gian. Lá rụng như mưa trút, dứt khoát và mạnh mẽ. Tiếng lá va vào nhau tạo âm thanh rào rào ngân xa từng đợt, từng đợt lạ tai như có bàn tay vô hình lay rung. Dưới mặt đất, lá nâu vàng từng lớp từng lớp cựa mình răng rắc, giòn khô theo gió cuộn tròn thành đụn rồi xô dạt như sóng nhồi, nước xoáy. Rừng cây thẳng hàng, đúng lối giơ cánh tay khẳng khiu, gầy guộc như rũ bỏ tất cả, mặc tình không níu giữ để đón nắng, gọi gió cho cuộc hồi sinh. Một chút bâng khuâng buồn. Một chút nuối tiếc, ngẩn ngơ, ngợp lạnh… Nghĩ đến sự sinh thành, hồi tâm!
Du xuân, chẳng phải đâu xa, trong không gian quen thuộc cùng vườn cà phê mùa trổ hoa cũng đủ cho mắt nhìn đắm đuối giữa triền đồi trắng ngần hoa, trùng trùng hoa, vây bủa hoa, ngờm ngợp hoa. Khứu giác được đánh thức bởi hương thơm dịu ngọt vô cùng dễ chịu mà không loại nước hoa nào sánh được dẫu đứng cách xa vài trăm mét.
3. Đầu xuân, đêm Pleiku không thức quá khuya. Nhịp sống “bình thường mới” nhưng vẫn phải giữ gìn, chi dùng đúng mực. Tuy thế, ánh đèn màu lung linh, âm nhạc du dương, thức ăn đường phố sực nức hương thơm; lớp người trẻ vui mừng gặp nhau, vội vã chia tay cho đêm Phố núi trên những cung đường Hùng Vương, Trần Phú, Trần Hưng Đạo… thêm mơ màng, thi vị.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...