Làng Nú sưu tầm, lưu giữ nhạc cụ dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai), Trưởng thôn Rơ Lan Huân dành riêng một góc nhỏ để trưng bày các loại nhạc cụ truyền thống của người Jrai do chính nghệ nhân trong làng chế tác.
Già Rơ Châm Uynh (73 tuổi) là chủ nhân của chiếc đàn kní nhỏ xinh trưng bày tại đây. Kể cho chúng tôi nghe về cách thức làm nên cây đàn, ông bảo làm đàn khá đơn giản, chỉ nhìn thấy người chú của mình làm rồi về học làm theo. Một ống nứa làm thân, 3 phím đẽo bằng gỗ, sau đó dùng sáp ong gắn chặt vào thân đàn. Dây đàn được căng dọc thân ống nứa, đè lên phím bấm. Nối với dây đàn là sợi dây ngậm vào miệng để điều tiết âm thanh khi biểu diễn. Cung kéo là một thanh tre dài khoảng 60 cm được chuốt nhẵn. Già Uynh lấy ra một cục nhựa cây năt-một loại cây rừng-và vuốt nhẹ lên cung kéo để tăng thêm độ trơn bóng. Xong đâu đó, ông ngậm sợi dây vào miệng, giữ chiếc đàn theo chiều đứng, tay phải cầm cung kéo lướt trên dây đàn, tay trái nhịp nhàng bấm từng phím, khoang miệng nhấp mở giữ vai trò là chiếc “hộp cộng hưởng” âm thanh. Già Uynh say sưa biểu diễn một làn điệu dân ca Jrai trước sự theo dõi đầy thích thú của mọi người. “Đàn kní có cấu tạo đơn giản nhưng sử dụng lại rất khó, phải kết hợp cả 2 tay và miệng. Vì thế mà bây giờ trong làng hầu như rất ít người biết chơi loại nhạc cụ này. Ngày trước ông bà vẫn hay dùng đàn trong dịp hát dân ca giao duyên, tỏ tình nam nữ”-anh Huân bày tỏ.
 Anh Huân bên góc trưng bày nhạc cụ trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Ảnh: P.L
Anh Huân bên góc trưng bày nhạc cụ trong nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Ảnh: P.L
Tương tự, đàn đing jơng cũng chỉ có già Siu Bố (74 tuổi) mới biết cách sử dụng. Đàn gồm 13 ống nứa sắp xếp theo thứ tự từ ngắn đến dài và buộc chặt với nhau tạo thành 5 lớp âm thanh. Mỗi ống nứa vạt nhọn ở phần đầu để tạo âm (tựa như kỹ thuật tạo âm cho đàn trưng-P.V). Khi biểu diễn, nghệ nhân dùng miệng thổi vào phần ống rỗng, đồng thời dùng ngón tay lướt qua các miệng ống để tạo thành âm thanh tựa tiếng trống. “Đàn này bây giờ cũng không còn ai chơi. Vì vậy, mình đưa vào khu trưng bày nhạc cụ truyền thống ngay trong nhà sinh hoạt cộng đồng để mọi người biết, hy vọng có người tập luyện trở lại”-anh Huân tâm sự.
Cùng với các loại giấy khen, thành tích của làng được trưng bày tại nhà sinh hoạt cộng đồng, góc nhạc cụ khiến cho không gian nơi đây thêm sự gần gũi, đậm chất truyền thống. Anh Huân chia sẻ: “Góc trưng bày nhạc cụ này vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mình muốn sưu tầm thật nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Chọn trưng bày ở nhà sinh hoạt cộng đồng là bởi mình muốn dân làng, đặc biệt là lớp trẻ mỗi khi đến sinh hoạt tại đây có cơ hội được tìm hiểu và biết thêm về các loại nhạc cụ của dân tộc mình”. Góc nhạc cụ của làng Nú hiện có 1 cây đàn trưng, 2 chiếc đàn goong, 1 đàn kní và 1 đàn đing jơng. Tất cả đều do các nghệ nhân lớn tuổi trong làng chế tác. “Mình mong muốn sẽ tổ chức được nhiều buổi sinh hoạt chung, sẽ mời các nghệ nhân chế tác nhạc cụ trong làng đến nói chuyện, kể về từng loại đàn và biểu diễn trực tiếp cho mọi người cùng xem. Qua đó giúp cho bà con hiểu thêm về văn hóa của dân tộc, biết tự hào, biết giữ gìn và phát huy”-anh Huân mong mỏi.
Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.