Lãng khách độc hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ai rồi cũng già. Tuy vậy, có những “già gân” không sống những ngày ảm đạm. Với họ, mỗi ngày mới vẫn là một cuộc hành trình đầy thú vị và ý nghĩa.

Giữa bão dịch Covid-19, một “ông già người rừng” cắm lều trên núi Lang Biang, Đà Lạt (Lâm Đồng) suốt hơn 4 tháng. Ông già ấy là Trần Kim Sơn, 62 tuổi, người đã dành cả cuộc đời cho đam mê lữ hành mạo hiểm.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng máu “xê dịch” ăn sâu trong tâm tính Trần Kim Sơn từ bé. Lúc còn thiếu niên, trong túi không có tiền, chiếc xe đạp thì cũ mèm, đi được một đoạn lại đứt thắng, rớt căm xe, vậy mà Kim Sơn vẫn mang theo xoong nồi, gạo, vài bộ quần áo thường xuyên đạp đi Vũng Tàu, Đồng Nai… để khám phá, trải nghiệm cuộc sống một mình cùng thiên nhiên.

“Với tôi, đi là sống. Những chuyến du hành giúp tôi hiểu rõ mình, hiểu cuộc đời nhiều hơn”, “gã trai” đam mê du hành mạo hiểm tự bạch.

 

Ông Sơn và cô gái Tây Tạng trông nom đàn gia súc ở cao nguyên Thanh Hải.
Ông Sơn và cô gái Tây Tạng trông nom đàn gia súc ở cao nguyên Thanh Hải.


Suýt chết ở Bắc Kinh

Trần Kim Sơn sống bằng nghề tour guide và săn pháp khí Phật giáo, tìm đầu sách mới về bán cho người mê văn hóa Tây Tạng, Trung Quốc. Trong ký ức rong ruổi suốt hơn 30 năm nay, ông Sơn không thể quên những niềm vui đến vỡ òa hay ám ảnh tới chết.

Ông kể: “Tôi mê nhất là đi vùng Tây Tạng, Đông Bắc Trung Quốc... Đó là những vùng đất có thời tiết giá lạnh đến khắc nghiệt. Bạn chỉ cần sống được ở đó thôi là đủ để hiểu bản năng sinh tồn của mình. Đứng một mình nhìn những ngọn núi ở độ cao 4.000 - 5.000 m phủ ngập tuyết trắng, ngước mặt lên thấy một, hai cánh chim đại bàng chao liệng, tôi bị “đứng hình”, quên cả cơn đau đầu như búa bổ vì độ cao. Không gì tuyệt vời hơn khoảnh khắc ấy, tôi ước mình như cánh chim đại bàng được tự do, tự tại giữa thiên nhiên hùng vĩ”. Đó là động lực thôi thúc “gã trai” ấy rong ruổi suốt gần hết cuộc đời.

 

Biết sợ để chuẩn bị tốt hơn

Đi vậy không sợ nguy hiểm sao? “Sợ chứ. Đi đường xa phải biết sợ. Nhưng biết sợ để cẩn thận, để chuẩn bị sức khỏe, tinh thần, kiến thức cho tốt hơn chứ không phải sợ rồi... ở nhà. Tôi nghĩ, chết đâu cũng là chết. Khi chết, hồn tôi sẽ bay về nhà. Nghĩ như vậy nên khó khăn, nguy hiểm trên đường đi cũng trở nên nhẹ nhàng hơn”, ông Sơn bộc bạch.

Nhiều lần chinh phục những đỉnh núi cao hàng ngàn mét, nhưng lần nguy hiểm nhất lại ở đồng bằng, ngay ngoại ô Bắc Kinh, khi ấy ông Sơn ở độ tuổi 30 với ít kinh nghiệm du hành. Ông nhớ lại: “Lúc tôi đi dạo quanh phố mới 3 - 4 giờ chiều, nhiệt độ chỉ vừa xuống âm độ C nên tôi mặc đơn giản. Không ngờ tôi lạc đường, đến 8 - 9 giờ tối đường vắng tanh, tôi càng đi nhiệt độ càng xuống. Đến 12 giờ đêm thì nhiệt độ xuống khoảng âm 40 độ C, chân tôi gần như không còn cảm giác. Hai bên đường là hàng cây không bóng người, cơ thể tôi đòi ngủ, thần kinh như tê liệt. Tôi đấu tranh chỉ để không ngồi xuống ngủ, bởi hiểu rằng chỉ cần dựa vào chợp mắt chút thôi là không thể tỉnh dậy được. Tôi nghĩ ra cách tạm sống sót là vào nhà vệ sinh công cộng hai bên đường né gió, đứng vài phút lại đi ra. May là cuối cùng tôi cũng tìm được về đúng nhà trọ vào khoảng... 2 giờ sáng. Tôi hứng nước nóng, cởi giày nhúng chân, chỉ trong vòng vài phút chậu nước đỏ au. Có lẽ tôi mang giày quá tệ nên khi đi chân bị phồng chân lên, cái lạnh khiến tôi không còn cảm giác và vết rộp đông cứng nước thành đá rồi đâm vào chân mà không hay”.

Từng đồng hành với ông Sơn trong một tháng ở Trung Quốc vào năm 2000, võ sư Aikido Nguyễn Văn Châu cho biết: “Anh Sơn thích khám phá nên hay tìm những cung đường lạ, khó, ít khách du lịch. Điều này đòi hỏi anh phải có thần kinh vững, sức khỏe dẻo dai để có thể chống chọi với thời tiết, có kinh nghiệm du hành nhiều để ứng phó với những chuyện xảy ra, nhất là đến các nơi hẻo lánh, chưa phát triển du lịch”.

 

Ông Trần Kim Sơn (thứ hai từ phải sang) trong chuyến đi sa mạc Gobi tại Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: N.T
Ông Trần Kim Sơn (thứ hai từ phải sang) trong chuyến đi sa mạc Gobi tại Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: N.T


Đừng du hành vì ảo tưởng

Có biệt danh là Sơn Tây Tạng hoặc Sơn Trung Quốc vì ông Sơn gần như dành hết tuổi trẻ, hộ chiếu đã thay tới cuốn thứ 5, mà hầu hết đều chỉ để đi tìm hiểu về Trung Quốc và Tây Tạng. Ở TP.HCM, ông Sơn thường nhốt mình trên căn gác gỗ, đọc sách liên quan đến văn hóa Trung Quốc, Phật giáo Tây Tạng để chuẩn bị cho những chuyến đi xa.

Phần lớn những chuyến du hành ông Sơn đều đi một mình vì ít có người đủ đồng điệu lẫn độ “chịu chơi” để có thể cùng “đi giang hồ”. Cũng phải thôi, hầu hết cung đường và cách đi của ông không giống du lịch thông thường. Thành thạo tiếng Anh, Hoa, Tạng… nên ông “lăn” vào sống, kết bạn với người bản địa. Riêng tiếng Hoa ông có thể nói được như người bản xứ. Thậm chí nhiều lần ông phiên dịch cho chính những người Trung Quốc khác vùng.

 

Sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm du hành

Khoảng 5 năm trở lại đây, ông Sơn không về TP.HCM sống mà trọ ở ngoại ô Đà Lạt. Thỉnh thoảng, “gã trai” 62 tuổi lại vác ba lô lang thang vài tháng ở vùng miền núi phía Bắc. Dịch Covid-19 bùng phát, với ba lô, đôi giày cũ mèm, chiếc áo lạnh sờn bụi, ông Sơn quày quả leo lên núi Lang Biang cắm lều ở để đỡ nhớ những chuyến đi.

Thèm rừng, nhớ núi, ông liên tục lên Facebook chia sẻ lại những ngày tháng rong ruổi khắp vùng Tây Tạng, Đông Bắc Trung Quốc, nơi có những ngọn núi xa xôi giá lạnh với độ cao hàng nghìn mét. “Tôi sẵn sàng hướng dẫn bạn trẻ lẫn “bạn già” có đam mê đi theo con đường du hành chuyên nghiệp”, ông Sơn nói.

Trước năm 1975, ông Sơn từng là một hướng đạo sinh nên rất giỏi kỹ năng sinh tồn. Dù vậy, “Tôi vẫn tập luyện yoga mỗi ngày, đều đặn như robot. Bạn đừng du hành vì ảo tưởng”, ông Sơn chia sẻ.

Đáng sợ nhất với ông Sơn khi đi du hành là “hội chứng độ cao”. Ở độ cao 5.000 - 6.000 m, áp suất không khí giảm, khiến ông bị nhức đầu, thiếu ô xy… Có những lúc xe leo đèo liên tục lên 5.000 - 6.000 m, chất lỏng cơ thể bị đẩy ra, đầu nhức bưng bưng. Lúc ấy ông phải “thiền” và thở đều liên tục trên xe để giảm huyết áp.

Ông Sơn kể: “Có lần tôi phải cấp cứu một vận động viên điền kinh trong chuyến đưa anh đi Trung Quốc. Ở đó, tối đến xuống âm 40 độ C. Nửa đêm tỉnh dậy, đèn vẫn sáng, tôi thấy anh vận động viên nằm bất động với cái mền bị văng ra ngoài. Với kinh nghiệm, tôi biết ảnh bị nhiễm lạnh vì tôi từng trải qua tình huống này. Tôi lập tức cấp cứu anh bằng các thủ thuật yoga”.

Vận động viên đó nay là họa sĩ tranh cát nổi tiếng Đặng Trí Đức. Anh chia sẻ lại kỷ niệm: “Năm đó tôi 30 tuổi, tôi và anh Sơn có chuyến công tác tìm đầu sách mới cho một nhà xuất bản. Chúng tôi đi vào dịp Tết Nguyên đán, ban ngày vẫn lạnh âm độ, đang nói chuyện thấy máu môi bật ra là bình thường, có khi vuốt mặt là da mũi “đi” luôn… Đêm xuống nhiệt độ càng khắc nghiệt, tôi lại có tật ngủ hay bung chăn ra, nửa đêm, người gần như không cử động được. Anh Sơn nói tôi làm các động tác mà anh thường gọi đùa là “Cửu âm chân kinh”. Thực ra dân chơi thể thao có thể hiểu là vận động để cơ thể ấm lại. Tôi ngồi xếp bằng, thở 8 nhịp ra, 8 nhịp vô khoảng nửa tiếng thì người ấm lại. Đó cũng là điều đặc biệt ở anh Sơn. Khi đi du hành, anh luôn khiến chuyến đi có cảm giác vừa thực tế vừa huyễn hoặc bằng những câu chuyện huyền bí về văn hóa Trung Quốc”.

(còn tiếp)


 

Theo LÊ VÂN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.