Lãng du giữa cao nguyên đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên các miền đá heo hút, người Mông đã tạo ra những mảnh màu xanh ấn tượng. Đó là một nền nông nghiệp xanh và sạch.

Với tôi, dịp Xuân về không gì thú bằng những chuyến lãng du trên cung đường Hạnh Phúc xuyên qua 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đi trên cung đường này, tôi cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã của cao nguyên đá. Rồi thỉnh thoảng, bất chợt phía xa, giữa màu xám tối của tầng tầng núi đá là bóng những chiếc váy thổ cẩm, những tà áo nâu đen phấp phới.

Sinh bên đá, chết vùi trong đá

Đó là mấy chàng trai, cô gái người Mông đang tranh thủ tiết Xuân để vạc cỏ, vun trồng trên những ô đất nhỏ xíu giữa các khe đá để những luống cải mèo, gốc ngô, cây tam giác mạch… vươn lên xanh tốt.

 

 Một bản người Mông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Một bản người Mông ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang
Người Mông tận dụng từng vạt đất hiếm hoi giữa cao nguyên đá
Người Mông tận dụng từng vạt đất hiếm hoi giữa cao nguyên đá


Từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng - điểm vọng cảnh hùng vĩ nhất của cao nguyên đá, chúng tôi thường hạ dốc giữa hai bên đường là những rừng đá tai mèo tua tủa của các xã: Pả Vi, Giàng Chu Phìn, Cán Chu Phìn ở huyện Mèo Vạc. Rồi chúng tôi rẽ ngang vào những con đường uốn lượn dẫn tới các bản người Mông. Ở đấy, những nóc nhà cheo leo trên núi đá dần hiện rõ trong mù sương.

Những chuyến du Xuân của chúng tôi ở đây thường được anh Thào A Chứ, ngụ xã Cán Chu Phìn, tình nguyện dẫn đường kiêm phiên dịch. Anh Chứ công tác ở UBND xã nhiều năm nên dễ dàng giúp chúng tôi giao tiếp với dân bản.

Anh Chứ cho biết ở Cán Chu Phìn, người Mông định cư lâu đời theo từng tổ với vài ba chục nóc nhà trên các sườn núi. Một số hộ sống dưới thung lũng, gần nguồn nước sông Nho Quế. Họ sinh ra bên đá, chết vùi trong đá. Nơi đây không có thứ gì có sẵn bằng đá. Những hàng rào đá được xếp gọn ghẽ, không có xi măng để gắn kết nhưng vô cùng chắc chắn. Rào đá xếp quây quanh nhà để cản gió rét và ngăn thú vào phá hoại cây trồng. Nhiệt độ ở đây nhiều hôm xuống âm 5 độ C, sương muối, băng giá bao phủ nhưng kỳ diệu thay, bên lối vào từng nhà là những ô rau cải mèo xanh mơn mởn.

Ở Cán Chu Phìn, gần như nhà nào cũng trồng cải mèo. Cải mèo được trồng ở bất kỳ chỗ nào có đất, từ lòng thung lũng đến tận đỉnh núi. Không hề bón phân, không cần hóa chất nhưng cải mèo ở đây cứ mơn mởn, khi nấu ăn chẳng cần bột ngọt hay hạt nêm mà vẫn rất ngọt. Du khách lên đây kiểu gì cũng kiếm vài ôm cải mèo mang về xuôi ăn. Cứ như thổ nhưỡng, tinh chất của đá cùng đôi bàn tay người Mông sinh ra là để trồng cải mèo. Chúng tôi thường ngồi ngắm Xuân trong những căn nhà ghép ván gỗ, xì xụp ăn từng cọng cải mèo luộc chấm mắm ớt, với con gà nướng đúng nghĩa "tuyệt cú mèo".

Trên đường leo bộ lên từng xóm ở bản Cán Lủng, xã Cán Chu Phìn, từ những hốc đá lộ ra từng vạt cây ớt gió, xà lách, diếp cá. Vô vàn ô đất nhỏ xíu len lỏi giữa bãi đá, ở đó, những cây ngô vẫn xanh tốt, đơm hoa kết bắp. Hốc nào to được san, cuốc thành luống ngắn, hốc nhỏ có khi chỉ gieo được vài ba cây. Những bờ đá được sắp đặt khéo léo để hứng đất tràn xuống từ trên núi sau mưa. Hốc nào thiếu đất sẽ được người dân gùi từ nơi khác đem về bù vào.

Nếu đến các bản Mông ở Mèo Vạc vào mùa hè hay mùa thu, ta dễ bị mê hoặc bởi nghệ thuật trồng ngô, tam giác mạch giữa cao nguyên đá thì cuối đông, đầu Xuân sẽ là sắc màu quyến rũ, phong phú của những ruộng rau và cây gia vị. Hầu hết thôn bản không trồng được lúa nên ngô là nguồn cung cấp thực phẩm chính, sau đó là rau và các thứ cây gia vị. Người Mông ở đây cả đời có thể sống bằng việc ăn bánh bột ngô (mèn mén) và say rượu ngô men lá. Những bãi đất nhỏ khô cằn sát vách đá cũng được tận dụng để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Nhờ vậy mà một số hộ người Mông đã thoát được nghèo.

Bây giờ thì không chỉ canh tác được rau, cây lương thực, người Mông còn tích cực cải tạo đất để trồng cả cây ăn quả, cây xanh lấy bóng mát.

Quý trọng nguồn nước, nguồn đất, cây rừng

Nước là bài toán nan giải nhất ở vùng cao nguyên đá. Do phải nhờ vào tự nhiên nên người Mông có cách lấy và sử dụng nước rất thú vị. Các hộ ở gần sông, suối có nhiều cách để dẫn nước về nhà. Những hộ ở trên cao thì đào các bể chứa nước mưa rải rác khắp nơi. Thậm chí, hốc đá cũng được cải tạo, quây lại thành bể chứa nước mưa.

Anh Lầu Mí Sính - ngụ bản Đề Chia, xã Cán Chu Phìn - Tết năm ngoái khoe với chúng tôi gia đình anh có đến 3 bể chứa nước mưa trên núi. Nước từ đó được dẫn bằng ống về ruộng. Để bảo đảm công bằng, các bản đã tự lập đội bảo vệ để điều tiết những nguồn nước chung.

Đi giữa mùa Xuân, càng vào từng hộ dân, từng bản trên những miền đá heo hút, chúng tôi càng hiểu được thế nào là ý thức quý trọng nguồn nước, nguồn đất, cây rừng. Người Mông đã tạo ra những mảnh màu xanh ấn tượng. Đó là một nền nông nghiệp xanh, sạch, tự cung tự cấp cho hàng trăm ngàn con người nơi đây.

 


"Đi qua những bản người Mông, tôi ghi được vào ống kính máy ảnh nhiều loại cây ăn quả trồng xen kẽ từng hàng cây sa mộc xanh mát. Cây cối lên xanh vừa cung cấp sản vật sạch vừa tạo không khí trong lành, ngăn gió, chống xói mòn...

Bài và ảnh: Diệp Băng
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.