Lần đầu có ĐH Nhật Bản mở chi nhánh ở nước ngoài, địa điểm gần Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các chương trình ĐH của Nhật Bản sẽ lần đầu được giảng dạy ở nước ngoài bằng cách hợp tác với ĐH bản địa, là động thái mới nhất trong nỗ lực quốc tế hóa ngành giáo dục ĐH của xứ sở hoa anh đào.
Lễ khai giảng tại ĐH Tsukuba (Nhật Bản) hồi tháng 4. ẢNH: UNIVERSITY OF TSUKUBA
Lễ khai giảng tại ĐH Tsukuba (Nhật Bản) hồi tháng 4. ẢNH: UNIVERSITY OF TSUKUBA

Đạt kiểm định Nhật Bản

ĐH Tsukuba (Nhật Bản) đầu tháng 9 khai trương cơ sở đào tạo mới tại khuôn viên ĐH Malaya (UM) ở Kuala Lumpur (Malaysia), đặt tên là Trường Khoa học và thiết kế liên ngành thuộc ĐH Tsukuba Malaysia. Cơ sở này cung cấp các chương trình cử nhân 4 năm dạy bằng tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Malaysia và được Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản (MEXT) phê duyệt.

"Đây là trường ĐH đầu tiên cấp bằng của Nhật Bản ở nước ngoài và cũng là cột mốc đột phá trong lịch sử giáo dục ĐH ở Nhật Bản", bà Ikuya Sugisato, nhân viên phụ trách các vấn đề quốc tế tại MEXT, chia sẻ với chuyên trang The PIE News. "Chúng tôi tin rằng nỗ lực này sẽ đóng góp to lớn vào việc thu hút sinh viên, đồng thời tăng cường trao đổi giáo dục với chất lượng được đảm bảo giữa Nhật Bản và Malaysia".

Theo ông Zambry Abdul Kadir, Bộ trưởng Giáo dục ĐH Malaysia, có 13 sinh viên vừa nhập học tại chi nhánh mới của ĐH Tsukuba tại quốc gia này, trong đó có 7 sinh viên Malaysia và 6 sinh viên Nhật Bản. Tuy nhiên, dự kiến phần lớn sinh viên trong thời gian tới sẽ đến từ Malaysia và chỉ một số đến từ Nhật Bản cùng các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Hiện tại, cơ sở đào tạo có 14 giảng viên cơ hữu đến từ cả hai trường ĐH và khoảng 40 thầy cô nữa từ Nhật Bản sẽ đến chi nhánh này trong tương lai. Họ chuyên nghiên cứu các lĩnh vực môi trường, công nghệ thông tin, văn học so sánh, khoa học chính trị... và sẽ cùng UM phát triển các chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu, khoa học tự nhiên, nhân văn...

Ông Zambry Abdul Kadir cho biết thêm, chi phí vận hành của chi nhánh mới sẽ do ĐH Tsukuba chịu trách nhiệm, với sự ủng hộ từ ngân sách của chính phủ Nhật Bản. Cụ thể, MEXT hồi năm ngoái đã công bố dành 1,5 tỉ yen để hỗ trợ các trường ĐH Nhật Bản có kế hoạch mở cơ sở đào tạo ở nước ngoài, với mục tiêu phát triển lứa sinh viên có kỹ năng quốc tế với năng lực tiếng Nhật.

Nỗ lực bền bỉ sau 6 năm

Theo thông tin từ "tư lệnh" ngành giáo dục ĐH Malaysia, nước này mất 6 năm chuẩn bị mới trở thành nơi đặt chân đầu tiên của một ĐH Nhật Bản. Việc thành lập chi nhánh của ĐH Tsukuba tại Malaysia đã được cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đề xuất vào năm 2018 và là "minh chứng cho nỗ lực bền bỉ", ông Zambry Abdul Kadir chia sẻ.

Lễ ra mắt chi nhánh ĐH Tsukuba tại khuôn viên ĐH Malaya
Lễ ra mắt chi nhánh ĐH Tsukuba tại khuôn viên ĐH Malaya

Theo các chuyên gia giáo dục, việc trường ĐH Nhật Bản mở chi nhánh ở nước ngoài là "khoản đầu tư" để tăng cường quốc tế hóa ngành giáo dục ĐH Nhật Bản, đặc biệt tại khu vực châu Á. "Chi nhánh này về lâu dài sẽ nuôi dưỡng mối liên kết giữa Nhật Bản và Đông Nam Á", giáo sư Akiyoshi Yonezawa, Phó giám đốc văn phòng chiến lược quốc tế tại ĐH Tohoku (Nhật Bản), nhận định với chuyên trang University World News.

Còn giáo sư Shun Ishihara, chuyên gia về quản trị ĐH tại ĐH Meiji Gakuin (Nhật Bản), cho rằng việc mở chi nhánh mới tại nước ngoài sẽ giúp các ĐH Nhật Bản giải quyết "bài toán" tuyển sinh, trong bối cảnh người trẻ Nhật ngày càng không mặn mà với con đường ĐH và tỷ lệ sinh giảm dần. Hoạt động đào tạo này cũng giúp tạo ra lứa sinh viên có thể làm việc ở Nhật Bản, khi nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề.

Quốc gia du học với mô hình "trạm dừng chân"

Trao đổi với Thanh Niên hồi tháng 6, tiến sĩ Azriey Mazlan, Lãnh sự giáo dục, Tổng lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM, cho biết Malaysia với nhiều chi nhánh quốc tế của những trường ĐH nước ngoài có thể trở thành "trạm dừng chân" cho du học sinh Việt. Đó là vì hầu hết các chương trình đào tạo tại Malaysia, cả ở trường công lẫn trường tư, đều dạy bằng tiếng Anh, với người học đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo ông Azriey Mazlan.

"Điều này giúp bạn sớm trải nghiệm môi trường quốc tế chỉ cách Việt Nam 1-2 giờ bay, đồng thời trau dồi năng lực tiếng Anh. Ngoài ra, các trường ĐH Malaysia cũng có nhiều chương trình liên kết đào tạo ở những quốc gia du học đang 'siết' với chi phí phải chăng, như ĐH Nottingham (Anh), ĐH Monash (Úc), ĐH Hạ Môn (Trung Quốc)", ông Azriey cho hay.

Theo Ngọc Long (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.