Làm giàu bằng ý chí và nghị lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đặt chân đến mảnh đất Ia Vê (huyện Chư Prông) lập nghiệp với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 2 triệu đồng nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, gần 20 năm sau, gia đình ông Trần Văn Hào đã xây dựng được cơ ngơi đáng nể gồm 2,5 ha cà phê, 2,5 ha hồ tiêu, mỗi năm cho thu trên 1 tỷ đồng.

Không khó để chúng tôi tìm gặp ông Hào bởi gia đình ông vừa mới xây căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng. Bao quanh căn nhà khang trang ấy là những vườn hồ tiêu, cà phê xanh ngút ngàn. Dù vậy, dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây của gia đình, ông Hào vẫn khiêm tốn: “Ở vùng đất Ia Vê này, nếu nói làm kinh tế giỏi thì có đến hàng trăm hộ, trong đó có cả những hộ dân địa phương. So với họ, thu nhập của gia đình tôi chẳng thấm thía gì” …

 

Ông Hào (ở giữa) dẫn mọi người tham quan vườn hồ tiêu của gia đình.   Ảnh: H.T
Ông Hào (ở giữa) dẫn mọi người tham quan vườn hồ tiêu của gia đình. Ảnh: H.T

Ông Hào sinh năm 1965 trong một gia đình thuần nông ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 1990, ông lập gia đình và ra riêng với tài sản được bố mẹ cho là 2 sào đất ruộng. Ngày ngày, vợ chồng ông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cái đói, cái nghèo vẫn bủa vây. Năm 1998, trong một lần lên thăm bạn ở xã Ia Vê, nhận thấy đất đai ở đây màu mỡ, ông Hào về bàn với vợ xoay xở tiền bạc rồi khăn gói lên Ia Vê lập nghiệp.

Nhớ lại ngày đầu đặt chân đến đây, ông Hào không khỏi bùi ngùi: “Hồi đó, bán hết tài sản cũng chỉ được 2 triệu đồng nên bước đầu, gia đình phải mượn tạm căn nhà của bạn để ở. Sau đó, 2 vợ chồng vừa đi làm thuê vừa tranh thủ thời gian lên núi kiếm gỗ về dựng tạm căn nhà nên thu nhập không ổn định. Chi tiêu trong gia đình vì thế luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau…”.

Thế nhưng, với tinh thần chịu thương chịu khó, sau một thời gian làm thuê, cùng với số vốn vay mượn, năm 2000, vợ chồng ông mua được 1,3 ha đất và bắt tay vào trồng 1.000 cây cà phê và 300 trụ hồ tiêu. Ông tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cà phê và hồ tiêu từ những gia đình sản xuất kinh doanh giỏi; đồng thời, tiếp tục làm thuê để kiếm tiền đầu tư phân bón cho cây trồng. Nhờ đó, 3 năm sau, gia đình ông thu được 2 tấn cà phê nhân và 1 tấn tiêu. “Tuy nhiên, giá cà phê và hồ tiêu thời điểm đó rẻ quá nên gia đình chỉ bán được 38 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ trang trải tiền nợ mua cây giống, phân bón. Vì vậy, mọi chi phí tái đầu tư đều phải vay mượn”-ông Hào tâm sự.

Thiếu thốn và vất vả là vậy nhưng với sự kiên trì, chịu khó và sáng tạo trong lao động, vợ chồng ông bàn với nhau thuê đất trồng cây ngắn ngày để nhanh có thu nhập nhằm tiếp tục đầu tư cho cà phê và hồ tiêu. Và cứ sau mỗi vụ thu hoạch, vợ chồng ông lại mua thêm đất sản xuất. Đến năm 2010, gia đình ông đã có 5 ha hồ tiêu và cà phê. Có thời điểm, gia đình ông thu trên 2 tỷ đồng/năm. Năm 2016, do một số diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh, gia đình ông chuyển đổi sang trồng mới cà phê nên thu nhập giảm chỉ còn trên 1 tỷ đồng/năm.

Với nguồn thu này, gia đình ông không chỉ xây được nhà, sắm sửa được nhiều vật dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt mà còn nuôi được các con ăn học đại học. Nhiều năm liền, ông được tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ông Đinh Quang Tuyến-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Vê, nhận xét: “Ông Hào không chỉ là tấm gương vượt khó thoát nghèo và làm giàu mà còn luôn năng nổ tham gia các phong trào do Hội Nông dân phát động. Ông còn giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhiều hội viên, nông dân trong thôn về kinh nghiệm chăm sóc cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước vươn lên trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Do đó, ông được rất nhiều nông dân trong xã quý mến và tin tưởng”.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.