Lâm Đồng nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học (bài cuối)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Huy động nguồn lực, kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học; đảm bảo các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan tại địa phương đang được Lâm Đồng hướng đến.

Thông đỏ nam (Taxus wallichiana), loài cây quí hiếm, hiện Lâm Đồng chỉ còn khoảng 500 cây
Thông đỏ nam (Taxus wallichiana), loài cây quí hiếm, hiện Lâm Đồng chỉ còn khoảng 500 cây


Những kết quả tích cực
 

Như Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng đánh giá, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được các cấp chính quyền quan tâm. Nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo và hướng dẫn triển khai Luật ĐDSH được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý và bảo tồn ĐDSH; nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động bảo tồn từng bước được chú trọng; nhận thức của cộng đồng về bảo tồn ĐDSH được nâng cao.
 
Lâm Đồng lâu nay đã làm tốt việc sử dụng bền vững, thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH trên địa bàn tỉnh thông qua các giải pháp như phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn ĐDSH; giữ gìn tài nguyên thiên nhiên gắn với quyền lợi kinh tế của người dân bản địa, người dân trong vùng đệm.
 
Tỉnh cũng đã tăng cường bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, sử dụng hiệu quả rừng phòng hộ; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng, phục hồi rừng bằng biện pháp xúc tiến tái sinh tự nhiên và trồng rừng, hạn chế đến mức thấp nhất việc chặt phá rừng lấy củi, làm nương rẫy; đồng thời, tăng cường các biện pháp cơ học và sinh học chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại.
 
Một điểm sáng trong giữ rừng lâu nay tại Lâm Đồng chính là việc thực hiện hiệu quả chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Lâm Đồng cũng từng là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trong nước triển khai thành công chương trình này trong giai đoạn thí điểm và sau đó mới được triển khai rộng trong nước. Cho đến nay, việc khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, nhất là cho các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên đã đóng góp đáng kể vào giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
 
Cùng với bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, diện tích rừng trồng trong thời gian qua của Lâm Đồng cũng tăng nhanh với trên 61.862 ha, góp phần tăng độ che phủ rừng trên địa bàn thêm khoảng 6,3%, đây là một thành tựu lớn của ngành lâm nghiệp Lâm Ðồng.
 
Tỉnh lâu nay cũng chú trọng áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quản lý ĐDSH; kiểm soát, ngăn chặn các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa khác đối với ĐDSH.
 
Bên cạnh các nguồn lực trong nước, Lâm Đồng nhiều năm nay đã có các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế thông qua hỗ trợ kinh phí, gửi chuyên gia đến tỉnh phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng hành lang ĐDSH; xây dựng vành đai an toàn cho các hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ đặc biệt; phổ biến công cụ quy hoạch vùng cảnh quan; lượng hóa giá trị sinh thái và điều tra cơ bản về ĐDSH tại các khu vực vùng lõi, vùng đệm của VQG Cát Tiên, VQG Bidoup - Núi Bà và tại một số Ban quản lý rừng trong tỉnh.

 

Thu thập mẫu vật
Thu thập mẫu vật


 Cần thêm nguồn lực
 
Vẫn còn không ít những khó khăn, bất cập hiện nay trong công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh. Đặc biệt, phải cần bổ sung thêm rất nhiều điều vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hiện nay để công tác quản lý phát huy được hiệu quả.
 
Chẳng hạn, theo ngành chức năng tỉnh, một số quy định về trách nhiệm hành chính liên quan đến quy hoạch bảo tồn ĐDSH, bảo tồn loài, bảo tồn tài nguyên di truyền, về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích... vẫn còn chưa được cụ thể trong các văn bản hiện hành; còn thiếu các văn bản quy định công tác kiểm soát và phát tán sinh vật ngoại lai ảnh hưởng đến tài nguyên ĐDSH trong nước; chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn liên quan đến hoạt động nuôi, sinh sản, trồng, cấy nhân tạo, trao đổi các loài động vật, thực vật loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của các loài này phục vụ mục đích thương mại.
 
Về phía tỉnh, việc cấp ngân sách phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH hằng năm vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng với nhiệm vụ, đặc biệt là cho công tác điều tra, thống kê cơ sở dữ liệu. Cùng đó, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn ĐDSH của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn còn thiếu; thiếu cả các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác điều tra, đánh giá tài nguyên dẫn đến việc theo dõi, đánh giá thống kê diễn biến tài nguyên ĐDSH còn rất hạn chế.
 
Theo ông Lê Văn Hương, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà, thách thức lớn nhất của công tác bảo tồn ĐDSH hiện nay ở Việt Nam trong đó có Lâm Đồng là mất mát sinh cảnh do tình trạng mở rộng đất nông nghiệp vào đất được quy hoạch cho lâm nghiệp. Cùng đó, là vấn nạn săn bắn trái phép cũng như việc sử dụng quá mức các loài lâm sản ngoài gỗ có giá trị và nạn cháy rừng.

 

Nhím bạch tạng được ghi nhận tại VQG Bidoup - Núi Bà do chụp bẫy ảnh ban đêm. (Ảnh: VQG Bidoup - Núi Bà cung cấp)
Nhím bạch tạng được ghi nhận tại VQG Bidoup - Núi Bà do chụp bẫy ảnh ban đêm. (Ảnh: VQG Bidoup - Núi Bà cung cấp)


Để thực hiện chiến lược quốc gia về ĐDSH tại Lâm Đồng, theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Lâm Đồng, tỉnh trong thời gian đến sẽ cụ thể hóa các nhiệm vụ, xác định nội dung các hoạt động và lộ trình thực hiện nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH trên địa bàn; huy động các nguồn lực tại địa phương để thực hiện các nội dung và giải pháp của chiến lược quốc gia về ĐDSH; trong đó, có việc vận động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư cùng tham gia quản lý và bảo tồn ĐDSH; bảo đảm các nguyên tắc về chia sẻ công bằng, hài hòa lợi ích của các bên có liên quan tại địa phương.
 
Tỉnh trước mắt sẽ hoàn thiện hệ thống thông tin lưu trữ về ĐDSH toàn tỉnh, chọn các vùng ưu tiên, nhất là các khu rừng đặc dụng và phòng hộ; đẩy mạnh truyền thông và các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về ĐDSH; xây dựng chính sách hỗ trợ việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quản lý ĐDSH; kiểm soát, ngăn chặn các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường và các mối đe dọa khác đối với ĐDSH.
 
Lâm Đồng trong thời gian đến cũng sẽ tăng cường hợp tác với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để xây dựng các hành lang bảo tồn ĐDSH, đảm bảo sự thống nhất cùng nhau phát triển, đặc biệt trong triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp nhận hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật và tài chính, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ môi trường.
 
Cũng theo ông Hương, Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục cho cộng đồng các giá trị của ĐDSH, đồng thời bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên hiện còn và nên sớm hình thành các cơ sở bảo tồn ngoại vi.
 

http://baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202103/lam-dong-no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-bai-cuoi-3045917/

Theo VIẾT TRỌNG (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.