Lâm Đồng nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học (bài 2)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên chính là gìn giữ môi trường sống, đảm bảo các loài sinh vật có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Gấu chó được chụp bằng bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà. (Ảnh VQG Bidoup - Núi Bà cung cấp)
Gấu chó được chụp bằng bẫy ảnh tại VQG Bidoup - Núi Bà. (Ảnh VQG Bidoup - Núi Bà cung cấp)


Thiết lập các khu bảo tồn
 

Lâm Đồng hiện có 2 vườn quốc gia (VQG) nằm trên địa bàn, đó là VQG Bidoup - Núi Bà và VQG Cát Tiên.
 
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, lâu nay cả 2 VQG đều thực hiện tốt công tác bảo tồn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Không chỉ tăng cường quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), cả 2 Vườn cũng có những giải pháp cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư trong khu vực quản lý để tránh bớt sự tác động vào rừng.
 
Với Khu Dự trữ Sinh quyển trực thuộc tỉnh, hiện được VQG Bidoup - Núi Bà và các huyện quản lý; người dân sinh sống trong khu vực này được tham gia vào công tác bảo tồn thông qua chính sách giao khoán bảo vệ rừng, được trả công giao khoán, bảo vệ, được hỗ trợ đất, cây giống để trồng trong các chương trình khôi phục và bảo tồn rừng, đặc biệt là trồng rừng với các loài cây bản địa như thông 2 lá dẹt, thông 3 lá...

 

Các chuyên gia quốc tế đi khảo sát rừng
Các chuyên gia quốc tế đi khảo sát rừng

 
Lâm Đồng cũng đã đưa ra phương án xem xét thành lập 3 khu bảo tồn (KBT) loài và sinh cảnh cấp tỉnh do địa phương quản lý gồm KBT Núi Voi - Đà Lạt, KBT Phát Chi - Đà Lạt và KBT Madaguoil - Đạ Huoai. KBT Núi Voi được dành bảo tồn loài Thông đỏ, dự kiến được giao cho Ban Quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm quản lý; KBT Phát Chi được dành bảo tồn loài Trà mi Đà Lạt và Đảng sâm, dự kiến được giao cho Ban Quản lý Rừng Lâm Viên quản lý. Còn KBT Madaguoil dành để bảo tồn các loài Trà mi bạc, Hoàng đằng, Quế rừng... dự kiến giao cho Ban Quản lý Khu Du lịch Madaguoil quản lý.
 
Hiện tỉnh đã dành 2 khu rừng cho nghiên cứu khoa học nằm tại Đà Lạt và Đức Trọng. Cả 2 đều do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý với tổng diện tích đến 454 ha, trong đó khu rừng tại Đà Lạt rộng 348 ha, còn Đức Trọng 106 ha. Tại 2 khu rừng này đã có bộ phận quản lý gồm Trạm trưởng, Phân trạm trưởng cùng các nghiên cứu viên, bước đầu đã triển khai các nhiệm vụ về nghiên cứu khoa học, quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH theo chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện các quy định về quản lý rừng đặc dụng.
 
Riêng với diện tích 22.320 ha rừng phòng hộ môi trường cảnh quan tại Đà Lạt và một phần diện tích Đơn Dương, lâu nay đã được Lâm Đồng thiết lập việc xác định ranh giới rõ ràng trên bản đồ và cắm mốc trên thực địa, định kỳ hằng năm ngành chức năng tỉnh có kiểm tra, đánh giá theo quy định. Đến nay toàn bộ diện tích rừng này hầu như đã được giao, cho thuê cho các chủ rừng để quản lý, trồng rừng, bảo vệ động vật và thực vật rừng, kết hợp với kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái dưới tán rừng. Tất cả các chủ rừng liên quan đều nằm dưới sự kiểm tra, giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Chi cục Kiểm lâm trong thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

 

Thông 2 lá dẹt (Pinus Krempfii Lecomte)
Thông 2 lá dẹt (Pinus Krempfii Lecomte)


Bảo tồn các loài thực vật và động vật hoang dã
 
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, công tác bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật lâu nay đã được tỉnh thực hiện lồng ghép với bảo tồn và phát triển bền vững các HST tự nhiên. Việc bảo tồn và phát triển bền vững các HST tự nhiên chính là gìn giữ môi trường sống, đảm bảo các loài sinh vật có thể sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Lâm Đồng đến nay đã có hệ thống vườn thực vật hoạt động trong tỉnh. Tại VQG Bidoup - Núi Bà hiện có một vườn thực vật rộng 4 ha và sẽ mở rộng đến 20 ha theo kế hoạch với tổng kinh phí xây dựng khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Khu vườn này khi hoàn tất sẽ có 5 khu riêng biệt gồm khu vực trồng các loại cây có giá trị kinh tế như hoa, cây công nghiệp, cây thuốc của Lâm Đồng; khu vực trồng và sưu tập các loài cây thuộc các họ thực vật điển hình trong vùng; khu vực di thực các loài cây cảnh, cây đường phố, công viên đặc trưng trên thế giới; khu vực giới thiệu về sự tiến hóa của thực vật và cuối cùng là khu vực tập hợp các loại thực vật rừng đặc trưng của VQG Bidoup - Núi Bà.
 
Tại Bảo Lộc hiện nay cũng có một vườn thực vật với tên Interexrega do tư nhân xây dựng với tổng diện tích khoảng 10 ha. Tại đây, chủ nhân khu vườn đã sưu tầm rất nhiều loài thực vật quý hiếm trong nước và khắp nơi trên thế giới về nuôi trồng. Hiện khu vườn này có trên 100 loài thực vật quý hiếm bản địa và nhập nội với nhiều giống cây trồng có giá trị về sản xuất và nghiên cứu khoa học. Vườn này đã được nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam.
 
VQG Bidoup - Núi Bà hiện cũng đang lên kế hoạch xây dựng vườn động vật với tên gọi “Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên” tại Tiểu khu 75B và 102A thuộc địa bàn xã Lát, Lạc Dương. Đây là một dự án lớn, kéo dài trong nhiều năm đến với tổng diện tích lên đến 490 ha, vốn đầu tư trên 1.030 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trên 349 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, cho đến nay, theo ông Lê Văn Hương, Giám đốc VQG Bidoup - Núi Bà, kế hoạch này vẫn nằm trên giấy vì chưa có nguồn kinh phí.
 

 

Một câu Pơ mu trong VQG Bidoup - Núi Bà
Một cây Pơ mu trong VQG Bidoup - Núi Bà


Lâm Đồng lâu nay cũng đã hình thành 2 trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp trên địa bàn, 1 tại VQG Cát Tiên, 1 tại VQG Bidoup - Núi Bà. Trung tâm cứu hộ VQG Cát Tiên đã được xây dựng từ năm 2011, mở rộng năm 2015 với tổng diện tích 66 ha, gồm khu cứu hộ gấu và khu cứu hộ động vật linh trưởng với các phân khu chức năng như khu nuôi nhốt, khu thăm khám chữa bệnh, khu cách ly, khu bán hoang dã tập thích nghi. Trong nhiều năm nay, Trung tâm này đã chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi bản năng hoang dã để thả về rừng nhiều loài linh trưởng, gấu, báo hoa mai.
 
Còn Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã VQG Bidoup - Núi Bà có diện tích 30 ha được đặt tại khu vực Công viên bảo tồn động vật hoang dã Tây Nguyên. Tại đây, khi được hình thành, bên cạnh các khu nuôi nhốt, khu bán hoang dã, sẽ có bệnh viện thú y để chăm sóc, cứu hộ và nghiên cứu về thú. Nhiệm vụ chung của Trung tâm này là chữa trị, nuôi dưỡng, phục hồi khả năng sinh sống của các loài động vật hoang dã trước khi thả về môi trường tự nhiên; tiếp nhận động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chăn nuôi không đủ điều kiện và từ các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thu giữ từ các vụ buôn bán động vật hoang dã trái phép để chăm sóc, cứu hộ, nuôi thả bán hoang dã tại công viên.
 
Lâm Đồng lâu nay cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước liên quan đến động vật, thực vật hoang dã; cấp mã số cho các cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; quản lý việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng, cấy nhân tạo; quản lý việc trao đổi, xuất nhập khẩu, mua, bán, tặng, vận chuyển các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh hằng năm thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức và các quy định về động vật hoang dã cho các đối tượng liên quan trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Hiện trên địa bàn Lâm Đồng, theo ngành chức năng có 33 loài động vật rừng đang gây nuôi, với khoảng 6.800 cá thể tại 194 cơ sở nuôi; trong đó loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm có 20 loài, 1.744 cá thể tại 46 cơ sở; loài động vật rừng thông thường là 13 loài với 5.054 cá thể tại 148 cơ sở. Tất cả các cơ sở này đều được đặt dưới sự kiểm tra thường xuyên của ngành chức năng.


 
http://www.baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202103/lam-dong-no-luc-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-bai-2-3045710/

Theo VIẾT TRỌNG (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.