Lạc vào 'dòng kênh ẩm thực dài nhất thế giới'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày mùa thu, du khách và người dân TPHCM thường ghé chơi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè như một điểm “check in” độc đáo. Một nữ du khách Ý nói: “Tôi đi khắp thế giới mà chẳng có nơi nào lại thấy bên dòng kênh dài 9km chuyên ẩm thực và cà phê như Nhiêu Lộc – Thị Nghè”.
Một nữ chủ nhân của hãng du lịch du thuyền nổi tiếng của Ý đã đưa tàu cập bến TPHCM, với những du khách chi phí 1.600 USD/đêm. Cô đưa các vị khách của mình đi tham quan kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè với sự ngạc nhiên, thú vị. Các vị khách đều bất ngờ và háo hức khi khám phá một dòng kênh ẩm thực mà họ xem là “kênh ẩm thực dài nhất thế giới” với khoảng 9km, hai bên lung linh quán cà phê âm nhạc và những quán ăn dân dã, mộc mạc kéo dài như vô tận trong đêm.

Chụp ảnh thu vàng bên dòng kênh
Chụp ảnh thu vàng bên dòng kênh
Nữ chủ nhân của hãng du lịch du thuyền của Ý nói rằng: “Việc biến con kênh ô nhiễm nhất thành điểm du lịch check in nổi tiếng là điều thật tuyệt vời và chỉ thấy ở Việt Nam!”.
Sắc thu phương nam
Từ sáng sớm đến tối mịt, xung quanh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tấp nập các bạn trẻ tới chụp ảnh cho nhau. Cả hai bên dòng kênh trở thành điểm chụp ảnh dã ngoại khổng lồ. Có những chỗ dăm tay máy, có nơi vài chục “phó nháy”- đều là dân yêu nhiếp ảnh say sưa chụp các thiếu nữ, chụp hoa, chim, thuyền bè… Chụm năm, chụm bảy các bạn sinh viên tự chụp cho nhau. Có góc con chụp cho mẹ rồi mẹ làm người mẫu cho con. Chụp ảnh mệt nhoài, du khách đã có sẵn những quán cà phê xinh xắn bên đường để ghé vào nghỉ ngơi.
Anh Luật, một nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư đem theo cái ba lô với nhiều máy ảnh đủ ống kính ngắn dài. Người mẫu của anh bên kênh chính là chị vợ xúng xính trong những chiếc váy đủ màu. Anh Luật nói: “Người miền Nam chúng tôi hầu như chỉ biết hai mùa nắng mưa, chỉ nghe nói mùa thu qua sách vở thôi. Bây giờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sạch đẹp, hai bên trồng nhiều cây, cứ mùa thu như thế này là các hàng cây bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đổ lá vàng, cảnh đẹp như mùa thu vàng ở Hà Nội, ở châu Âu vậy. Tôi tranh thủ đưa vợ ra chụp ảnh và sáng tác. Bạn bè tôi cũng đang chụp các cô mẫu quanh đây rất nhiều”.
Vợ anh Luật nói: “Kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè này trước là nơi hôi thối nhất thành phố vì ô nhiễm, nhưng sau hàng chục năm làm sạch, nay kênh này là một trong những nơi thơm tho nhất thành phố. Chỗ nào cũng thấy cây, hoa, đủ màu đủ mùi hương. Cái chỗ này, trước nhà bán không ai mua, giờ mua không ai bán. Người thành phố chúng tôi lần đầu tiên cảm thấy giá trị của thiên nhiên, của cuộc sống sạch”. Chị cũng bùi ngùi: “Để làm sạch Nhiêu Lộc – Thị Nghè, biết bao gia đình nghèo đã được giải tỏa chuyển đi nơi khác, không còn gặp lại nữa!”.
Những hàng cây đổ lá vàng rực. Các nhiếp ảnh gia chụm lá lại thành đống rồi tung lên trong gió để chụp ảnh. Tiếng cười nói, ca hát vang cả con kênh. Mấy bạn trẻ còn đem cả loa nhạc ra mở, vừa trang điểm cho nhau, vừa xem lại các bức ảnh đã chụp. Mấy bác đi câu cá giải trí than phiền: “Kênh đông người thế này, trách gì cá mãi chẳng chịu cắn câu”.
Tôi gặp bên dòng kênh khá nhiều nghệ sĩ, các phóng viên ảnh, trong đó có phóng viên của báo Tiền Phong... họ chạy theo sắc vàng rộm cuốn hút của “mùa thu Nhiêu Lộc – Thị Nghè” mải mê tạo dáng, chụp ảnh quên hết thời gian.
“Hậu COVID-19”, ngành du lịch mở cửa, rất nhiều du khách nước ngoài tìm tới dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Họ cũng hòa mình vào dòng người check in mùa thu và chụp ảnh, trò chuyện. Những chiếc thuyền chở khách nước ngoài du lịch xuôi ngược trên kênh suốt cả ngày.
Kênh cà phê
Chị Hạnh, một người dân gốc sống bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè kể: “Xưa vùng này hoang sơ, dân cư thưa thớt lắm. Rồi thời chiến tranh, người nghèo tứ xứ về ở rất đông, xây dựng vô số nhà sàn trên kênh nên ô nhiễm nặng. Nhờ thành phố làm dự án, giờ hai bên kênh làm hai con đường Hoàng Sa - Trường Sa thông thoáng, kênh không còn ô nhiễm. Đường Hoàng Sa hình thành nên phố cà phê, còn đường Trường Sa đối diện thành phố ẩm thực. Chiều dài 9km, chỗ nào cũng là quán xá đẹp, lịch sự”. Chị Hạnh nói thêm: “Nhiêu Lộc – Thị Nghè bây giờ bình quân 100m thì có 10 quán cà phê”.
Nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức, một người con gốc Hà Nội vào Nam lập nghiệp hơn chục năm, thường ngồi cà phê buổi sáng bên dòng kênh Nhiêu Lộc. Anh nói: “Cảm giác cà phê kênh Nhiêu Lộc thú vị chẳng kém cà phê phố cổ”. Cuộc sống bên dòng kênh sáng sớm, hơi sương tỏa lên từ dòng kênh, lan tỏa lên các hàng cây và bóng người đi làm, chạy thể dục nhòa trong sương mù.
Rất nhiều chủ quán cà phê dọc kênh là người gốc Hà Nội, do vậy ta có thể gặp ở đây những quán cà phê trứng, quán cà phê có tên là “Cà phê lão Hạc”, “Cà phê cậu Vàng”... Rồi những quán phở, quán bún thang, bún dọc mùng, bún chả chính hiệu trên tường vẽ cảnh cầu Long Biên, cầu Thê Húc. Chị Vân, một người Hà Nội gốc bảo: “Tôi đem hai đứa con vào đây đã gần một năm, xin cho con đi học, mẹ ở nhà bán bánh cuốn Thanh Trì. Khách đông lắm, người ta rất thích ăn món ngon Hà Nội”.
Quanh kênh cũng có nhiều người đến từ đồng bằng sông Cửu Long, mở ra các quán hủ tiếu Tiền Giang, quán bún cá Nha Trang, quán bánh Khọt Vũng Tàu, quán chè Huế...
Chị Lan, chủ quán chả cá Phan Thiết nói: “Từ khi thành phố làm “thơm hóa” dòng kênh được mệnh danh là “thối nhất trần gian” thì Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã thành điểm hội tụ văn hóa ẩm thực của mọi miền đất nước”. Thậm chí quận Phú Nhuận đã đệ trình dự án xây dựng một đoạn đường Trường Sa thành phố ẩm thực ban đêm, song dự án gặp khó vì quá đông người tới đây sẽ dẫn tới cảnh ùn ứ, kẹt xe.
Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng dần thành một “điểm hẹn tri thức”. Một người bạn văn của chúng tôi mở cà phê sách dưới chân cầu Kiệu, khách khá đông. Xa chút nữa là quán cà phê chuyên về sưu tầm băng đĩa nhạc, quán cà phê ảnh, nơi du khách có thể chụp ảnh như nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Nhiều quán cà phê âm nhạc chơi nhạc sống kể cả ban ngày. Trong quán cà phê của một nghệ sĩ điêu khắc, tôi gặp nhiều du khách người Anh, Philippines... ghé chơi, đôi khi họ còn đàn hát với nhau cả buổi chiều.
Dòng kênh âm nhạc
Ông Xuân Anh, một người làm du lịch sông nước lâu năm kể chuyện: “Tôi có ý tưởng làm du lịch trên bến dưới thuyền tại Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ lâu, nhưng vì trước đây kênh hôi thối, ô nhiễm quá, nên chẳng làm được gì. Khi nhà nước và thành phố làm sạch dòng kênh, Nhiêu Lộc – Thị Nghè chỉ còn đón nguồn nước duy nhất chảy vào là nước mưa thì mùi hôi cố hữu biến mất. Kể từ đó, dự án du lịch trên dòng kênh thành hiện thực”.

Du khách nước ngoài khám phá Nhiêu Lộc- Thị Nghè về đêm
Du khách nước ngoài khám phá Nhiêu Lộc- Thị Nghè về đêm.
Hàng ngày, bến thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đón hàng trăm, có ngày lên tới hàng ngàn khách nước ngoài. Một du khách được hỏi cho biết: “Thường du lịch trên các con kênh trong nội thành sẽ chỉ thấy những cao ốc, văn phòng nhưng ở Việt Nam, chúng tôi thấy rất nhiều các quán cà phê, quán ăn, những ngôi nhà dễ thương và con người thân thiện”.
Buổi tối, du khách khám phá Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên những con thuyền du lịch còn được thưởng thức âm nhạc và ảo thuật, hai thế mạnh nghệ thuật của đất phương Nam. Những con thuyền đi giữa dòng kênh, với chiều dài lên tới gần chục cây số mà hai bờ lấp lánh ánh đèn, hương cà phê, hương trà ngào ngạt.
Trên thuyền du dương tiếng âm nhạc, người ta lại nghe hướng dẫn viên kể về một quá khứ mới chỉ cách đây chưa tới chục năm thôi, quá khứ về một “dòng kênh chết” vì ô nhiễm, từ một nơi “không ai muốn tới, đã đến một lần không bao giờ muốn trở lại”, nay Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hóa thân thành một “kinh đô” của cà phê và ẩm thực.
Hiếu, hướng dẫn viên trẻ trên thuyền du lịch thận trọng nói với tôi: “Dòng sông nay đã sạch và đầy sức sống, nhưng vẫn còn đó nguy cơ ô nhiễm. Em vẫn thấy nhiều người đi đánh cá tận diệt bằng điện. Họ chỉ bắt cá lớn thôi, còn cá nhỏ bị điện giật chết nổi trên kênh rất nhiều”.

Nghệ sĩ biểu diễn trên thuyền du lịch trên kênh. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Nghệ sĩ biểu diễn trên thuyền du lịch trên kênh. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Vào những ngày lễ, hàng trăm thậm chí hàng ngàn đèn hoa đăng được thả trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ 7 ngôi chùa ven dòng kênh và từ nhiều hộ gia đình. “Rất nhiều đèn hoa đăng làm bằng nhựa nên nguy cơ ô nhiễm ngày càng nhiều” – chị Hạnh, người dân địa phương nói.
Xuôi ngược trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bằng thuyền, tôi gặp nhiều bạn trẻ du lịch Mỹ. Họ thích thú khi ngồi trên con thuyền nhỏ rồi vào lạc vào thế giới ẩm thực quanh co, ẩn hiện với những ngôi chùa, những nhà thờ thấp thoáng chân cầu.
Theo Trần Nguyên Anh ​(TPO)

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.