Lá trầu xanh thời quá vãng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
18 thôn vườn trầu đi qua mưa bom bão đạn, trở thành những căn cứ địa cách mạng vững chắc trong thời kháng chiến. Những câu chuyện hào hùng đó vẫn còn nguyên trong sử sách. Nhưng những vườn trầu xanh mướt, những hàng cau thẳng tắp hôm nay đã không còn trước cơn lốc của đô thị hóa. Câu chuyện trầu cau chỉ còn là một tiếng thở dài đầy tiếc nuối.
 
Những vườn trầu xanh giờ chẳng còn nhiều ở đất Bà Điểm. Ảnh: MINH AN
Danh tiếng lá trầu Bà Điểm
18 thôn vườn trầu, gọi theo tiếng Hán Việt là “Thập bát phù lưu viên”, 18 thôn có nghĩa là 18 xã (bao gồm huyện Hóc Môn, một phần quận 12 và huyện Củ Chi ngày nay), nhưng nổi tiếng nhất là trầu Bà Điểm, lá mỏng, vàng óng màu mỡ gà. Trầu Bà Điểm ăn cùng cau Bà Điểm cho vị cay, thơm nồng rất riêng.
Không chỉ thổ nhưỡng, khí hậu tốt cho ra giống trầu ngon mà còn nhờ những bàn tay vun trồng khéo léo, chăm chút từng nọc trầu một. Vì dây trầu vốn “đỏng đảnh” với thời tiết, người trồng phải chăm từ lúc mới bỏ nọc trầu, canh mưa canh nắng, nương theo thời tiết mà diêm phân, tưới nước cho thích hợp. Rồi phải thường xuyên bồi đắp lớp đất mới cho tơi xốp, vun luống, lập giàn để trầu leo… 
Hái lá trầu cũng phải canh đúng giờ, đúng giấc, khi nắng sớm vừa lên, mặt trời còn le lói sau những rặng tre, sương đêm vẫn còn đọng trên lá, nhà vườn bắt đầu hái trầu để kịp ra chợ sớm giao cho mối lái. Theo kinh nghiệm những nhà vườn trồng trầu lâu năm, kỵ hái lá trầu vào ban đêm, vì đó là thời gian để cây sinh trưởng. Khi mặt trời lên cao, nắng nhiều thì lá trầu mỏng, không còn tươi bằng lúc sớm mai. Hái vào buổi sáng sớm, lá trầu đẹp, tươi nhất và cũng kịp buổi chợ.
Vào thời điểm vàng son của nghề trồng trầu cau ở Bà Điểm, nhà này nối nhà kia bằng những vườn trầu xanh mướt, nhà nào đất rộng trồng đến hai, ba vườn là chuyện thường. Mỗi sáng sớm, nhà vườn lại hẹn nhau gánh trầu ra chợ, những mối lái lớn đặt mua với số lượng nhiều, phải dùng xe thổ mộ (xe ngựa) để chở cho kịp chuyến. Trầu Bà Điểm xưa nổi tiếng khắp vùng Sài Gòn - Gia Định, vang danh cả Nam kỳ lục tỉnh. 
Theo lời bà Nguyễn Anh Sang (54 tuổi, ngụ ấp Tây Bắc Lân, xã Bà Điểm) kể lại, ngày xưa ở Bà Điểm, nhà nào cũng có trồng trầu cau, ngoài vườn chia ra làm 3 vườn nhỏ, một vườn tấn, một vườn liền và một vườn nuôi, để luôn có trầu hái lá cân cho thương lái, mỗi lần cân là 20kg. Liễn trầu đi Sóc Trăng thì kết 16 lá, đi Campuchia thì 10 lá bình dây kết lạc nối 2 đuôi lại, liễn đi Chợ Lớn thì 10 lá trầu liền. Trầu liền là trầu sắp tàn, lá nhỏ và mỏng hơn, ngon nhất là trầu tấn hay gọi là trầu tơ lá rất đẹp.
Thương lái tìm mua trầu Bà Điểm cũng vì hương vị đặc trưng mà lá trầu trồng nhiều nơi khác không sánh bằng. “Mua trầu ở đây là bán cho khách ăn, vì trầu cay, thơm hơn, trầu chỗ khác không bằng. Còn trầu để cưới hỏi, đám tiệc thì chỉ cần tươi và xanh lá là được. Sau này, hiếm còn ai ăn trầu, trầu cau chủ yếu phục vụ đám tiệc, nhưng nhiều chỗ vẫn ưa trầu Bà Điểm vì lá tuy nhỏ nhưng màu vàng, bóng, lên hình rất đẹp”, chị Minh Phụng (45 tuổi, kinh doanh dịch vụ cưới hỏi trên đường Hồ Văn Huê) cho hay.
Chỉ còn những ký ức đẹp
Cơn lốc của đô thị hóa đi qua, những vườn trầu xanh mướt, những hàng cau thẳng tắp nối dài, từng là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân đất Sài Gòn - Gia Định xưa, chỉ còn là những ký ức mờ nhạt bên những công trình, nhà cửa đang xây. Tiếng xe thổ mộ lộc cộc khuya sớm chở trầu ra chợ cũng chìm sâu bên tiếng khoan cắt của những công trường nặng nề búa tạ.
Ghé lại địa danh 18 vườn trầu những ngày tháng Giêng, con đường thẳng tắp xe chạy bon bon, những ngôi nhà cấp 4 khang trang bên cạnh những công trình xây dựng đang dần hoàn thiện. Cái nắng trên đầu dường như cũng chói chang hơn khi những vườn trầu, hàng cau xanh mướt đã vắng đi nhiều, co cụm lại. Nếu trước đây, trầu được trồng khắp 18 thôn thì bây giờ chỉ còn lác đác một vài vườn lưa thưa ở xã Bà Điểm. 
Nhắc lại địa danh một thời “Thập bát phù lưu viên” khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Bác Mai Công Tài (72 tuổi, ngụ ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm) chia sẻ: “Ở khu di tích Ngã Ba Giồng, người ta có trồng để phục dựng lại hình ảnh 18 thôn trầu ngày xưa, nhưng cũng chỉ mang tính tượng trưng, phục vụ khách tham quan thôi, chứ 18 thôn trầu ngày xưa nhiều lắm”. Địa danh 18 vườn trầu danh tiếng năm nào nhưng chỉ còn những ngôi nhà tường, ngói đỏ, vườn trầu cau gần như vắng bóng. Nhiều xóm, ấp, chuyện trầu cau chỉ còn là câu chuyện để kể lại cho con cháu nghe thôi, không còn nhà nào trồng trầu nữa. 
Chỉ tay về phía chỗ gạch, đá đang ngổn ngang, bác Nguyễn Văn Bảy (72 tuổi, ngụ ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm) ngậm ngùi: “Mới hai tháng trước chứ đâu xa, chỗ đó còn đám trầu nhỏ, nay cũng dẹp luôn để vợ chồng con cái tụi nhỏ cất nhà ra riêng. Để đất cho con cất nhà chứ trồng trầu thì không ai chăm mà cũng còn mua bán gì được nữa đâu”.
Đầu ra của lá trầu không ổn định, thị trường ngày càng thu hẹp, không đủ năng lực để cạnh tranh nên nhiều nhà vườn chuyển sang trồng những loại cây khác như hoa lan, rau răm… Và trước cơn lốc đô thị hóa, nhiều nhà bắt đầu phân lô bán đất, hoặc xây nhà trọ để cho thuê nhanh hơn là ngồi đó chăm chút từng lá trầu mà không biết có bán được hay không. 
“Trầu bây giờ có ai ăn nữa đâu, đám tiệc thì người ta mua chút ít cho có lệ nên trồng nhiều thì cũng đâu có bán chác, huê lợi được gì. Nhà nào vườn rộng thì còn để một, hai nọc trầu giữ cái truyền thống ông bà thôi, chứ bây giờ đâu còn 18 thôn vườn trầu như hồi xưa nữa. Không bán đất, cất nhà thì người ta cũng trồng cây khác hết rồi”, bác Nguyễn Văn Cẩn (67 tuổi, ngụ ấp Đông Lân, xã Bà Điểm) chia sẻ.
Còn giữ được một vườn trầu với khoảng 1.000 gốc, bà Nguyễn Thị Cẩm (80 tuổi, ngụ ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm) cũng thở dài, không biết rồi thế hệ của bà qua đi vườn trầu có còn được tiếp nối. “Hồi xưa trồng nhiều lắm, bây giờ chỉ còn nhiêu đây thôi. Cả xã giờ cũng còn đâu được mấy vườn, mà lưa thưa lắm. Mối lái thì họ cũng ghé mua cầm chừng, lai rai thôi nên cũng không trồng nhiều làm gì”, bà Cẩm cho hay.
Cái nghề trồng trầu có từ đời ông bà xưa để lại cho cha mẹ rồi bà tiếp tục đến bây giờ, nhưng thời vàng son của nghề trồng trầu cau đã lui vào quá vãng, lớp con cháu bây giờ cũng mần ăn, buôn bán cái khác hết rồi. Bà Cẩm cũng ngậm ngùi: “Già cả rồi trồng được nhiêu thì trồng, hết đời tui thì thôi chứ không chắc gì tụi nhỏ chịu nối nghiệp, thôi kệ còn trồng trầu được ngày nào thì hay ngày đó”.
Nhịp sống của đô thị dần thay đổi và xóa đi nhiều thứ, khiến người ta không khỏi chạnh lòng khi nhớ về những hình ảnh vàng son một thuở. Địa danh 18 vườn trầu lùi vào quá vãng, nhưng có lẽ lá trầu Bà Điểm, những câu chuyện năm cũ sẽ còn mãi với thời gian. Bởi dù ít hay nhiều, còn trầu xanh lá thì người ta vẫn còn nhớ về danh tiếng lá trầu Bà Điểm.
Kim Loan (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.