Ký ức những năm tháng phục vụ kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng những người từng tham gia vận chuyển hàng hóa thiết yếu, vận động quyên góp lương thực phục vụ cách mạng cũng đã đóng góp không nhỏ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

1. Tôi gặp ông Nguyễn Văn Hòa (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) trong một buổi chiều cuối tháng 8. Dù đang bị sốt sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng khi biết tôi muốn tìm hiểu về những năm tháng tham gia vận chuyển hàng hóa phục vụ kháng chiến, ông Hòa sẵn sàng tiếp chuyện. Có lẽ trong ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc về một thời đầy gian truân nhưng tự hào của mình.

Sinh năm 1945 tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), năm 16 tuổi, ông Hòa tham gia du kích xã với nhiệm vụ canh gác, đào hào, cắm chông chống địch đi càn lấn chiếm vùng giải phóng. Đến tháng 12-1964, ông chuyển lên công tác tại Đội vận chuyển chủ lực trực thuộc Tiểu ban thương nghiệp (Ban Tài mậu tỉnh Gia Lai) với nhiệm vụ chính là thu mua và vận chuyển hàng hóa phục vụ kháng chiến.

 Nay tuổi cao, sức yếu nhưng ông Nguyễn Văn Hòa (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào, hoạt động ở địa phương. Ảnh: Nhật Hào
Tuổi cao, sức yếu nhưng ông Nguyễn Văn Hòa (tổ 4, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) vẫn có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào, hoạt động ở địa phương. Ảnh: Nhật Hào


Có sức khỏe lại nhanh nhẹn, ông cùng các anh em trong đơn vị đã vượt hàng trăm cây số đường rừng, lội qua nhiều con sông để đến các cửa hàng ở Gia Lai và Bình Định thu mua hàng hóa mang về phục vụ cán bộ, bộ đội. “Chúng tôi mất 4 ngày mới xong một chuyến vận chuyển hàng trong tỉnh và mất 7 ngày nếu vận chuyển hàng ngoài tỉnh. Mỗi lần về, chúng tôi cõng trên lưng 30-40 kg gạo, nước mắm, đường, muối, vải… Nhiều lần gặp trời mưa lớn, việc vận chuyển khó khăn hơn, nhất là lúc nước sông dâng cao, chúng tôi không thể đi qua, phải ngủ lại trong rừng. Nhiều người vì dầm mưa, sốt rét rừng hành hạ tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng tình yêu thương, giúp đỡ giữa đồng chí, đồng đội đã trở thành động lực để mọi người vượt qua tất cả. Ngày 28-6-1968, tôi vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng”-ông Hòa tự hào kể.

Bên cạnh những vất vả trong công việc vận chuyển hàng hóa, ông Hòa và đồng đội còn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khi bị địch thường xuyên phục kích. Để hạn chế rủi ro, đội vận chuyển của ông thường phải đi thu mua hàng ban đêm. Trước khi xuống núi, đúng 5 giờ chiều, đoàn của ông phải dừng ở ngọn núi cao nhất rồi dùng ống nhòm quan sát. Nếu thấy cơ sở của ta cầm chiếc đèn dầu đi qua đi lại 3 lần là biết có địch đang phục kích, còn 2 lần là an toàn. Thế nhưng, đoàn của ông vẫn không tránh được những lần bị kẻ thù tấn công. Một ngày cuối năm 1970, khi đang trên đường đi lấy hàng, đoàn của ông bị địch phục kích bắn chết 1 đồng đội nữ. Ngày hôm sau, ông và đồng đội quay trở lại để chôn cất đồng đội. “Vì sợ địch cài mìn trong người chị ấy, chúng tôi buộc dây vào chân rồi nấp ở gờ đất cao để kéo thi thể chị đi. Sau khi kéo khoảng vài mét không thấy có dấu hiệu bị cài mìn, chúng tôi mới dám tiến lại gần. Chôn cất chị vừa xong thì trực thăng của địch bay tới bắn xối xả, anh em chúng tôi phải nhanh chóng tìm cách thoát thân”-ông Hòa kể.

Năm 1971, ông được rút về làm thủ kho, thủ quỹ thu mua hàng hóa tại chốt xã Trang (nay thuộc huyện Đak Đoa). Đến tháng 9-1971, địch oanh tạc dữ dội không thể hoạt động được, tỉnh điều hết cán bộ tại cửa hàng khu 6 sang cửa hàng thương nghiệp khu 7 (nay là huyện Kông Chro). Tại đây, ông và mọi người tiếp tục nhiệm vụ tới vùng La Hai (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) mua hàng hóa về phục vụ kháng chiến. Một ngày cuối tháng 9-1971, khi vừa xuống tới khu vực gần điểm lấy hàng, đoàn của ông bị địch phục kích khiến ông bị thương ở đùi trái. Đau đớn vì vết thương quá nặng nhưng để đảm bảo an toàn, ông tiếp tục bò vào rừng rồi kiệt sức nằm lại. Đến sáng hôm sau, ông được cán bộ thị trấn La Hai tìm thấy và đưa về trạm y tế điều trị.

Sau khi xuất viện, ông Hòa trở về khu 7 tiếp tục cùng với mọi người làm nhiệm vụ thu mua, vận chuyển hàng hóa phục vụ kháng chiến. Năm 1973, ông được rút về để nhận nhiệm vụ phụ trách kho chứa hàng hóa chi viện từ miền Bắc. Số hàng hóa tiếp nhận được phân bổ cho các đơn vị bộ đội, cơ quan của tỉnh. Dịp này, ông được Ban Tài mậu khen thưởng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1973.

2. Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng tham gia vận động lương thực phục vụ kháng chiến vẫn khắc sâu trong tâm khảm ông Đỗ Ngọc Thạch (tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Cuối năm 1965, sau 1 năm làm du kích tại xã nhà Ia Dơk (huyện Đức Cơ), ông Thạch chuyển lên công tác tại Ban Lương thực khu 1 (huyện Nam Kon Plông (cũ), nay là các xã phía Bắc huyện Kbang từ Kon Pne đến Sơn Lang). Thời điểm đó, Ban có 10 người, nhiệm vụ chính là vận động người dân trên địa bàn tăng gia sản xuất để đóng góp lương thực cho kháng chiến. Đồng thời, trực tiếp khai hoang trồng lúa lấy lương thực phục vụ đời sống của cán bộ, nhân viên trong đơn vị.

 Ông Đỗ Ngọc Thạch (bìa trái, tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) luôn giữ gìn những kỷ vật thời kỳ tham gia vận động lương thực phục vụ kháng chiến. Ảnh: Nhật Hào
Ông Đỗ Ngọc Thạch (bìa trái, tổ 8, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) luôn giữ gìn những kỷ vật thời kỳ tham gia vận động lương thực phục vụ kháng chiến. Ảnh: Nhật Hào


“Khi ấy, tôi được phân công phụ trách tại 2 xã Kon Pne và xã Mới. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đi khảo sát địa bàn, nắm tình hình sản xuất của bà con; tổ chức họp dân và vận động mọi người ủng hộ lương thực cho kháng chiến. Sau đó, tôi vận động bà con vào rừng chặt cây làm kho chứa thóc. Để việc vận động đạt hiệu quả, tôi thực hiện tốt phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng sản xuất) với bà con. Trong thời gian này, tôi tự học tiếng Bahnar để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ cách mạng”-ông Thạch nhớ lại.

Ông Thạch cho biết, địa bàn ông phụ trách tuy là vùng hậu cứ vẫn thường xuyên bị quân địch bắn phá. Vì thế, kho thóc, lán trại của ông cũng như các cán bộ khác đều được dựng trong rừng sâu. Bên cạnh mỗi kho thóc đều đào hầm để trú ẩn khi không may bị địch bắn phá. Mỗi năm, ông và các cán bộ đều phải di dời lán trại 2-3 lần để tránh địch phát hiện. “Một ngày đầu năm 1970, địch đưa quân từ An Khê vào càn quét. Khi ấy, kho lương thực của huyện bị địch bắn cháy. May mắn là anh em đã trốn thoát xuống hầm”-ông Thạch kể.

Năm 1970, ông Thạch được điều về công tác tại Ban Lương thực tỉnh. Tại đây, ông tiếp tục vận động người dân tăng gia sản xuất để đóng góp lương thực cho bộ đội; khai hoang đất trồng rau, lúa và mỗi năm 2 lần về Bình Định mua nhu yếu phẩm phục vụ đời sống anh em trong đơn vị. “Tôi nhớ nhất là những lần về Bình Định mua nhu yếu phẩm. Chúng tôi phải vượt qua hàng trăm cây số đường rừng, băng qua nhiều con suối. Đi đến đâu gặp trời tối thì mắc võng nằm tại đó. Mỗi lần về, hàng hóa chất cao hơn người. Song hiểm nguy hơn là không may bị địch tấn công hoặc gặp trời mưa lớn, nước sông dâng cao không thể về được. Những lúc như thế, lương thực cạn kiệt, tôi và mọi người phải tìm chuối rừng, rau rừng để ăn qua ngày. Thế nhưng, có những lần vì nhiệm vụ gấp, chúng tôi vẫn phải liều mình vượt sông và không ít lần tôi suýt chết vì lạnh và kiệt sức”-ông Thạch nhắc nhớ.

Năm 1974, ông Thạch tiếp tục được điều về lại huyện 1 để vận động người dân 3 xã Kon Pne, Kon Hà Nừng, Đak Rong chặt cây làm kho chứa gạo; làm đường vận chuyển lương thực. Sau giải phóng, ông tiếp tục công tác tại Ban Lương thực tỉnh với nhiệm vụ mới là thu mua lương thực của người dân để cấp cho cán bộ và bộ đội đóng chân trên địa bàn tỉnh.

…Với nhiều cống hiến cho cách mạng, những cựu chiến binh như ông Hòa, ông Thạch đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều huân-huy chương cao quý. Hòa bình lập lại, họ tiếp tục tham gia công tác trong các cơ quan, ban ngành của tỉnh. Dù ở cương vị nào, họ cũng đều nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của địa phương.  

 

 NHẬT HÀO

 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.