Ký ức An Khê - Kỳ 2: Bên kia sườn Hãnh Hót

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Núi Hãnh Hót nằm về phía Nam thị xã An Khê, cách trung tâm thị xã chừng hơn chục cây số. Ngày trước, hai bên sườn núi, cây cối rậm rạp, nhiều con suối bắt nguồn từ đỉnh chảy lượn quanh núi, quanh năm nước trong xanh ngăn ngắt, đổ ra các con suối lớn và điểm cuối của nó là sông HWay. Đặc biệt, núi Hãnh Hót còn có nhiều loại thú rừng, nhất là vượn, voọc, khỉ, gấu, nai.

Nhắc đến chuyện thú rừng trên núi Hãnh Hót, tôi nhớ một lần, nhìn thấy đàn voọc trên một cây cao cứ bẻ lá che thân và “trêu chọc” chúng tôi. Tôi đã “phá lệ”-nói phá lệ là bởi tôi ít khi bắn giết thú rừng-nhắm vào một con voọc khá to, nổ súng, tất nhiên là trúng đích. Chúng tôi lôi con voọc ra vệ đường, phủ lá. Khi chị Nguyễn Thị Khách từ phía sau đi tới, nhìn thấy con voọc, chị đã... ngã đùng bất tỉnh.

“Cơ quan gốc cây to”

Hãnh Hót là một trong những nơi quân Mỹ chú ý. Khi đại bộ phận lính Mỹ thuộc Sư đoàn Không vận số 1 đóng căn cứ ở An Khê rút đi, thay vào đó là Sư đoàn 4. Đây là sư đoàn được mệnh danh đánh phá trong rừng núi hiểm trở rất tốt. Chúng rất kiên trì lùng sục, phục kích các vị trí có dấu vết người lại qua, cho nên được gọi với cái tên là: vùng Mỹ lếch. Tôi nghe kể lại, có lần, anh Lê Thanh Hiển, cán bộ của K8, trên đường công tác không may rơi vào nơi “Mỹ lếch” và cũng may thay anh đã thoát ra, nhưng lạc trong núi Hãnh Hót 3 ngày 3 đêm chịu đói chịu khát, vừa tìm cách tránh Mỹ lếch, vừa đề phòng thú dữ, mới tìm về được với đồng đội.

Một bên sườn Hãnh Hót, phía nhìn về K7 (Kông Chro ngày nay), nơi Huyện ủy và Huyện đội K8 đứng chân, gần làng Đê Chơ Gang (làng này nay thuộc xã Phú An, huyện Đak Pơ) có một cây cổ thụ, đường kính gốc của cây chừng 3 m, cao khoảng 50 m. Nơi ấy chúng tôi thường gọi là “cơ quan gốc cây to”. Tôi không nhớ Huyện ủy K8 đứng chân ở đấy bao nhiêu năm, cho đến khi biệt kích Mỹ phát hiện, chúng dùng máy bay trực thăng, tàu quạt oanh tạc, chúng tôi mới dời đến ở khu vực suối 407, cách đó chừng vài giờ đi bộ.

Anh Lê Thanh Hiển (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng đội (ảnh tư liệu).

Anh Lê Thanh Hiển (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng đồng đội (ảnh tư liệu).

Ở “cơ quan gốc cây to”, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm nhớ nhất ở đây chính là nơi tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng khi tuổi tròn 16. Rồi 2 năm sau, ở cơ quan bên dòng HWay, tôi được kết nạp vào Đảng. Tôi và anh Trịnh Văn Đào-đội viên Đội An ninh K8 như một cặp “bài trùng” khi cả hai cùng vào Đoàn, vào Đảng một ngày.

Được kết nạp vào Đảng, với chúng tôi là niềm vinh hạnh, tự hào, là kết quả cả một quá trình cố gắng rèn luyện học tập, công tác, không sợ hy sinh, không ngại gian khổ, nhiệm vụ nào cũng đều hoàn thành xuất sắc. Và cũng tại “cơ quan gốc cây to”, một lần “đi trực”, tôi và 2 du kích địa phương lọt vào ổ phục kích của biệt kích Mỹ. Đạn chúng bắn như mưa, 2 anh hy sinh tại chỗ. Tôi thoát nạn, lạc rừng, lần tìm về cơ quan trong đêm tối mịt mù. Khẩu súng carbine trên tay, mỗi khi có tiếng động phát ra đâu đó, là tôi nổ súng để tự trấn an cho mình. Về đến “cơ quan gốc cây to”, trời đã gần sáng, tiếng gà rừng râm ran báo thức, lòng tôi trào dâng niềm vui hạnh phúc khi biết chắc chắn mình đã an toàn, nhưng xót thương 2 đồng đội của mình đã nằm lại dưới làn đạn giặc.

Những ngày gian khó

Hôm ấy, cả hơn chục người có mặt ở “cơ quan gốc cây to”, gần như thức trắng đêm để chuẩn bị dời cơ quan, bởi không biết tôi và 2 du kích đã hy sinh hay bị lính Mỹ bắt. Về nguyên tắc, có người mất tích là phải dời địa điểm đứng chân. Khi tôi về, cô Nguyễn Thị Sương, chị Trần Thị Tài, anh Phan Văn Thám là những người trông thấy trước. Anh Thám ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Chị Tài vội vã nhóm lửa, vo gạo nấu cháo cho tôi. Cũng “cơ quan gốc cây to”, 3 người thuộc Huyện đội, 1 người của Huyện ủy đi đầu hàng địch cùng một lúc. Ngay hôm đó, biệt kích từ trực thăng đổ bộ xuống, sau khi chúng bắn phá dữ dội vào khu vực “cơ quan gốc cây to”. Từ hôm đó, cơ quan chúng tôi dời đến suối 407-một con suối khá lớn, quanh năm nước trong xanh, chảy qua những thác ghềnh cheo leo trong rừng sâu thăm thẳm.

Ở suối 407 một thời gian không lâu, lại có kẻ đầu hàng giặc, chúng tôi lại phải dời đi. Huyện ủy đứng chân một bên sườn núi thấp, ngăn cách giữa làng Bung và các làng phía Tây như Đê KRuối, Đê Chơ Gang... Hồi cuối năm 1970, địch ra sức càn quét, lùng sục, biệt kích Mỹ-ngụy liên tục được máy bay trực thăng đổ xuống khắp nơi. Ở phía trước, vùng địch hậu, trong các ấp chiến lược, địch tăng cường kiểm soát, kìm kẹp người dân, khống chế, kiểm soát gắt gao, đề phòng việc tiếp tế của cơ sở cho các đội công tác vũ trang. Vì vậy, lại có những người sợ chết, sợ gian khổ rời bỏ hàng ngũ, chiêu hồi, chỉ điểm. Cơ quan 407 lại phải dời đi nơi khác. Ở nơi mới cũng cùng trên dòng 407, cách chỗ cũ không xa về phía hạ nguồn, nhưng vị trí được lãnh đạo Huyện ủy chọn khá an toàn, đường tiến và lui đều thuận lợi. Nhưng lại có hai kẻ chiêu hồi nữa, một là lính Huyện đội, một là người của Huyện ủy. Hôm đó, đúng vào sáng mùng 1 Tết năm 1971, một đàn trực thăng 5 chiếc xuất hiện gầm rú trên bầu trời, từ trên cao, chúng ném lựu đạn, phóng rocket, thả đạn cay xuống Huyện ủy và Huyện đội.

Cũng từ máy bay trực thăng, chúng đổ bộ lính Mỹ xuống, đánh phá tan hoang khu vực Huyện ủy, hầm hào tránh bom pháo của chúng tôi chúng giật mìn phá sạch. Đồ ăn thức uống, anh chị nuôi quân Huyện ủy chuẩn bị cho buổi liên hoan chào năm mới bị đạn vùi lộn với đất đá. Tất cả cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Huyện ủy và Huyện đội an toàn, trừ vài người bị thương nhẹ. Sau này, chúng tôi biết sở dĩ cơ quan bị lộ là do tên D. chỉ điểm, tôi cũng được biết sở dĩ chúng tôi mất cảnh giác như vậy là bởi đã có cam kết giữa các bên tham chiến tạm ngừng bắn trong 3 ngày Tết để quân lính và Nhân dân vui xuân.

Cách đây mấy năm, tôi trở lại chiến trường xưa, vùng đứng chân của các cơ quan thuộc K8 ngày trước, tôi không còn nhận ra bất cứ nơi nào cụ thể cả. Rừng đã bị tàn phá, suối sông đã không còn nước, làng đã thay đổi nhiều, bà con các làng Đê Chơ Gang, Bung, Đê KRuối... đã được dời đến nơi ở mới, gần sông Ba, gần thị xã An Khê. Bà con người Bahnar vốn xưa chỉ biết phát-đốt-chọc-trỉa, giờ đã biết trồng các loại cây như: dưa hấu, mía, ớt, lúa, mì cao sản, biết sản xuất vụ Đông Xuân, biết trồng cây công nghiệp, cây ăn quả... Dù chưa thật sự hết nghèo, nhưng sau 48 năm đất nước hòa bình thống nhất, không còn ai đói cơm lạt muối, không còn người trong độ tuổi bị mù chữ và ốm đau, sinh đẻ được các y-bác sĩ chăm sóc, chữa bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.