Kỳ diệu những 'mảnh ghép' hồi sinh sự sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống chỉ tính bằng giờ, bằng ngày, sau khi nhận 60% gan phải từ con trai, bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1962, Hà Nội) đã thoát khỏi cửa tử. Sáu năm nhận mảnh gan từ con, bà Thanh có cuộc sống khoẻ mạnh và hạnh phúc bên con cháu.

Bà là ca ghép gan cấp cứu đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Trung ương Quân đội (Bệnh viện 108). Sau 6 năm, Bệnh viện 108 đã trở thành trung tâm ghép gan lớn nhất cả nước với 204 ca ghép thành công.

Hạnh phúc khi được tái sinh

Gặp bà Nguyễn Thị Thanh tại lễ công bố hơn 200 ca ghép gan thành công tại Bệnh viện 108, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, bởi trông bà không giống như người từng phải ghép tạng. “Tôi vui lắm, cảm thấy yêu đời, lúc nằm viện tôi nghĩ mình phải ra đi, nhưng giờ tôi lạc quan, sống vui vẻ, hàng ngày đi chợ nấu cơm, trông cháu nội, điều mà trước khi ghép gan không dám mơ tới”, bà vui vẻ chia sẻ.

Các bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện ca ghép gan bất đồng nhóm máu.

Các bác sĩ Bệnh viện 108 thực hiện ca ghép gan bất đồng nhóm máu.

Năm 2008, bà Thanh có triệu chứng ngứa toàn thân, ai mách ở đâu có thuốc là đi mua, nhưng không khỏi. “Lúc đó tôi không nghĩ mình bị bệnh gan, tới năm 2017, triệu chứng nặng lên, da vàng, đi khám mới biết bị xơ gan mật nguyên phát, có những lúc phải truyền vitamin K, có lúc phải nhập viện vì tràn dịch ổ bụng. Cuộc sống chỉ tính bằng ngày, bằng giờ và bác sĩ bảo chỉ có ghép gan mới cứu được tính mạng”, bà Thanh kể lại.

Cả nhà bà Thanh gồm con trai, các anh chị em ruột cùng đi xét nghiệm, ai cũng tương thích cho được gan. Nhưng con trai bà Thanh khi đó mới 25 tuổi không đồng ý nhận gan của các bác, mà anh sẽ cho mẹ gan. “Tôi suy nghĩ nhiều lắm, con là trụ cột của gia đình, nếu con có thế nào mẹ sẽ rất suy nghĩ. Con thuyết phục tôi không gì tốt hơn bằng ghép cùng huyết thống, con còn gặp bác sĩ đề nghị đưa con vào “ưu tiên” số 1 hiến gan cho mẹ”, bà chia sẻ.

Ngày 10/7/2017, bà Thanh được ghép gan trong tình trạng cấp cứu khi bệnh tình nguy kịch. Lúc bấy giờ, các bác sĩ Bệnh viện 108 chưa từng triển khai ca ghép gan cấp cứu, nhưng họ quyết tâm vì tính mạng người bệnh. Con trai cho mẹ 60% gan phải, ca ghép diễn ra thành công. Sức khoẻ của bà Thanh hồi phục rất nhanh, cảm thấy mình như được tái sinh lần thứ hai. Kể về con trai, bà nói, con bà từ nhỏ sống rất tình cảm. Cũng giống vợ, chồng bà bị suy thận nặng, phải chạy thận nhiều năm và để cứu tính mạng chỉ có phương án ghép thận.

“Khi đó con trai tôi mới 12 tuổi đã chạy đến ôm cổ bố nói: “Bố đừng buồn, con sẽ cho thận của con để cứu bố”. Lúc đó hai vợ chồng tôi òa khóc, không nghĩ con còn nhỏ mà lại có suy nghĩ như vậy. Và lần này, không may đến lượt tôi, con vẫn tiên phong hiến tạng cho mẹ”, bà Thanh chia sẻ.

Sau 3 năm cho mẹ gan, con trai bà Thanh xây dựng gia đình, hiện đã có con 2 tuổi và hoàn toàn khoẻ mạnh. Phần gan đã cho mẹ nay phát triển, bù lại như bình thường. “Cả hai mẹ con đều mừng, con mừng vì mẹ còn sống và khoẻ lại, mẹ mừng vì có người con hiếu thảo. Giờ đây, tôi cảm thấy yêu đời và rất lạc quan, vui vẻ”, bà Thanh tự hào cho biết.

Bà Thanh là trường hợp ghép gan cấp cứu – một trong những kỹ thuật phức tạp bậc nhất trong chuyên ngành tiêu hoá – gan mật được triển khai thành công tại Bệnh viện 108. Thành công của ca ghép gan từ người cho cùng huyết thống đã giúp cho các bác sĩ bệnh viện có thêm kinh nghiệm và tự tin để triển khai nhiều ca ghép mới. Tính đến nay, bệnh viện đã triển khai 65 ca ghép gan cấp cứu, cứu sống những bệnh nhân suy gan rất nặng.

Cứu những em bé bên bờ sinh - tử

Trò chuyện với Đại tá, PGS.TS Lê Văn Thành, Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hoá, Bệnh viện 108, chúng tôi được biết, ghép gan trẻ em được anh và các đồng nghiệp ấp ủ rất nhiều dự định. Ghép gan cho người lớn đã khó, ghép gan cho trẻ nhỏ khó hơn gấp bội, bởi đây là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng.

PGS.TS Lê Văn Thành chúc mừng bệnh nhân hồi sinh từ mảnh gan ghép của bà nội không cùng nhóm máu.

PGS.TS Lê Văn Thành là Trưởng Tiểu ban ghép gan của bệnh viện, hầu như năm nào, anh cũng sang nước ngoài học đào tạo về ghép gan. Nhờ đó, kỹ thuật ghép gan cho trẻ em đã được các thầy thuốc của Bệnh viện 108 thực hiện nhuần nhuẫn. Bệnh viện đã phối hợp chuyển giao kỹ thuật ghép gan cho 5 bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện 108 đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan cho trẻ em ung thư đầu tiên tại Việt Nam. Đó là bé gái 18 tháng tuổi, bị u nguyên bào gan ác tính từ khi mới 11 tháng tuổi. Dù đã trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạc, song khối u của bé gái vẫn phát triển nhanh. Để cứu sống cháu bé, chỉ còn ghép gan. Ngày 17/8/2021, ca ghép gan vô cùng phức tạp đã thành công, mang lại cuộc sống mới cho cháu bé đang bên bờ sinh – tử.

Chia sẻ từ thành quả chuyển giao công nghệ ghép tạng, PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, từ ca ghép gan cho trẻ em đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2004 tại Bệnh viện Quân y 103 (người nhận gan là bé gái Nguyễn Thị Diệp, 8 tuổi, Nam Định), năm 2005, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện thành công ca ghép gan thứ 2 của cả nước là cháu bé bị xơ gan nguyên phát. 16 năm sau đó, mặc dù đã có thể độc lập thực hiện một số ca ghép gan, nhưng số lượng bệnh nhi ghép gan ở Bệnh viện Nhi vẫn còn rất hạn chế, mỗi năm chỉ thực hiện được 1-2 ca. “Nguyên nhân căn bản nhất do phẫu thuật ghép gan là một trong những phẫu thuật khó khăn nhất, đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa”, PGS Hiền cho biết.

Theo ông, năm 2021 trở thành một năm bản lề của ghép gan tại Bệnh viện Nhi Trung ương khi chỉ trong một thời gian ngắn, Bệnh viện 108 đã xây dựng được chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật chặt chẽ, từng bước chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Ngày 29/5/2021, ca ghép gan đầu tiên dưới sự hỗ trợ của Bệnh viện 108 thực hiện thành công. Liên tiếp sau đó, các ca bệnh lý gan hiểm nghèo đã được ghép gan dưới sự thực hiện của chuyên gia hai bệnh viện. Đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện được 52 ca ghép gan cho trẻ em, trong đó ghép gan bất đồng nhóm máu chiếm 25%; đã ghép gan cho bệnh nhi có cân nặng thấp nhất 6,5kg (11 tháng tuổi).

Theo PGS Thành, có những ca ghép gan, các thầy thuốc đã phải “cân não” khi tính mạng người bệnh chỉ còn tính bằng giờ. Được sống lại sau 7h phẫu thuật và 1 tháng điều trị hồi sức, cháu bé 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu đi lại, vui chơi, điều mà trước đây cậu bé chưa hề có. Nhìn con có cuộc sống mới, cha mẹ cháu vô cùng hạnh phúc. Chia sẻ về ca ghép này, PGS Thành cho biết: “Bệnh nhi được tiên lượng tử vong sớm nếu không còn phương pháp nào điều trị. Ghép gan là biện pháp cuối cùng để cứu sống cháu bé. Cả nhà không có ai ngoài cô ruột có nhóm máu và chỉ số tương tích với cháu bé để hiến gan. Vì vậy, người cô đã hiến gan cho cháu”, PGS Thành kể lại. Với kinh nghiệm hàng trăm ca ghép gan, các bác sĩ Bệnh viện 108 đã thực hiện kỹ thuật nội soi lấy thùy gan trái từ người cho sống và ghép cho cháu bé thành công.

So với các trung tâm ghép tạng khác, Bệnh viện 108 triển khai ghép gan muộn hơn, nhưng chỉ trong 6 năm, nơi đây đã ghép được 204 ca, đứng đầu cả nước (cả nước thực hiện được 500 ca ghép gan). Theo đánh giá của GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, đây là một thành tựu ấn tượng, là sự nỗ lực vượt bậc của Ban Giám đốc và các thầy thuốc bệnh viện, trở thành Trung tâm ghép gan lớn nhất cả nước, đồng thời cũng là đơn vị ghép gan từ người cho sống nhiều nhất cả nước (202 ca).

PGS.TS Lê Văn Thành cho biết, 1 ca ghép gan ở Việt Nam khoảng 50.000 USD, trong khi bệnh nhân ra nước ngoài, chi phí khoảng 200.000-300.000 USD/ca; chi phí trong nước thấp hơn nhiều lần nên rất có ý nghĩa đối với bệnh nhân ung thư gan và suy gan mạn tính giai đoạn cuối. Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện 108 thực hiện từ 40-50 ca ghép gan, trong những năm tới, phấn đấu đạt 100-150 ca/năm.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện 108 cho biết, trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục triển khai thực hiện thường quy kỹ thuật lấy mảnh ghép gan từ người hiến sống bằng phẫu thuật nội soi; thực hiện cắt toàn bộ gan người nhận bằng kỹ thuật nội soi và tiến tới triển khai kỹ thuật ghép gan bằng phẫu thuật nội soi – đây là kỹ thuật đỉnh cao của ghép tạng. Ngoài ra, bệnh viện cũng đẩy mạnh ghép gan bất đồng nhóm máu để tăng nguồn hiến gan; tiến tới cử kíp bác sĩ vừa hồi sức cho bệnh nhân chết não mong muốn hiến tạng ở bệnh viện tuyến dưới, vừa chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời thực hiện lấy tạng từ tuyến dưới đưa về Bệnh viện 108 để ghép.

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.