(GLO)- Sử cũ không ghi chép nhiều về sự tham gia của người dân vùng An Khê xưa trong phong trào Tây Sơn, thế nhưng, hàng loạt dấu tích trên vùng đất này đã minh chứng rõ nét vai trò quan trọng không thể tách rời giữa bà con miền Thượng với cuộc khởi nghĩa. Ký ức về Tây Sơn tam kiệt cùng quần thể di tích gắn liền với họ đã trở thành kho báu vô giá được người dân địa phương trân trọng giữ gìn.
Xác lập di tích cấp quốc gia
Tuy trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng dấu tích liên quan đến anh em nhà Tây Sơn vẫn còn hiện hữu khá đậm nét trên vùng đất An Khê. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân là một trong những thành viên tham gia quá trình khảo sát, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Tây Sơn Thượng đạo.
Bà nhắc nhớ: “Năm 1985, tôi tốt nghiệp đại học và về công tác tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến năm 1987 thì được phân công đi làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo cùng một đồng nghiệp, với sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện An Khê (cũ).
Để đến được các điểm di tích, chúng tôi hầu như phải đi bộ hoặc di chuyển bằng xe đạp. Tuy nhiên, đổi lại, nhờ tiếp cận sớm, chúng tôi có được rất nhiều nguồn tư liệu đáng tin cậy từ các nhân chứng sinh sống trên địa bàn. Thêm vào đó, đoàn cũng kế thừa được nguồn tư liệu về phong trào Tây Sơn mà tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi) mới hoàn thành vào thời điểm ấy”.
|
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai-xem lại bản thảo hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia cách đây hơn 30 năm. Ảnh: Hồng Thi |
Sau hơn 2 năm khảo sát, thu thập tư liệu về các dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, TS. Nguyễn Thị Kim Vân cùng cộng sự đã hoàn tất hồ sơ đề nghị xếp hạng. Nỗ lực bền bỉ của họ cuối cùng cũng thu về “quả ngọt” khi quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia vào ngày 14-6-1991.
Khu di tích gồm 6 cụm chính với 18 di tích, phân bố rải rác ở 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh. Theo đó, tại thị xã An Khê có 3 cụm: An Khê đình (đình ngoài), An Khê trường (đình trong), Gò Chợ (phường Tây Sơn); Hòn Bình, Hòn Nhạc, Hòn Tào, Gò Kho, Xóm Ké; Miếu Xà, Cây Ké, Cây Cầy (xã Song An). Cụm 4 có Sa khổng lồ, Hồ ông Nhạc, Nền nhà, Kho tiền thuộc xã Yang Nam (huyện Kông Chro). Cụm 5 có Vườn Mít, Cánh đồng Cô Hầu ở xã Nghĩa An (huyện Kbang). Cụm còn lại nằm trên địa bàn làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) với di tích Hòn đá ông Nhạc.
Việc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đã mang đến niềm phấn khởi cho đồng bào các dân tộc ở địa phương. Ông Nguyễn Sơn (tổ 15, phường An Phú, thị xã An Khê) chia sẻ: “Đây là kho báu vô giá mà vùng đất An Khê may mắn có được. Vì vậy, 30 năm qua, mỗi người dân chúng tôi đều tự nhủ phải góp phần cùng với chính quyền địa phương chung tay gìn giữ và phát huy giá trị các di tích này bằng những việc làm thiết thực nhất”.
|
Ông Nguyễn Sơn (bìa phải; phường An Phú, thị xã An Khê) và người dân trong vùng vẫn từng ngày bảo tồn “kho báu” vô giá của anh em nhà Tây Sơn trên đất Thượng đạo. Ảnh: Hồng Thi |
Ông Đinh Văn Trót-Bí thư Chi bộ làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) cho hay: Cách trung tâm làng khoảng 700 m có di tích Hòn đá ông Nhạc mà bà con thường gọi là Hòn đá bok Nhạc. Theo lời ông bà kể lại, thời còn vua chúa có một người đàn ông người Kinh thường đến đây mua trầu và ngồi nghỉ chân tại hòn đá. Sau này, đây cũng là nơi ông hội họp các tướng lĩnh dưới trướng.
Từ xưa đến nay, Hòn đá bok Nhạc vẫn được coi là vật thiêng của làng, được cả làng bảo vệ, gìn giữ, không để ai xâm phạm. Đặc biệt, từ sau khi được xếp hạng di tích, làng vẫn thường cử thanh niên trông coi, quét dọn sạch sẽ. Câu chuyện của bok Nhạc và Yă Đố còn được truyền miệng trong dân làng đến tận hôm nay như niềm tự hào chung của người Bahnar vùng An Khê xưa.
Vẹn lòng tưởng nhớ, tri tôn
Những dấu tích của vương triều Tây Sơn còn tồn tại khá nhiều trên dải đất Đông Gia Lai. Thậm chí, chúng còn gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của đại bộ phận Nhân dân địa phương qua các lễ hội và tín ngưỡng. Sự tôn sùng, quý trọng đối với nhà Tây Sơn còn được biểu hiện cả trong ca dao, hò vè, truyền thuyết, sự tích, huyền thoại bất tử về đội quân nông dân hùng mạnh.
Khi Nguyễn Ánh lên ngôi và tiến hành trả thù tàn khốc đối với nhà Tây Sơn, bà con vùng Tây Sơn Thượng đạo vẫn bí mật thờ cúng 3 anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ. Việc thờ cúng được ngụy trang dưới hình thức cúng các vị tiền hiền, hậu hiền có công với xóm làng. Trong giai đoạn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, việc thờ cúng vẫn được giữ gìn, duy trì. Nén nhang tưởng nhớ 3 vị anh hùng “áo vải cờ đào” chưa bao giờ ngừng cháy ở cả vùng Thượng đạo lẫn Hạ đạo.
|
Dù trải qua nhiều biến cố lịch sử song nhân dân vùng An Khê vẫn tưởng nhớ và duy trì việc thờ phụng anh em nhà Tây Sơn. Ảnh: Hồng Thi |
Gia đình ông Trần Ngọc Hỷ (tổ 7, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) có 4 đời tham gia Ban nghi lễ của An Khê đình, đảm nhiệm việc cúng kính ở đình làng vào mỗi dịp lễ, Tết. Vì vậy, ông khá tỏ tường về việc thờ “trá hình” anh em nhà Tây Sơn của người dân trong vùng.
“Theo lời ông bà tôi kể lại, người dân vùng An Khê xưa vô cùng kính trọng và tin vào sự linh thiêng của 3 ngài Tây Sơn. Dù trong hoàn cảnh nào, họ cũng vẹn lòng tưởng nhớ, thờ cúng các ngài. Tất cả đều bằng hình thức mật niệm, không thể hiện ra văn tự chính thống.
Thời kỳ sau này, việc thờ 3 anh em nhà Tây Sơn được công khai nên bà con vô cùng phấn khởi. Đặc biệt, càng vui mừng hơn khi mới đây, Nhà nước tiếp tục tôn tạo, tu bổ nhiều công trình thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và đầu tư xây dựng nhà thờ Tam Kiệt. Người dân An Khê đã thỏa ước nguyện bấy lâu về việc có nơi thờ phụng riêng dành cho 3 anh em nhà Tây Sơn và các tướng sĩ”-ông Hỷ bày tỏ.
|
Một số di tích thuộc quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo: An Khê Trường (bìa trái), An Khê đình. Ảnh: Hồng Thi |
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Kim Vân thông tin thêm: Người Việt chúng ta có truyền thống “uống nước nhớ nguồn” nên người dân thờ thành hoàng-những người có công lao hoặc đem vinh quang về cho vùng đất đó. Vì thế, việc thờ cúng anh em nhà Tây Sơn ở Tây Sơn Thượng đạo và Tây Sơn Hạ đạo cũng là lẽ đương nhiên.
Năm 1988, khi đến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia cho quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, chúng tôi được nghe các cụ Bùi Tấn Tòng, Mười Chương… khẳng định về việc thờ anh em nhà Tây Sơn dưới dạng ẩn danh (không biết thờ ai như ở An Khê trường) và thờ “trá hình” (tức là thờ sang đối tượng khác như ở An Khê đình).
Còn tại Cửu An, trong cuộc khảo sát năm 2005 và năm 2014, các bô lão địa phương cho chúng tôi hay, đình Cửu An cũ được lập để thờ 3 anh em nhà Tây Sơn từ thời Nguyễn Quang Toản (1792-1802) nhưng sau khi nhà Nguyễn tiến hành trả thù nhà Tây Sơn, người dân Cửu An không còn dám công khai thờ các ông nữa.
Ở Cửu An còn có Dinh Bà (thuộc thôn An Điền Bắc) nằm trên núi Đất cũng được các bô lão khẳng định là nơi dân làng lập để thờ Yă Đố-người vợ Bahnar của Nguyễn Nhạc đã góp công xây dựng lực lượng hậu cần cho đội quân Tây Sơn trong những năm đầu khởi nghĩa trên đất Tây Sơn Thượng đạo.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hiếm có một triều đại nào lại được Nhân dân ngưỡng vọng và nhớ ơn bằng một tình cảm mãnh liệt như nhà Tây Sơn. Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo đã trở thành minh chứng thuyết phục và mang tính giáo dục cao nhất cho các thế hệ sau này về truyền thống lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về tình đoàn kết giữa các dân tộc và ý chí quật cường. Điều này cũng đặt ra cho chính quyền địa phương bài toán: Làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả nhất, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, lại vừa lan tỏa trường tồn hào khí Tây Sơn?
HỒNG THI