Kỳ 1: Gương sáng thương binh giữa đời thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rời chiến trường với những mảnh đạn còn găm trên thân thể nhưng những người thương binh không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu mà còn giúp người
Ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Ngọc Sáu (SN 1960; ngụ thôn Xuyên Tây 1, thị trấn Nam Phước) được người dân biết đến là một thương binh làm kinh tế giỏi, hết lòng giúp đỡ người nghèo. Từ hai bàn tay trắng, nay ông là doanh nhân - Giám đốc Công ty TNHH Gia Phú (Cụm Công nghiệp Tây An, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên), doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch tuynel với vốn đầu tư ban đầu lên đến 14 tỉ đồng.
Vươn lên nhờ bản lĩnh người lính
Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, tháng 10-1978, khi vừa thi đậu đại học, ông Sáu nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Tháng 4-1981, ông Sáu phục viên.
Ông trở về quê hương với bộn bề khó khăn do sức khỏe của một thương binh hạng 3/4 ngày càng suy yếu, nhiều lần phải nằm viện phẫu thuật. Nhiều mảnh đạn nằm trong cơ thể ông đã được lấy ra nhưng còn một mảnh nằm trong sọ vẫn "sống chung" với ông mấy chục năm nay, trái gió trở trời đầu ông lại đau nhức.
ượt qua nhiều khó khăn của thương binh hạng 3/4, ông Nguyễn Ngọc Sáu trở thành một doanh nhân làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho cộng đồng
ượt qua nhiều khó khăn của thương binh hạng 3/4, ông Nguyễn Ngọc Sáu trở thành một doanh nhân làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho cộng đồng
Làm cán bộ nông nghiệp của xã được một thời gian, năm 1985, ông Sáu theo học Trường Trung cấp Thương mại Trung ương 2 (nay là Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng). Đến năm 1987, ông ra trường rồi về mở một cơ sở mộc nhỏ ở quê. Vượt qua nhiều khó khăn lúc đầu, cơ sở của ông Sáu ngày càng phát triển, mặt hàng trang trí nội thất của ông được nhiều người đến mua. Thế nhưng, năm 2006, ông Sáu bỏ ngang xưởng gỗ, chuyển sang làm gạch tuynel. "Thời điểm đó tôi thấy nghề mộc bắt đầu gặp khó, nhà nước có chủ trương đóng cửa rừng, hạn chế khai thác gỗ nên muốn tìm một hướng đi mới. Trong một lần tình cờ gặp người bạn cũ, tôi bàn với bạn góp vốn mở công ty sản xuất gạch. Cả thảy hết 8 tỉ đồng, vay thêm ngân hàng 6 tỉ đồng" - ông Sáu nhớ lại.
Từ một kẻ tay ngang, chuyên môn nghề nghiệp không có, những năm đầu, công ty ông Sáu lâm vào cảnh hết sức khó khăn, có lúc đứng bên bờ vực phá sản bởi sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Người bạn cùng góp vốn đột ngột qua đời, khó khăn càng vây lấy ông. Cũng chính lúc ấy, bản lĩnh, quyết tâm của người lính cụ Hồ trong ông thể hiện rõ hơn lúc nào hết.
Với suy nghĩ "thương binh tàn nhưng không phế", khó khăn không khiến ông Sáu chùn bước mà càng vươn lên mạnh mẽ hơn. Ông cắp cặp đi khắp nơi tham quan, tìm hiểu, học hỏi quy trình sản xuất, nghiên cứu đưa khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất nên chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao. Khi uy tín và chất lượng đã được khẳng định, sản phẩm của công ty ông Sáu làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, các đại lý trực tiếp đến nơi thu mua mà không cần đi tiếp thị như trước đây.
Đến nay, công ty ông Sáu sản xuất hơn 7 triệu viên gạch/năm, thu về khoảng 7 tỉ đồng, trừ thuế khoảng 600-700 triệu đồng và các chi phí sản xuất, trả lương cho công nhân, công ty ông Sáu lãi hơn 1 tỉ đồng/năm. Nhờ vào công ty gạch, vợ chồng ông Sáu nuôi 3 con ăn học thành tài. Con trai lớn của ông là anh Nguyễn Ngọc Hùng (SN 1983), sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng về làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài; con trai thứ hai là Nguyễn Ngọc Hậu (SN 1989) đang là công an ở TP Đà Nẵng; con gái út Nguyễn Thị Như Ý (SN 1994) tốt nghiệp cao đẳng y tế, mở nhà hàng kinh doanh riêng.
Đau đáu tình đồng đội
Trở về từ cuộc chiến với thân thể không lành lặn, hơn ai hết, ông Sáu hiểu hết nỗi khó khăn của những thương binh và gia đình họ. "Tôi luôn tâm niệm phải cố gắng để làm sao có thể giúp đỡ đồng đội mình vượt qua khó khăn trong cuộc sống mới" - ông bộc bạch.
Đó cũng là lý do trong 47 công nhân ở công ty có đến 37 người là thân nhân của các thương binh, cựu quân nhân. Nhìn cách ông Sáu trò chuyện với công nhân của mình, chúng tôi cảm nhận công ty cũng như một mái nhà chung. Họ dành cho vị giám đốc của mình nhiều tình cảm trìu mến như người cha, người chú trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Tố Tâm (SN 1966) - vợ một cựu chiến binh, người gắn bó với với công ty từ ngày đầu thành lập - tâm sự: "Tuổi cao sức yếu rồi, may sao anh Sáu tạo điều kiện có công ăn việc làm ổn định từ đó cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn".
Đau đáu khi nhiều đồng đội vẫn còn nằm lại ở chiến trường biên giới Tây Nam, dù sức khỏe yếu nhưng nhiều năm nay, ông Sáu nhiệt tình tham gia Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 (Sư đoàn 309, Quân đoàn 4). Không đủ sức khỏe trực tiếp tìm kiếm hài cốt đồng đội, ông Sáu nhận nhiệm vụ hậu cần, từ việc liên hệ với các địa phương về hồ sơ thủ tục đến chuẩn bị nghi thức đón hài cốt đồng đội đều do một tay ông Sáu sắp xếp. Vài tháng qua, ông cùng đồng đội đã quy tập được 34 bộ hài cốt liệt sĩ từ nhiều nơi đưa về quê hương Quảng Nam. Riêng năm 2017, ban liên lạc đã đưa được hơn 120 bộ hài cốt liệt sĩ hồi hương.
Khi nói về đồng đội còn ở đâu đó trên chiến trường năm xưa, ông Sáu bật khóc: "Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt mà được trở về là may mắn và diễm phúc lắm rồi, vết thương trên thân thể không là gì so với những hy sinh, mất mát của đồng đội. Chúng tôi luôn cố gắng để đồng đội của mình được đưa về quê, gia đình; thân nhân của họ cảm thấy ấm lòng, bớt tủi thân hơn". 
Giúp nhau xóa đói giảm nghèo
Nhiều năm qua, ông Sáu thường xuyên hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho đồng đội, các gia đình thương binh, liệt sĩ khó khăn. Trong năm nay, ông Sáu đã hỗ trợ kinh phí cho cựu chiến binh nghèo ở huyện Phước Sơn; hỗ trợ cho gia đình liệt sĩ ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) xây nhà, hỗ trợ Quỹ Vì người nghèo, Hội Chữ thập đỏ của huyện… Với những việc làm ý nghĩa giúp đời, năm 2011, ông Sáu được Trung ương Hội Cựu chiến binh tặng bằng khen cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; được mời ra Hà Nội báo cáo thành tích. Năm 2017, ông Sáu được vinh danh là thương binh tiêu biểu, nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, ông còn nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận của xã, huyện trong công tác mặt trận, nhân đạo…
Trần Thường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.