Ksor Đức: Từ nghệ sĩ đến nghệ nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khác hẳn với hình ảnh một nghệ sĩ lộng lẫy, hào nhoáng và tỏa sáng, người nghệ nhân lặng lẽ, thâm trầm hơn với “sân khấu” không đâu khác hơn chính là buôn làng. Không nhiều người hâm mộ vây quanh, với họ, động lực giữ gìn, trao truyền văn hóa chỉ đến từ những thôi thúc bên trong. Khi gặp Ksor Đức, tôi không khỏi tò mò khi thấy cả 2 bản thể ấy hội tụ nơi anh.
“Say, cho tôi say một chút men tình/Ngất ngây theo nhịp điệu cồng chiêng, quên đi ngày tháng nhọc nhằn/Bay, cho tôi bay theo cánh chim trời, bay qua những cánh rừng cà phê, qua những buôn làng xa xôi, nơi tôi chào đời…”. Ksor Đức nghệ sĩ lắm với những ca từ như thế trong ca khúc “Góc yên bình” do chính anh sáng tác và thể hiện. Và chàng nghệ sĩ ấy giờ đây lại phát huy sự khéo léo của đôi tay, khối óc tỉ mỉ chạm khắc những bức tượng gỗ dân gian, công phu hơn là “nghề” dựng nhà sàn truyền thống. Ngay cả Đức cũng không thể ngờ rằng, cuộc sống với nhiều cơ duyên khác nhau dẫn đưa anh đến với những lựa chọn mà trước đó bản thân chưa bao giờ hình dung tới.
Nghệ sĩ từ làng
Từ một nghệ sĩ, anh Ksor Đức trở thành nghệ nhân đẽo tượng gỗ dân gian. Ảnh: Phương Duyên
Từ một nghệ sĩ, anh Ksor Đức trở thành nghệ nhân đẽo tượng gỗ dân gian. Ảnh: Phương Duyên
Ksor Đức sinh ra và lớn lên ở làng Chuét 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Anh có đến 7 năm được đào tạo bài bản trong môi trường âm nhạc tại một địa chỉ có tiếng: Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội. Với thế mạnh là chất giọng bariton trầm ấm, Đức thể hiện rất thành công những ca khúc thuộc dòng nhạc Tây Nguyên, nhạc trữ tình và cả rock. Mục tiêu trụ lại với hoạt động nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh như gần hơn khi anh lọt vào vòng Đối đầu của cuộc thi Giọng hát Việt mùa đầu tiên (The Voice 2012), sau đó lại được ca sĩ Siu Black và nhạc sĩ Tuấn Khanh dìu dắt. Càng là “hàng hiếm” khi thời điểm ấy anh là một trong số ít những ca sĩ có khả năng sáng tác. Những ca khúc của anh hiện đại, đậm chất trữ tình và vui tươi, khỏe khoắn như chính cao nguyên phồn sinh.
Thế nhưng, sau một vài biến cố, năm 2016, Ksor Đức quyết định quay về “ở ẩn” nơi quê nhà. Rất nhiều tâm tư, trăn trở anh gửi vào ca khúc “Về với tôi”: “Giữa phố thị đông người chật chội/Nắng chói chang đổ xuống chiều muôn lối/…Chợt tôi nhớ về nơi xa xôi quê mình… Bạn và tôi, biết mai sẽ ra sao/Mà sao ta vẫn cứ mãi hơn thua bon chen…”.
Tìm lại góc tĩnh lặng cho riêng mình nơi Phố núi, Đức vẫn theo đuổi con đường của một ca sĩ tự do khi cộng tác khá thường xuyên với một số địa chỉ âm nhạc có tiếng như: Cuội Acoustic, Sê San Coffee Piano. Tháng 12-2016, khi một video clip về hoa dã quỳ trên đỉnh núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) xuất hiện trên mạng xã hội với phần nhạc nền là bài hát “Hoa vàng trên cao nguyên”, cái tên Ksor Đức càng được chú ý nhiều hơn. Đức cho hay, anh sáng tác ca khúc này trong một ngày cuối năm Sài Gòn đột ngột chuyển mùa, gợi nỗi nhớ về xứ sở cao nguyên những ngày hoa báo đông nở kín sườn đồi, lay lay sắc vàng mê đắm gió ngàn. Những ca từ thật lãng mạn tràn ra, cất lên thành giai điệu đậm phong cách ballad: “Rồi gió cuối năm lại về/Hoa vàng thắm sắc trên đồi cao/Nhớ ánh mắt em ngây dại/Nhớ đắm say rồi chợt yêu... Cao nguyên em hoa vàng rực rỡ/Không nơi đâu đẹp như nơi này…”.
Thành công từ lối rẽ
Trò chuyện với chúng tôi trong một buổi sớm mát lành gió ven hồ thổi tới, Ksor Đức kể: Cơ duyên giúp anh tìm thấy một con người khác bên trong mình đến cách đây nhiều năm từ sự hợp tác âm nhạc với nhạc sĩ Văn Tuấn Anh-ông chủ Khu du lịch làng Cù Lần, một điểm đến nổi tiếng của “xứ hoa đào” (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Qua lời giới thiệu của một số nhạc sĩ ở TP. Hồ Chí Minh, ông Văn Tuấn Anh mời Ksor Đức thể hiện ca khúc của mình trong một chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Chất giọng vang ấm, khỏe khoắn của Đức đã chinh phục người nghệ sĩ làm du lịch này đặc biệt.
Từ sự thân tình, ông chủ Khu du lịch làng Cù Lần nhờ Đức giới thiệu một nhóm nghệ nhân để đặt hàng đẽo tượng gỗ dân gian trưng bày trong khu du lịch. Tuy nhiên, khi sản phẩm hoàn thiện và được gửi sang, ông chưa thật hài lòng vì trông chúng khuôn mẫu quá. Ở góc nhìn của người “làm dâu trăm họ”, ông cần chút gì đó phá cách hơn. Lúc này, Đức chợt bật ra một ý tưởng: Sao mình không thử, nhất là khi đã có chút kiến thức căn bản và năng khiếu về mỹ thuật? Cầm rìu, đục, tỉ mẩn học hỏi các nghệ nhân lão làng, anh vui và tin điều mình sẽ làm được. Như thể mạch nguồn ông cha trao truyền đang chảy trong huyết quản, Đức bắt đầu con đường trở thành nghệ nhân tạc tượng như thế, hết sức tình cờ. Đức chia sẻ: Lợi thế của anh là từng được tắm mình trong âm nhạc cồng chiêng, dân ca và văn hóa truyền thống ngay từ đời sống thường ngày, như nó vốn thế (những thứ mà sau này ít nhiều đã bị sân khấu hóa). Sự tiếp nối tự nhiên ấy là bệ đỡ không thể tuyệt hơn dành cho anh.
Ksor Đức bên một số tác phẩm tượng gỗ dân gian. Ảnh: Phương Duyên
Anh Ksor Đức bên một số tác phẩm tượng gỗ dân gian. Ảnh: Phương Duyên
Nhóm tượng đầu tiên gửi đi và nhận được cái gật đầu hồ hởi của ông chủ Khu du lịch làng Cù Lần đã tiếp thêm cho Đức nguồn động viên lớn để tiếp tục sáng tạo ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Nương theo hình dáng khúc gỗ mà tạo hình, tượng của Đức cũng chủ yếu tái hiện những sinh hoạt đời thường của con người Tây Nguyên như: gùi nước, giã gạo, bồng con, biểu diễn cồng chiêng... hay tượng chim thú. Tuy nhiên, với khao khát tạo ra giá trị khác biệt từ dấu ấn cá nhân, tượng của Đức cách điệu sắc sảo hơn chứ không “đóng khung” trong những nét phác thảo thô mộc điển hình của tượng gỗ dân gian truyền thống. “Tạc tượng mang đến cho tôi niềm hứng thú không khác âm nhạc. Từ đó thành đam mê”-Đức giãi bày.
Tin tưởng vào “tay nghề” của anh, chủ một số quán ẩm thực Tây Nguyên trên địa bàn TP. Pleiku như: Gà nướng cơm lam Plit (39 Đào Duy Từ), Bazan quán (phường Thắng Lợi)... đã tin tưởng đặt hàng cho Đức. Anh Ksor Plit-chủ quán Gà nướng cơm lam Plit-nhận xét: “Tượng của Đức đẽo rất có hồn với những tác phẩm như uống rượu ghè, đánh trống, đánh đàn đing goong... Còn vì sao tôi đặt hàng Đức? Thứ nhất, Đức là bạn tôi. Thứ hai, có vậy thì mới khuyến khích được người trẻ theo nghề truyền thống của ông cha. Bây giờ, những nghệ nhân lớn tuổi không làm nhiều nữa, trong khi thế hệ sau thì không mấy mặn mà”.
“Nghề” dựng và làm nhà sàn đến với Ksor Đức cũng ngoạn mục không kém sau khi ông chủ Khu du lịch làng Cù Lần nhờ tìm nhóm nghệ nhân dựng nhà sàn Jrai tại đây. Đức tự tin nhận lời tham gia và bằng tài năng, chịu khó tìm tòi, học hỏi từ những đêm mất ngủ, anh lại thành công.
Cuộc trò chuyện với chúng tôi nhiều lần ngắt quãng khi điện thoại của Đức cứ reo liên tục, liên quan đến dự án làm nhà sàn cho một gia đình Jrai ở huyện Chư Prông. Đến nay, anh đã thực hiện lắp ráp nhà sàn cũ và dựng mới gần chục nhà ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đáp ứng nhu cầu của chủ nhân, nhà sàn anh cùng nhóm nghệ nhân dựng nên cũng là sự gặp gỡ giữa bản sắc và hiện đại. Khác với nhà sàn truyền thống chú trọng tính kiên cố, chúng được tăng độ thẩm mỹ nhờ trang trí thêm hoa văn, họa tiết Jrai. Công năng sử dụng cũng cao hơn khi tách riêng gian bếp thay vì đặt giữa nhà, ngoài ra còn có phòng vệ sinh.
Ngôi nhà sàn do anh Ksor Đức và các nghệ nhân thi công. Ảnh: Phương Duyên
Ngôi nhà sàn do anh Ksor Đức và các nghệ nhân thi công. Ảnh: Phương Duyên
Nhạc sĩ Văn Tuấn Anh-chủ Khu du lịch làng Cù Lần (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng): “Ở góc độ nghệ sĩ, Ksor Đức ghi dấu ấn với giọng hát rất hay, rất ấm. Ở góc độ nghệ nhân, Đức cũng rất tài năng, khéo léo, sáng tạo. Tượng gỗ Đức tạc thoát khỏi lối tạo hình truyền thống, mang nét hiện đại mà vẫn đậm chất nghệ thuật điêu khắc dân gian truyền thống. Đây là điều rất đáng quý, đáng trân trọng”.
Có thể đo mức độ thành công của Đức trong lĩnh vực này qua việc nghệ nhân Ksor Hnao quyết định mở rộng không gian kinh doanh ẩm thực của gia đình tại làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku) đã nhờ Đức cùng ê kíp của mình thiết kế và thi công toàn bộ. Đức cũng là người lên ý tưởng và thi công quán Ksor H’Bla T’rưng (phường Trà Bá, TP. Pleiku) do chị gái mình là nghệ sĩ đàn t’rưng Ksor H’Bla làm chủ. Riêng Đức cách đây 2 năm cũng mở quán Cơm lam gà nướng J’rai (hẻm 02B Nguyễn Thị Hồng Gấm, TP. Pleiku). Anh đang dự tính trau chuốt lại để đón đầu cơ hội khi du lịch hồi phục. Đặc biệt, những du khách đến với Khu du lịch làng Cù Lần sẽ ngỡ ngàng gặp dấu ấn Jrai tại đây với 2 ngôi nhà sàn, hàng chục tượng gỗ dân gian cùng cây nêu cao đến hơn 20 m.
Như Đức trải lòng thì những gì anh làm không chỉ mang lại thu nhập đơn thuần mà còn là trách nhiệm học hỏi và giữ gìn, nhất là khi văn hóa truyền thống của dân tộc đứng trước thử thách đứt gãy trong cuộc sống hiện đại. 
Nói về niềm đam mê âm nhạc dường như đang bị bỏ quên, Đức phân trần: “Âm nhạc đã ăn vào máu nên không bao giờ bỏ được. Tôi vẫn ấp ủ con đường nghệ thuật nhưng hiện giờ thì tạm thời gác lại. Tôi sẽ còn trở về với âm nhạc, bởi với tôi đó là thứ xoa dịu tinh thần tốt nhất, cho tôi một chốn thật thư giãn, bình yên”.
Đoán chừng trong tâm trí anh đang vang lên một khúc nhạc quen thuộc về nơi anh đã đặt hết tình yêu thương: “Cho tôi một góc yên bình, khung trời riêng tư, tự do hát ca/Cho tôi về với quê mẹ, nơi hoang sơ rừng xưa đại ngàn...”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.