Krông Pa và giấc mơ du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc đến Krông Pa, Gia Lai người ta chỉ nghĩ đến một vùng đất khô cằn, nghèo khó và đặc biệt là thiên nhiên khắc nghiệt với cái nóng đến khô người. Vậy nhưng, vùng đất được mệnh danh “chảo lửa” này lại sở hữu không ít tiềm năng để khai thác du lịch. 
Vùng đất giàu bản sắc
Chỉ với hơn 1 phút xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế S-Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam), một phần bản sắc văn hóa của người Jrai vùng Krông Pa đã được nhiều khán giả biết đến thông qua vẻ đẹp của những ngôi nhà dài truyền thống. Và cũng chỉ vỏn vẹn 2 phút trong chương trình này, đặc sản “bò một nắng” của xứ “chảo lửa” cũng khơi gợi không ít sự tò mò, thích thú cho người xem. Đây là lần đầu tiên những sản phẩm du lịch của Krông Pa xuất hiện trên một kênh truyền hình thực tế về văn hóa và du lịch, có độ phủ sóng tầm quốc gia.
Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-bày tỏ: “Krông Pa có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng nhờ điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, ẩm thực phong phú. Với lợi thế nằm trên trục kết nối du lịch từ Bắc Tây Nguyên đến các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Krông Pa có thể tận dụng vị trí này kết hợp khai thác tiềm năng sẵn có để có thể hòa vào xu thế chung. Ở một khía cạnh khác, phát triển nông nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do thiên nhiên khắc nghiệt, nếu thúc đẩy được dịch vụ du lịch phát triển sẽ gia tăng tính ổn định, bền vững của kinh tế-xã hội. Điều này càng ý nghĩa hơn khi Krông Pa có đến gần 70% số dân là người dân tộc thiểu số. Họ sinh sống ở những buôn làng giàu bản sắc, có thể phát triển loại hình du lịch cộng đồng”.
 Nhà dài là nét văn hóa đặc trưng của buôn Mlah (xã Phú Cần). Ảnh:Phương Vi
Nhà dài là nét văn hóa đặc trưng của buôn Mlah (xã Phú Cần). Ảnh:Phương Vi
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, Krông Pa hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Jrai vùng hạ lưu sông Ba với hệ thống các lễ hội truyền thống: bỏ mả, cúng bến nước, mừng thọ, ăn lúa mới… Ông Phùng Anh Kiểm-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-nhìn nhận: Người Jrai ở Krông Pa còn lưu giữ nhiều nét đặc trưng văn hóa từ trang phục, ẩm thực, hệ thống phong tục, tín ngưỡng đến các làn điệu dân ca, các loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu. Ngoài ra, không thể không kể đến không gian văn hóa cồng chiêng vẫn được gìn giữ khá tốt với nhiều bộ chiêng quý trong cộng đồng.
Nhà dài là một trong những kiến trúc nhà truyền thống của người Jrai vùng hạ lưu sông Ba. Ở buôn Mlah (xã Phú Cần) hiện còn tới hàng chục căn nhà dài truyền thống. Có những căn nối dài vài chục mét, là nơi cư ngụ, sinh hoạt quần tụ của những gia đình nhiều thế hệ. Buôn Mlah còn có lợi thế nhờ thiên nhiên, phong cảnh hữu tình, lại nằm kế bên thị trấn Phú Túc, đi lại rất thuận tiện. Đặc biệt, buôn Mlah còn giữ cho mình nhiều nếp sống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống độc đáo. Năm 2019, buôn được huyện chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong kế hoạch phát triển du lịch tới đây, buôn Mlah được “chọn mặt gửi vàng” với định hướng phát triển du lịch nhà-vườn kết hợp tìm hiểu văn hóa của người Jrai bản địa.
Đánh thức tiềm năng
Krông Pa còn có tiềm năng lớn về phát triển loại hình du lịch sinh thái nhờ lợi thế sở hữu diện tích rừng tự nhiên rất lớn với nhiều lâm sản quý. Đặc biệt, qua công tác khảo sát, thăm dò mới đây, địa phương còn phát hiện nhiều thác nước tự nhiên đẹp, độc đáo, có thể khai thác để phát triển du lịch sinh thái như: thác Trắng (xã Ia Rsai), thác Đôi (giáp ranh giữa 2 xã Uar và Chư Drăng), thác 3 tầng Ea Uar (xã Uar), thác Ea Tral (xã Chư Drăng)... Bên cạnh đó, có thể kể đến Khu du lịch sinh thái hồ Ia Mlah, Nhà máy điện năng lượng mặt trời; Di tích tháp Chăm cổ Bang Keng (buôn Chư Yú, xã Krông Năng), Di tích lịch sử “Chiến thắng Đường 7-Phú Túc, Sông Bờ”, Di tích lịch sử cách mạng Cư Ju-Dliê Ya, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Krông Pa…
Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho hay: Huyện sẽ tổ chức khảo sát các điểm du lịch tiềm năng, trên cơ sở đánh giá thực trạng sẽ quy hoạch và định hướng phát triển cụ thể cho từng giai đoạn để có chính sách đầu tư, đào tạo nhân lực làm du lịch phù hợp. Nếu phát triển được loại hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh, cuộc sống của người dân bản địa sẽ được cải thiện đáng kể nhờ vào các dịch vụ du lịch. Cũng theo ông Tô Văn Chánh, thời gian tới, địa phương cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch. Song song với đó, huyện sẽ có chính sách đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch trên cơ sở khôi phục, gìn giữ và phát huy các sản phẩm nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nghề mộc…) cũng như bảo tồn, mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, hát dân ca, chơi nhạc cụ truyền thống…
“Về lâu dài, muốn thúc đẩy phát triển du lịch thì rất cần có nhà đầu tư. Đây cũng là thách thức đặt ra cho địa phương hiện nay. Chúng tôi sẽ tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các dự án du lịch, dịch vụ trên địa bàn”-Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.