Krông Pa: Nhiều giải pháp giảm thiệt hại do thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và “4 tại chỗ”.
Krông Pa là địa bàn thường xảy ra hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất, giông sét... gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, huyện đã xây dựng các kế hoạch phòng-chống thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ suối, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai. Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo các ngành, đơn vị, UBND các xã, thị trấn rà soát kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các cấp; thành lập các tổ, đội xung kích PCTT và TKCN cấp xã để chủ động triển khai hoạt động phòng ngừa, ứng phó; tổ chức tập huấn về kỹ năng điều khiển phương tiện TKCN, sử dụng trang-thiết bị, sơ cấp cứu... Ngoài ra, công tác quy hoạch bố trí sắp xếp, di dời dân cư được triển khai hiệu quả. Đến nay, gần 2.000 hộ dân ở các thôn, buôn nằm trong khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất được bố trí đến khu tái định cư, ổn định đời sống.
Chị Ksor H’Pên (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm) cho biết: “Nhà mình ở sát sông Ba. Khi trời mưa to, nước sông dâng rất cao đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của gia đình. Được Nhà nước quan tâm đầu tư khu tái định cư để người dân di dời đến nơi ở mới, bà con cảm thấy rất vui”. Còn anh Kpă Uih (cùng buôn) vui mừng nói: “Chúng tôi được UBND xã tổ chức cho bốc thăm chọn lô để làm nhà tại khu tái định cư. Gia đình đang chuẩn bị vật liệu để làm nhà chứ sắp đến mùa lũ lụt rồi”.
Người dân buôn H’Lang (xã Chư Rcăm) bắt đầu đổ vật liệu để xây nhà ở khu tái định cư. Ảnh: Lê Nam
Người dân buôn H’Lang (xã Chư Rcăm) bắt đầu đổ vật liệu để xây nhà ở khu tái định cư. Ảnh: Lê Nam
Ông Hà Văn Đường-Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm-cho biết: Ủy ban nhân dân xã vừa cho 96/102 hộ dân tại buôn H’Lang thuộc vùng sạt lở sông Ba bốc thăm phân lô đợt 1. Mỗi hộ được bố trí 400 m2 đất và hỗ trợ thêm 20 triệu đồng để làm nhà. Sau khi bốc thăm, UBND xã đề nghị các hộ phải làm nhà trong thời gian từ ngày 25-5 đến 25-8-2022. Nếu hộ nào không làm nhà thì sẽ thu hồi đất và tiền hỗ trợ. Đối với những hộ được đưa vào khu tái định cư mà có hoàn cảnh khó khăn thì xã sẽ hỗ trợ về nhân lực để vận chuyển đồ đạc và hướng dẫn vay vốn ưu đãi của ngân hàng làm nhà. “Hàng năm, UBND xã chủ động xây dựng phương án PCTT và TKCN; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; cắm các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm dọc sông Ba. Đặc biệt, khi mưa lớn, nước sông Ba dâng cao, xã sẽ thông báo trực tiếp qua hệ thống loa truyền thanh để người dân chủ động phòng tránh”-ông Đường thông tin.
Tương tự, ông Rah Lan Baih-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm-cho biết: Vào mùa mưa, nước sông Ba thường xuyên dâng cao gây sạt lở đất, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của một số hộ dân sống dọc sông. Do đó, UBND xã đã xây dựng phương án chi tiết khi có mưa lũ xảy ra sẽ tiến hành di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, cắm các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và phân công cán bộ phụ trách giúp người dân tránh lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, phát quang cây xanh.
Krông Pa hỗ trợ người dân chuyển tài sản và người đến nơi an toàn trong đợt mưa bão năm 2021. Ảnh: Lê Nam
Krông Pa hỗ trợ người dân chuyển tài sản và người đến nơi an toàn trong đợt mưa bão năm 2021. Ảnh: Lê Nam
Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện-cho biết: Huyện luôn quán triệt phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” cũng như phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng với đó, huyện rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án PCTT và TKCN, ứng phó sự cố trên địa bàn; kiện toàn tổ chức và quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm để chủ động đối phó với mưa lũ; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, buôn.
“Công tác khắc phục hậu quả cũng luôn được chú trọng. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, xác minh thông tin cụ thể, đánh giá và hướng dẫn người dân khắc phục thiệt hại, tổng hợp, thống kê tình hình thiệt hại, lập báo cáo gửi cấp trên. Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, cứu trợ kịp thời, không để tình trạng người dân không có nơi ở, thiếu lương thực thực phẩm”-ông Duyên thông tin thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Miền Bắc hửng nắng trước khi mưa rét

Miền Bắc hửng nắng trước khi mưa rét

Trưa chiều nay (5/12), miền Bắc hửng nắng, nhiệt độ cao nhất 25-27 độ. Dự báo từ đêm mai (6/12) miền Bắc có thể đón mưa rải rác, từ ngày 7/12 trời chuyển rét diện rộng. Các tỉnh Bắc Trung Bộ hôm nay hửng nắng, không mưa, riêng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa dông rải rác vào chiều tối, cục bộ có mưa to.

Miền Trung, Nam Bộ đón mưa dông

Miền Trung, Nam Bộ đón mưa dông

Do ảnh hưởng của không khí lạnh lệch đông mang theo nhiều hơi ẩm nên hôm nay (3/12), các tỉnh miền Bắc có sương mù, mưa nhỏ rải rác, trời rét về đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ. Khu vực Trung Trung Bộ và Nam Bộ có mưa dông rải rác. Các khu vực khác nhiều mây, âm u.