Kông Chro gỡ khó để phát triển cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên cơ sở vùng trồng cây dược liệu ban đầu, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tiếp tục huy động nguồn lực triển khai nhiều mô hình hiệu quả để bảo tồn và phát triển cây dược liệu theo hướng ổn định lâu dài.

Khuyến khích phát triển cây dược liệu

Được bạn bè giới thiệu, năm 2021, anh Phạm Văn Khiêm (thôn 6, xã An Trung) thuê đất triển khai trồng 1,5 ha gừng. Cây trồng hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên phát triển tốt, năng suất đạt 46 tấn củ/ha. Kết thúc vụ thu hoạch, gia đình thu về hơn 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí; đồng thời giữ lại 8 tấn củ làm giống. “Tháng 4 vừa qua, tôi đã xuống giống 3 ha, hiện cây phát triển tốt. Hy vọng giá cả ổn định, mang lại thu nhập cao cho gia đình”-anh Khiêm cho biết.

 Gia đình anh Phạm Văn Khiêm (thôn 6, xã An Trung) phát triển diện tích cây gừng từ 1,5 ha lên 3 ha. Ảnh: Ngọc Minh
Gia đình anh Phạm Văn Khiêm (thôn 6, xã An Trung) phát triển diện tích cây gừng từ 1,5 ha lên 3 ha. Ảnh: Ngọc Minh



Tương tự, năm 2020, gia đình ông Nguyễn Kim Thiết (làng Hrách, xã Đak Kơ Ning) tham gia dự án trồng cà gai leo trên diện tích 1,5 ha; năng suất ước đạt 1 tấn khô/ha. Sản phẩm làm ra được Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai bao tiêu với giá 20 ngàn đồng/kg. Theo ông Thiết, cây cà gai leo dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Cây trồng hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh.

Theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, từ năm 2019 đến nay, huyện đã đầu tư hơn 1,25 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông để triển khai 3 mô hình trồng thử nghiệm cây cà gai leo, bạc hà, sâm đương quy với quy mô 10,6 ha. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu vẫn gặp một số khó khăn như: diện tích, quy mô sản xuất còn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; địa phương chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa người dân và Công ty Đông Nam Dược Gia Lai nên việc liên kết để phát triển cây dược liệu chưa nhiều… “Nguyên nhân là do người dân chưa có kinh nghiệm trong việc trồng cây dược liệu; việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng còn hạn chế. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư của Nhà nước đối với dược liệu chưa đúng mức”-ông Hưng cho hay.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Thời gian qua, xã Đak Kơ Ning tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu; phối hợp với ngành chức năng chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất. Ngoài tham gia mô hình trồng cà gai leo, người dân còn chủ động trồng cây đinh lăng, gừng, nghệ… Bí thư Đảng ủy xã Đak Kơ Ning Đỗ Hà Quang thông tin: Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là đầu ra sản phẩm. Trước mắt, chúng tôi vận động người dân sơ chế, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời, tham mưu UBND huyện tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thu mua nông sản và dược liệu; các cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến dược liệu nâng cấp trang-thiết bị để đa dạng sản phẩm.

Người dân xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro tham gia mô hình thí điểm trồng cà gai leo. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân xã Đak Kơ Ning tham gia mô hình thí điểm trồng cà gai leo. Ảnh: Ngọc Minh
Toàn huyện Kông Chro hiện có 62,4 ha cây dược liệu. Trong đó, 21 ha cây hoa hòe, 18,2 ha cây gừng, 13,5 ha cây đinh lăng, 2 ha cây gấc, 1,6 ha đương quy, 1 ha sả, 0,1 ha nghệ đen, 4,5 ha đậu ván trắng và 0,5 cây dược liệu khác.

Trao đổi cùng P.V, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kông Chro Nguyễn Thanh Minh cho biết: Thời gian đến, huyện tiếp tục triển khai thực hiện và phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 09-NQ/TU và Kế hoạch 151-KH/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy, thống nhất về nhận thức, hành động trong Đảng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận cao trong xã hội về bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Cùng với đó, có cơ chế chỉ đạo, điều hành hợp lý nhằm đảm bảo các hoạt động về định hướng xây dựng chính sách bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt hiệu quả; quan tâm kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm; tổ chức tham quan, học tập mô hình trồng cây dược liệu hiệu quả ở một số địa phương.

“Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có thành tích trong việc phát triển cây dược liệu; nhân rộng các mô hình hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, triển khai thực hiện có hiệu quả dự án cây dược liệu quý khi được cấp trên phân bổ vốn. Đồng thời, huyện tiến hành làm việc với Tập đoàn Lộc Trời để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm dược liệu bản địa”-ông Minh thông tin thêm.

 

 NGỌC MINH

 

Có thể bạn quan tâm

Tích hợp giá trị sản phẩm OCOP

Tích hợp giá trị sản phẩm OCOP

Sau 6 năm triển khai trên toàn quốc, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ, được xem là một trong những giải pháp chiến lược nâng cao giá trị nông sản, tích hợp đa ngành, phát triển công nghiệp nông thôn, các làng nghề truyền thống và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Lão nông Jrai mê làm giàu

R’com Hlung: Lão nông Jrai mê làm giàu

(GLO)- Ông R’com Hlung (làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người rất mê làm giàu. Ở tuổi ngoài 60, ông vẫn tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ia Sao: Lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

Ia Sao lan tỏa phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tính năng động, sáng tạo của hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Thời gian qua, nhờ triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, tài nguyên rừng trên địa bàn lâm phần do ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê được quản lý tốt hơn. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai công bố một số thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực lâm nghiệp và kiểm lâm

(GLO)- Ngày 20-9, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đã ký ban hành Quyết định số 488/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm; 6 thủ tục hành chính mới và 4 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực lâm nghiệp và kiểm lâm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT.