Phát triển cây dược liệu ở huyện Kon Plông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian qua, huyện Kon Plông chú trọng phát triển cây dược liệu theo chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án về phát triển cây dược liệu của HĐND tỉnh và UBND tỉnh, bước đầu mang lại những tín hiệu đáng mừng.

Để cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về phát triển cây dược liệu, UBND huyện Kon Plông ban hành Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 6/9/2021 về phát triển cây dược liệu và cây bản địa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, UBND huyện kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, mở rộng các vùng trồng dược liệu trên địa bàn huyện; đôn đốc các dự án đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng triển khai đúng tiến độ dự án; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lồng ghép các nguồn vốn xây dựng dự án hỗ trợ sản xuất để hỗ trợ cho nhân dân địa phương phát triển cây dược liệu; chỉ đạo các đơn vị chủ rừng đang thực hiện việc khoanh nuôi, bảo vệ, bảo tồn và tiến hành trồng mới cây dược liệu trên diện tích quản lý.

Ông Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Để có nguồn giống phát triển diện tích cây dược liệu, hiện nay trên địa bàn huyện có một số đơn vị gieo ươm giống để cung ứng giống cây dược liệu cho các doanh nghiệp và hộ dân trên địa bàn. Trong đó, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao ươm 420.000 cây đương quy, sâm dây, xạ đen; Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Nam bộ Cơ sở III ươm 120.000 cây sâm dây, đương quy, giảo cổ lam; Trang trại Hà Văn Đại ươm 450.500 cây sâm dây, đương quy, sâm Ngọc Linh...


 

 Người dân xã Ngọc Tem thu hoạch lá sả Java. Ảnh: QĐ
Người dân xã Ngọc Tem thu hoạch lá sả Java. Ảnh: QĐ


 
Tính đến nay, huyện Kon Plông có trên 840ha cây dược liệu các loại; trong đó xã Măng Cành 33ha (25ha sâm dây, 8ha dương quy), xã Ngọk Tem 55ha (5ha sa nhân, 5ha nghệ, 5ha sả Ja va và 40ha dược liệu khác của doanh nghiệp), xã Đăk Nên đang trồng thử nghiệm 1 ha cây sả Ja va; còn lại là diện tích của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hiện nay, người dân các xã, thị trấn đang chuẩn bị đất để trồng mới năm 2022 khoảng 400ha; chủ yếu trồng các loại cây sâm dây, đương quy, xạ đen, sả Java, độc hoạt, giảo cổ lam...

Anh Đặng Mậu Nghĩa - cán bộ kỹ thuật của Công ty Việt Khang Nông thông tin: Công ty được huyện Kon Plông giao 80ha - trong đó có 40ha rừng tự nhiên đơn vị nhận quản lý, chăm sóc, bảo vệ; 40ha trồng các loại cây nông nghiệp, gồm cà phê chè 15ha, bơ Mỹ 12ha, sâm dây 5ha, bưởi 20.000m2...


 

 Hệ thống tưới nước tự động của nông trại Việt Khang Nông. Ảnh: QĐ
Hệ thống tưới nước tự động của nông trại Việt Khang Nông. Ảnh: QĐ
Công ty Việt Khang Nông đầu tư trồng sâm dây tại xã Măng Cành. Ảnh: QĐ
Công ty Việt Khang Nông đầu tư trồng sâm dây tại xã Măng Cành. Ảnh: QĐ


Trên phần diện tích trồng cây công nghiệp, Công ty Việt Khang Nông đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, xây dựng 4.000m2 nhà màn trồng sâm dây lấy lá, 4 ha đất trồng sâm dây lấy củ. Diện tích cà phê đã cho thu hoạch năm thứ 2; số ít diện tích bưởi trồng trước đây đã có quả; sâm dây lấy lá trồng trong nhà màn thu hoạch từng đợt bán với giá 60.000 đồng/kg. Qua đó, công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương, lúc vào vụ sản xuất hoặc thu hoạch có trên 35 người làm việc với mức thu nhập từ 200.000-300.000 đồng/người/ngày tùy loại công việc.

Trước đây, ông A Lang (xã Ngọc Tem) có 2ha đất rẫy trồng mì. Được cán bộ xã vận động, tư vấn, cung cấp giống, ông chuyển 2ha đất này sang trồng cây sả Java. Ông cho hay, cây sả phát triển trên đất đồi triền dốc, ít công chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, 1 năm có thể trồng 2-3 vụ tùy thuộc vào thời tiết, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5-2 lần so với trồng cây mì.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, giá trị kinh tế từ việc đầu tư trồng cây dược liệu mang lại tăng từ 1,5-2 lần so với một số loại cây trồng khác (như mì, bắp, lúa rẫy, khoai lang...) trên cùng một đơn vị diện tích; thậm chí, nếu người trồng chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, giá trị có thể tăng gấp 3-4 lần. Điều đáng nói là, một số hộ đồng bào DTTS nhờ trồng cây dược liệu đã có thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển cây dược liệu trong thời gian tới, ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Từ nay đến năm 2025, huyện Kon Plông phấn đấu phát triển diện tích trồng dược liệu đạt khoảng 1.255ha; tập trung các loại sâm dây, đương quy, sa nhân, nghệ, sả Java và một số dược liệu khác theo nhu cầu thị trường. Hình thành và đưa vào hoạt động ít nhất 1 cơ sở sản xuất các loại giống dược liệu; thu hút đầu tư ít nhất 1 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết, phục vụ nhu cầu trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu. Phấn đấu hình thành 3 cánh đồng lớn dược liệu được đầu tư đầy đủ hạ tầng cơ sở như hệ thống tưới, điện, đường giao thông để sản xuất dược liệu tập trung tại các địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển dược liệu...         

https://www.baokontum.com.vn/kinh-te/phat-trien-cay-duoc-lieu-o-huyen-kon-plong-23754.html

 

Theo Quang Định (baokontum)

Có thể bạn quan tâm