Kinh tế ban đêm - Bài 3: "Khoảng trống" kinh tế ban đêm - Câu chuyện nhìn từ Đà Nẵng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng, trong sáu tháng đầu năm 2019, tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 14,97 tỷ đồng (tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, nguồn thu này vẫn chủ yếu đến từ các hoạt động ban ngày. Khoảng trống lớn về kinh tế ban đêm hiện nay đặt ra nhiều nuối tiếc cho “thủ phủ du lịch miền Trung”.
Thiếu trải nghiệm đêm, khách rời Đà Nẵng sớm
Đầu tháng 8 đầu năm 2019, chị Thu Hương (ngõ 464, đường Âu Cơ, Hà Nội) cùng nhóm bạn đã có chuyến du lịch miền Trung một tuần. Dự định lưu trú tại Đà Nẵng 3 đêm, nhưng sau đêm đầu tiên nghỉ tại khu du lịch Bà Nà Hills, đêm thứ hai tại thành phố, họ đã quyết định rời thành phố này.
“Không giống như ban ngày, buổi tối ở Đà Nẵng quá tẻ nhạt. Chúng tôi ăn tối ở nhà hàng gần bãi biển, đi dạo phố, rồi vào một quán bar. Sau đó, chúng tôi trở về khách sạn và kết thúc một ngày thăm thú lúc 11 giờ đêm. Hôm sau, chúng tôi lên đường vào Quảng Nam,” chị Hương kể.
 
Loanh quanh dạo phố, ngắm cầu, ngắm sông, … là “đặc sản” của du lịch đêm Đà Nẵng (Ảnh: shutterstock)
Loanh quanh dạo phố, ngắm cầu, ngắm sông, … là “đặc sản” của du lịch đêm Đà Nẵng (Ảnh: shutterstock)
Nói về lý do rời Đà Nẵng, chị bảo: “Chúng tôi đến Đà Nẵng không phải dịp lễ hội pháo hoa hay có sự kiện gì tương tự vào buổi tối nên không có nhiều lựa chọn trải nghiệm. Ngoài chợ đêm Sơn Trà và một vài cây cầu nổi tiếng, chúng tôi không biết nên đến đâu, chơi trò gì. Trong khi đó, vào Quảng Nam, chúng tôi có thể thong dong đi dạo phố cổ, khám phá ẩm thực đêm, xem biểu diễn nghệ thuật thực cảnh buổi tối…”. 
Câu chuyện của chị Thu Hương cũng là “nỗi niềm” chung của khá nhiều du khách khi đặt chân tới Đà Nẵng. Vào ban ngày, khách du lịch có khá nhiều lựa chọn như đến Bà Nà Hills, tham quan Ngũ Hành Sơn, trải nghiệm lặn san hô, chơi dù biển, khám phá bãi biển Mỹ Khê, vui chơi ở công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài… Thế nhưng, vào buổi tối, rất ít lựa chọn cho họ được chơi cho đến tận cùng của kỳ nghỉ.
Những khu chợ đêm ... “vô hồn”
Trong vai một du khách muốn trải nghiệm “hình thái manh nha của kinh tế ban đêm Đà thành”, chúng tôi đã dạo qua một loạt khu chợ đêm nổi tiếng như Helio (quận Hải Châu), Sơn Trà, Lê Duẩn... Cảm giác nổi trội nhất là: địa điểm nào cũng na ná như nhau và... rất giống mọi khu chợ tương tự khác của cả nước.
 
Chợ đêm Sơn Trà thiếu bản sắc
Chợ đêm Sơn Trà thiếu bản sắc
Nằm ở vị trí đắc địa gần với cầu Tình yêu, cầu Rồng, chợ đêm Sơn Trà được thiết kế với mô hình hỗn hợp giữa phố đi bộ và hoạt động kinh doanh buôn bán. Chợ đêm Sơn Trà dễ làm người ta lầm tưởng mình đang có mặt tại... một chợ nào đó ở Hà Nội, hay TPHCM.
Cũng những dãy cửa hàng ẩm thực, lưu niệm, thời trang, đồ mỹ nghệ. Cũng những gam màu sặc sỡ của đủ thứ trang sức mỹ ký, áo quần, lưu niệm, dép giày đổ đống...
Những người đi tìm “phần hồn” của thành phố sông Hàn chỉ thoảng nhận ra một chút qua những món ăn như bánh canh, bún chả cá, mỳ Quảng... - vốn không thiếu vào ban ngày.
Thiếu đặc trưng vùng miền tới độ, xen lẫn trong dãy hàng đủ mọi loại sản phẩm còn có sạp nhỏ bán tò he -  vốn là loại đồ chơi mang đậm bản sắc đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
 
Chợ đêm Helio chưa để lại dấu ấn, 10 giờ đã thu dọn hàng quán
Chợ đêm Helio chưa để lại dấu ấn, 10 giờ đã thu dọn hàng quán
Ngay cả Helio, khu chợ đêm vốn có tiếng về độ “sang và đầy đủ” cũng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Ẩm thực thiếu bản sắc, đóng cửa từ 22 giờ 30, nên Helio cũng chỉ khiến người ta đến một lần rồi tạm biệt. Còn chợ đêm Lê Duẩn chỉ là con ngõ nhỏ, kinh doanh những mặt hàng thời trang rẻ tiền, nhếch nhác, trông giống một chợ dành cho sinh viên.
Tính tự phát là thứ rất dễ nhận ra ở các chợ đêm Đà Nẵng. Thay vì dãy cửa hiệu được quy hoạch và xây dựng cố định, hầu hết các “shop” đều chỉ được bày ra sau 18 giờ dưới hình thức di động và có phần... tạm bợ. 
“Nếu như Hà Nội còn có Tạ Hiện, TPHCM có Bùi Viện thì đến Đà Nẵng rất khó tìm được một khu thực sự có chất Đà thành,” chị Thu Hương tỏ ra thất vọng.
Chưa tương xứng tiềm năng
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, ở Việt Nam nói chung và các thành phố lớn, có tiềm năng du lịch như Đà Nẵng nói riêng, tuy kinh tế đêm với biểu hiện cụ thể là các điểm vui chơi, giải trí, các khu chợ đêm đã bắt đầu xây dựng và phát triển trong mấy năm trở lại đây, tuy nhiên nhìn chung vẫn mang tính chất mang mún, nhỏ lẻ, chưa thu hút được khách du lịch quốc tế để họ ở lại nhiều ngày và chi tiêu nhiều tiền...
Thực tế, thời gian qua Đà Nẵng mới chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch trong khung giờ ban ngày (từ 5 giờ đến 18 giờ). Hiện kinh tế ban đêm vẫn đang là “khoảng trống” lớn, ảnh hưởng đến việc giữ chân và tăng mức chi tiêu của du khách. Như thế, tức là thành phố này đang lãng phí nguồn doanh thu “khủng” từ kinh tế ban đêm.
Trong khi đó, kết quả các cuộc khảo sát đã chỉ rõ, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm khoảng 30%. Khoảng 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm (từ 18 giờ - 6 giờ sáng).
 
Cảnh nhếch nhác ở chợ đêm Lê Duẩn
Cảnh nhếch nhác ở chợ đêm Lê Duẩn
Được mệnh danh là “thủ phủ du lịch miền Trung”, thiếu hụt dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, không có những chính sách chiến lược về kinh tế ban đêm là điểm trừ rất lớn của Đà Nẵng. Nếu không “cởi trói” cho khu vực kinh tế ban đêm, Đà Nẵng rất có thể sẽ bị các thành phố du lịch khác ở ngay miền Trung “vượt mặt”.
Nhìn sang Huế, Hội An…, hiện các điểm du lịch này đang dần sôi động về đêm với những khu phố, chợ đêm đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa, giải trí hấp dẫn, thu hút du khách. Và như thế, giấc mơ về danh hiệu thành phố du lịch hàng đầu châu Á của Đà Nẵng vẫn rất xa vời.
NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.