Kinh tế ban đêm - Bài 2: Việt Nam đang bỏ qua nguồn lợi khổng lồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu nhìn vào cách New York, Sydney hay London đang khai thác kinh tế ban đêm, có thể thấy nhiều thành phố du lịch của chúng ta đang “làm ngơ trước đống vàng”.
New York không bao giờ ngủ
Khi mặt trời lặn, ngành nào thu nhiều tiền nhất ở New York? Câu trả lời khá dễ dàng: ngành dịch vụ ăn uống. Trong nền kinh tế ban đêm của New York, các nhà hàng đóng vai trò quan trọng nhất. Chúng mang về 12 tỷ USD giá trị kinh tế và tạo ra 141.000 việc làm mỗi năm (chỉ tính ban đêm).
 
New York – thành phố không bao giờ ngủ
New York – thành phố không bao giờ ngủ
Nhưng sau ngành nhà hàng, thì thứ gì sau đây tạo ra nhiều lợi tức nhất tại New York ban đêm: A. Quán bar; B. Nghệ thuật; C. Cho thuê sân khấu; D. Thể thao & tập luyện (phòng tập gym, quán bi-a hoặc bowling)?
Bạn sẽ bất ngờ, bởi câu trả lời là nghệ thuật. Các quán bar tại New York trong năm 2018 thu về 2 tỷ USD khi mặt trời lặn. Nhưng các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỷ USD. Tức là mỗi đêm, New York hốt hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật.
Đó là chi tiết khẳng định mạnh mẽ nhất danh hiệu “Thành phố không bao giờ ngủ” của New York. Nếu quán bar và nhà hàng đứng đầu cơ cấu của kinh tế ban đêm, đó là chuyện thường tình của mọi nền kinh tế. Nhưng khi nghệ thuật trong đêm thu về hơn 3 tỷ USD, thì đó là một đẳng cấp.
Những người đã đặt chân đến Broadway hiểu điều này. Ban ngày, con phố này trông đơn điệu như hầu hết các block nhà của Manhattan. Nhưng ban đêm, Broadway trở thành trái tim của thành phố - một biểu tượng văn hóa toàn cầu. Những sân khấu sáng đèn.
Khách ra vào nườm nượp, và trả giá cao để thưởng thức nghệ thuật: 100 USD sẽ cho bạn một ghế khá xa sân khấu trong nhà hát Minskoff. Ở đó, bạn sẽ “phải” xem một show diễn có tuổi đời gần 2 thập kỷ - đó là vở Vua Sử tử huyền thoại. Mỗi tuần, nhà hát Minskoff thu 2 triệu USD tiền vé, và khán giả vẫn khóc khi Simba gọi bố.
 
Điện ảnh Mỹ có thể khắc họa một New York với những quán bar hoan lạc, sân khấu của các gia đình mafia Ý với rượu mạnh và vũ công thoát y. Thực ra, màn đêm New York mang đến cho người ta nhiều hơn thế.
Điện ảnh Mỹ có thể khắc họa một New York với những quán bar hoan lạc, sân khấu của các gia đình mafia Ý với rượu mạnh và vũ công thoát y. Thực ra, màn đêm New York mang đến cho người ta nhiều hơn thế.
Ngoài ngành kinh doanh nghệ thuật, ngành cho thuê sân khấu ban đêm cũng mang về cho họ 1,2 tỷ USD/năm. Tức là chỉ khai thác khía cạnh tinh thần, New York đã có 4,3 tỷ USD/năm. Tính cả ngành thể thao, bar và ẩm thực, tổng cộng New York thu 19 tỷ USD sau khi hoàng hôn buông xuống. 
Hơn cả những con số
Việc kiếm hàng tỷ USD từ nền kinh tế ban đêm không phải là đặc quyền của New York. Sydney thống kê rằng mỗi năm, kinh tế ban đêm mang về cho họ khoảng gần 4 tỷ USD.
London không có con số thống kê chính thức, nhưng website của tòa thị chính cũng khẳng định đời sống ban đêm mang về “hàng tỷ” (bảng Anh) cho thành phố này. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều có chính sách riêng để phát triển kinh tế ban đêm.
 
Nền kinh tế ban đêm đem về nguồn doanh thu “siêu khủng” cho London
Nền kinh tế ban đêm đem về nguồn doanh thu “siêu khủng” cho London
Vấn đề không chỉ là tiền thu về. Kinh tế ban đêm đóng góp hơn 700.000 việc làm tại London, bằng 1/8 tổng số lao động của thành phố. Với New York, chỉ tính riêng số nhân công làm việc ở các nhà hàng ban đêm, đã là 141.000 người. Mỗi năm, New York trả 4,2 tỷ USD tiền lương cho nhân sự trong ngành ẩm thực ban đêm. 
Kinh tế ban đêm mang về cho Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng bao nhiêu tiền và bao nhiêu việc làm? 
Câu trả lời dễ chịu: chưa có con số thống kê chính thức. Câu trả lời khó chịu: nó chưa mang về xu nào; vì thực chất cái gọi là “kinh tế ban đêm” chưa hình thành tại Việt Nam.
Các hoạt động phát sinh lợi nhuận về đêm tại Việt Nam hiện nay, thực chất là sự nối dài của hoạt động kinh tế ban ngày. Chưa có chính sách phát triển “kinh tế ban đêm” nào nhiều hơn việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm.
Thực chất, 4,3 tỷ USD tiền biểu diễn nghệ thuật không thấm vào đâu so với GDP hàng trăm tỷ USD hàng năm của New York. Sydney và London cũng vậy. Nhưng kinh tế ban đêm không chỉ mang nhiệm vụ bổ sung GDP, nó còn kéo dài thời gian sống của thành phố.
Những khách du lịch châu Á mất ngủ vẫn có thể lang thang ở Quảng trường Thời đại lúc 3 giờ đêm, ngồi nhìn những tấm bảng quảng cáo nhấp nháy, để một nghệ sĩ đường phố vẽ cho mình một bức chân dung khổ lớn với giá vài chục USD. Họ sẽ mang một phần New York về nhà.
 
Hà Nội có những hàng quán ăn đêm, nhưng đó chưa phải là kinh tế ban đêm
Hà Nội có những hàng quán ăn đêm, nhưng đó chưa phải là kinh tế ban đêm
Vậy đến bao giờ người ta có thể thấy những sân khấu kịch ở TP HCM sáng đèn suốt đêm; con phố ẩm thực đêm dài chưa đầy 500m ở Hà Nội biến thành một trung tâm trình diễn rộng hàng héc-ta, nơi người ta vừa nghe nhạc jazz thâu đêm vừa nhâm nhi cocktail? 
Bao giờ thì Bà Nà Hills ở Đà Nẵng có thể đón khách lúc nửa đêm để thưởng thức không khí lạnh đặc trưng giữa miền Trung, vừa xem carnival diễn ra lúc 2 giờ vừa ngắm các kiến trúc châu Âu trong ánh đèn nghệ thuật? Bao giờ thì Vòng quay Mặt trời ở thành phố này có thể quay suốt đêm khi các công viên giải trí sẵn sàng phục vụ mọi du khách chưa ngủ? Và bao giờ, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác, có thể quy hoạch riêng những tổ hợp vui chơi giải trí khi đêm về, để khi một nửa thành phố say ngủ, nửa còn lại vẫn có không gian riêng cho mình?
 
Khi nào thì Bà Nà Hills có thể sôi động thâu đêm?
Khi nào thì Bà Nà Hills có thể sôi động thâu đêm?
Kinh tế ban đêm không thể hình thành nhờ vào việc kéo dài thời gian hoạt động của vài cơ sở kinh doanh. Ở những thành phố lớn trên thế giới, như New York, nó luôn phải hoạt động đồng bộ.
Bạn sẽ cần phương tiện công cộng để đến các địa điểm giải trí ban đêm; bạn sẽ cần nhà hàng để ăn sau khi rời sân khấu hoặc carnival lúc 2 giờ sáng (loại nhà hàng được kiểm tra an toàn thực phẩm chứ không phải nhà hàng vừa ăn vừa ôm bát chạy công an phường); bạn sẽ cần chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 để mua nước đóng chai hoặc khăn giấy…
Và quan trọng nhất, bạn cần biết rằng hệ thống hành pháp vẫn đang vận hành, để có thể yên tâm rằng mọi thứ mình đang tận hưởng là hợp pháp, an toàn. Không phải ngẫu nhiên mà New York và Sydney đều có những phòng ban chuyên biệt trong tòa thị chính phụ trách kinh tế ban đêm.
Kinh tế ban đêm là một khái niệm hấp dẫn nếu nhìn vào những con số; nhưng là một thách thức trong xây dựng. Và bởi thế, ngay cả ở những nền kinh tế siêu mạnh, chúng cũng cần rất nhiều hỗ trợ để hình thành.
NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.