Kiếm sống 'vô hình': 'Tôi mạnh mẽ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đặt thùng xốp sau chiếc xe máy, nữ công nhân Lâm Thị Nga (37 tuổi) tranh thủ giờ tan tầm rảo quanh các công ty đông người lao động ở Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM) để bán kem.
“Không muốn con cái phải khổ như mình”
Dự án hỗ trợ phục hồi kinh tế cho nữ công nhân ngành may trong bối cảnh dịch Covid-19 do Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam (CARE Việt Nam) tài trợ, Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) triển khai thực hiện trên địa bàn TP.HCM vào năm ngoái đã duyệt và chi hỗ trợ cho 30 nữ công nhân. Thông qua dự án, chúng tôi biết hoàn cảnh của chị Lâm Thị Nga (37 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân may tại Q.12).
Nhà nghèo lại đông anh em, chị Nga nghỉ học sớm, làm nhiều việc để phụ giúp gia đình. Nghĩ về TP.HCM như một “miền đất hứa”, chị Nga tin nơi đó có cơ hội đổi đời. Thế là mới đôi mươi, chị đơn thân vào thành phố, hành trang khi ấy chỉ vỏn vẹn 250.000 đồng và hai gói xôi.

Chị Trần Đỗ Anh Đào luôn lạc quan trước mọi biến cố trong cuộc sống. Ảnh: Phạm Thu Ngân
Chị Trần Đỗ Anh Đào luôn lạc quan trước mọi biến cố trong cuộc sống. Ảnh: Phạm Thu Ngân
“Khi trả tiền đi xe từ quê đến nhà trọ bạn tôi ở H.Hóc Môn, trong túi tôi chỉ còn đúng mấy ngàn đồng. Tôi đành mượn tiền bạn để ăn uống đỡ vài ngày và mua hồ sơ ứng tuyển việc làm”, chị Nga kể. Sau đó chị làm công nhân may, nhưng lương bèo bọt. Không tăng ca, không đủ sống nên buổi tối chị làm thêm việc rửa chén thuê đến khuya mới về phòng trọ.
“Có chút tiền tích góp được, tôi đi học làm tóc, trang điểm rồi hùn vốn với bạn thuê mặt bằng mở tiệm. Được vài năm sống đỡ, tôi có con nên đóng cửa. Sau này, khi con lớn, tôi định bụng tìm mặt bằng để mở lại tiệm nhưng chi phí cao. Không có việc, tiền xoay xở, tôi đành trở lại làm công nhân”, chị Nga kể.
Chồng chị Nga trước đây cũng làm công nhân ở xưởng cơ khí, nhưng hai năm qua, công việc bấp bênh vì dịch nên giờ anh nghỉ việc, ở nhà, làm việc quanh xóm, ai thuê thì làm.
“Không lo của kho cũng hết”, trong khi sinh hoạt phí ngày một cao, chị Nga ưu tư rồi bàn tính với chồng tìm các mối đại lý để nhập kem Tràng Tiền về bán. Nhưng công việc bán kem vất vả hơn chị tưởng. Chị kể: “Ban đầu phải giới thiệu, chào mời các công nhân dữ lắm, trời mưa cũng đứng chào. Kem lấy về phải vừa tầm thu nhập của công nhân. Nếu họ ăn ngon, hợp giá tiền thì mới mua. Tôi cứ tranh thủ giờ tan tầm hoặc canh ca nghỉ ngơi của công nhân để tiếp thị mặt hàng kem”.

Chị Lâm Thị Nga tranh thủ bán kem sau giờ công nhân tan tầm
Chị Lâm Thị Nga tranh thủ bán kem sau giờ công nhân tan tầm
Được vài tháng, chị Nga bán kem thấy ổn, nhưng hai vợ chồng không có nguồn vốn mua thêm tủ đông để trữ kem. Sau đó, chị đem ý tưởng bán kem này để thuyết trình với dự án hỗ trợ của CARE Việt Nam.
“Trước đó, tôi và nhiều chị em công nhân khác có sinh hoạt, học kiến thức, kỹ năng trong dự án “Tôi mạnh mẽ” (thuộc chương trình về Nhóm dân số dễ bị tổn thương ở khu vực đô thị của CARE Việt Nam. Dự án nhằm nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện an sinh nghề nghiệp và điều kiện làm việc của nữ lao động ngành may trong các khu công nghiệp - PV), sau đó mới biết CARE Việt Nam có triển khai hỗ trợ vốn cho sáng kiến phục hồi đời sống. Tôi đệ đơn tham dự, trình bày khung ý tưởng... rồi được duyệt hỗ trợ 40 triệu đồng”, chị Nga nói.
Có kinh phí, chị Nga liền đi mua thêm 3 chiếc tủ lạnh để trữ kem. Chồng chị Nga có thêm việc giao hàng và bán thêm ở một số điểm. Hai vợ chồng cũng thu được khoảng 6 triệu đồng/tháng tiền lãi từ bán kem.
Chị Nga chia sẻ: “Đôi khi nghĩ mình đi làm, rồi đi bán kem đến tối muộn mới về, con cái toàn ở với ba mà thấy thương. Nhưng tôi mong cải thiện cuộc sống chứ không muốn con cái phải khổ như mình”.
Vượt lên chính mình
Cũng đã 15 năm làm công nhân may trong Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Q.12), chị Trần Đỗ Anh Đào (44 tuổi, quê Tiền Giang) được hỗ trợ từ dự án của CARE Việt Nam 33 triệu đồng để mua giống, phân bón trồng khóm (thơm) trên mảnh đất gia đình chị để lại.

Tổ hợp may tại nhà của chị Đoàn Thị Thi tạo thêm nhiều việc làm cho chị em công nhân khó khăn khác
Tổ hợp may tại nhà của chị Đoàn Thị Thi tạo thêm nhiều việc làm cho chị em công nhân khó khăn khác
Chị Đào cho biết khi mới lên TP.HCM làm công nhân, phần lớn tiền lương chị dành gửi về quê cho em trai phụ giúp cha mẹ và chăm lo vườn khóm. “Tôi như người góp tiền, em trai tôi góp sức, nếu mùa vụ có lời, hai chị em chia nhau”.
Những tưởng đời sống êm đềm, nhưng mấy năm qua, chị Đào liên tục đối mặt với biến cố: cha mẹ chị lần lượt qua đời, rồi năm 2015 chị phát hiện mình bị ung thư.
Khối lượng công việc trong công ty giảm sút, tiền bạc chắt bóp chị Đào dành cho việc chữa bệnh. Chị kiệt sức. Vườn khóm dưới quê của hai chị em có nguy cơ bán đi, bởi tới thời điểm thích hợp để xuống giống thì trong túi chị không còn đồng nào. Lúc bế tắc, chị lấy sáng kiến này cùng những mong muốn tương lai đệ trình dự án của CARE Việt Nam thì được hỗ trợ tiền.
“Hai chị em tôi vay thêm thì đủ các đầu việc mua giống, phân bón và nhân công cắt cỏ cho vườn khóm. Điều quan trọng là giữ được mảnh đất gia đình. Dịch Covid-19 vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến vườn nhà tôi”, chị Đào nói.
Dẫu đời sống khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng chị Đào vẫn giữ vững tinh thần lạc quan, không chùn bước. Ở “Tôi mạnh mẽ”, nhóm sinh hoạt của chị có tên “Vượt lên chính mình”. Chị Đào bảo cái tên đó thể hiện động lực và sự phấn đấu khi đối mặt với những chông chênh của cuộc đời.
Các thành viên nữ công nhân nhóm “Vượt lên chính mình” mỗi cuối tuần khi sinh hoạt cùng nhau còn thuê hẳn hướng dẫn viên để dạy khiêu vũ, vừa thử thách sức lực, vừa giải tỏa căng thẳng sau những giờ lao động trong nhà máy.
Chị Đào kể: “Lúc mới mổ khối u, tôi chỉ có da bọc xương, tóc thì có mấy cọng. Giờ đã cải thiện nhiều rồi”. Chị Đào mong khi sức khỏe ổn lại sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ, dành dụm tiền để quay về quê.
“Tôi sẽ gom góp cùng em trai mua chiếc xe tải nhỏ để có thể tự chở khóm đi bán mà không phải nhờ trung gian. Nếu có thêm vốn liếng, tôi sẽ mở rộng vườn khóm, thuê thêm nhân công để tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người nghèo”, chị Đào nói và tin tưởng: “Tôi sẽ luôn vui tươi, sống hết mình, vì với tôi còn sống ngày nào hay ngày đó”.
Cũng có sáng kiến kinh doanh, ý tưởng lập một tổ hợp may tại nhà của chị Đoàn Thị Thi (33 tuổi, ngụ Q.12) được CARE Việt Nam hỗ trợ nguồn vốn khoảng 70,4 triệu đồng. Điều đáng nói, sáng kiến của chị Thi được đánh giá là có thể mở rộng, tạo việc làm cho chị em công nhân có hoàn cảnh khó khăn khác.
Hai chị em Nguyễn Thị Trúc Đào (28 tuổi, quê An Giang) hiện làm toàn thời gian ở tổ hợp của chị Thi. Trúc Đào là mẹ đơn thân với hai con nhỏ và còn phải chăm sóc cho mẹ già. Trúc Đào nói: “Các chị em làm cùng rất bảo bọc, động viên và có thể hướng dẫn nhau. Mình còn con nhỏ nên chỉ mong muốn có nhiều nguồn hàng hơn để làm thêm”.
Chúng tôi ngưỡng mộ tinh thần của những “nữ cường nhân” ấy. Dẫu xuất thân nghèo khó, gặp nhiều nghịch cảnh, họ vẫn luôn cố gắng vươn lên. Bằng những ý tưởng mới mẻ và nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội, họ cải thiện đời sống, xóa những “vòng xoáy” mưu sinh mà có thể rất nhiều thế hệ công nhân bị cuốn vào.
(còn tiếp)
Năm 2021, theo báo cáo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM về đời sống của khoảng 1.400 nữ công nhân ngành may sống tại TP.HCM, với mức thu nhập bình quân gần 7 triệu đồng/tháng so với nhu cầu cuộc sống hiện nay, có tới 35% nữ công nhân được khảo sát cho rằng như thế quá khó khăn, hơn 41% cho rằng khá vừa đủ.
Với tác động của dịch Covid-19, số giờ làm việc, số giờ tăng ca trong tuần của nữ công nhân ngành may giảm; việc giảm thu nhập buộc họ phải xoay sang các công việc của lĩnh vực phi chính thức như bán hàng online, phụ bán quán, may gia công tại nhà, rửa chén...
Theo Phạm Thu Ngân - Ngọc Duy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.