(GLO)- Địa hình nước ta bị chia cắt nhiều bởi sông suối và đồi núi đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại bằng đường bộ. Bên cạnh đó, những năm qua, nền kinh tế có bước tăng trưởng, đời sống người dân được nâng lên, các loại phương tiện đi lại cũng tăng theo, mạng lưới đường bộ không đáp ứng được yêu cầu đi lại ngày càng tăng nên cần rất nhiều nguồn lực để bảo đảm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông.
Trong đó, nguồn từ các dự án BOT chiếm tỷ lệ lớn do Chính phủ kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn xây dựng, sau đó khai thác vận hành một thời gian trước khi chuyển giao lại. Trong 5 năm (2011-2016), Bộ Giao thông-Vận tải đã huy động 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm 90,2% tổng vốn huy động. Đến nay, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (tất cả đều thuộc lĩnh vực đường bộ).
Ảnh internet |
Theo quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ” thì các trạm phải có khoảng cách ít nhất 70 km, nếu không đảm bảo thì trước khi lập trạm phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính và UBND địa phương. Tuy nhiên, trong số 70/88 trạm đang thu phí trên các quốc lộ thì chỉ 10 trạm có khoảng cách 60-70 km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60 km, thậm chí có 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.
Gia Lai hiện có 2 dự án BOT đang khai thác. Đó là dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh hoàn thành tháng 6-2015 do Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long đầu tư từ TP. Pleiku đến Cầu 110 giáp tỉnh Đak Lak có chiều dài gần 90 km, tổng vốn 1.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã đặt 2 trạm thu phí hoạt động trong thời hạn 20 năm 4 tháng. Trên quốc lộ 19 có dự án BOT do Tổng Công ty 36-Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và thu phí từ tháng 6-2016 với giá trị quyết toán theo đề xuất của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền là 1.388,7 tỷ đồng.
Dự án thực hiện mục tiêu cải tạo, nâng cấp 55,7 km quốc lộ 19 đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, thời hạn thu phí là 18 năm 4 tháng 23 ngày (từ ngày 1-1-2016 đến 20-5-2034). Sau khi Kiểm toán Nhà nước và nhà đầu tư rà soát các chỉ tiêu đầu vào, thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn 10 năm 9 tháng 26 ngày. Trong số 55,7 km đã nêu (đoạn qua tỉnh Bình Định dài hơn 33 km và đoạn qua Gia Lai dài hơn 22,6 km) mặc dù chưa đạt yêu cầu về khoảng cách tối thiểu (70 km) nhưng dự án đã đặt 2 trạm thu phí ở 2 đầu. Giai đoạn II của dự án có mục tiêu cải tạo, nâng cấp đoạn từ Km 17+54 đến Km 50+00 tỉnh Bình Định và từ Km 90+00 đến Km 131+300 tỉnh Gia Lai, đặc biệt đoạn qua địa bàn huyện Đak Pơ dài hơn 40 km bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến giao thông. Lẽ ra theo đúng tiến độ của dự án thì đến nay đoạn đường này hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp thế nhưng ngày 1-10-2017, sau khi nhận được văn bản của Tổng Công ty 36, Bộ Giao thông-Vận tải đã chính thức cho phép đơn vị này “buông” giai đoạn II dự án.
Vừa qua, nhiều trạm BOT trên cả nước đã gặp “sự cố” trong quá trình thu phí như: Trạm Cai Lậy (Tiền Giang), Đại Yên (Quảng Ninh), Bờ Đậu (Thái Nguyên), Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh), Trảng Bom (Đồng Nai)... Thực tế cho thấy, bên cạnh những ưu điểm mà các dự án BOT mang lại còn có những khuất tất trong quá trình thực hiện như: Một số dự án giao thông BOT không phải xây dựng mới mà chỉ cải tạo, nâng cấp trên cốt nền đường cũ; không đấu thầu mà chỉ định thầu; giá xây dựng và thời hạn thu phí chưa sát thực tế; khoảng cách đặt trạm chưa đúng… dẫn đến phản ứng gay gắt của chủ các phương tiện tham gia giao thông, nhất là tài xế xe tải và người dân sống gần trạm thu phí. Rõ ràng, chỉ khi nào các dự án giao thông BOT giải quyết được những khuất tất đã nêu thì mới nhận được sự ủng hộ của người dân.
Thanh Phong