Bình Định: Một số dự án bất động sản lớn tiếp tục bị ngưng trệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn ở Bình Định bị ngưng trệ, chậm triển khai hoặc dừng đầu tư.

Sáng 10.12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, HĐND tỉnh Bình Định tổ chức kỳ họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.

Toàn cảnh khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định sáng 10.12
Toàn cảnh khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định sáng 10.12

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Bình Định sẽ xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng nhằm định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 và cả giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, kỳ họp lần này diễn ra trong 3 ngày, có khối lượng nội dung rất nhiều, với 90 báo cáo, 58 tờ trình và dự thảo nghị quyết.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, phát biểu khai mạc
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, phát biểu khai mạc

Nhiều tồn tại, hạn chế

Theo ông Hồ Quốc Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh Bình Định vẫn còn những tồn tại, hạn chế, gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từng lúc từng nơi, từng cấp, từng ngành chưa thật sự quyết liệt; hoạt động sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn tiếp tục bị ngưng trệ, chậm triển khai hoặc dừng đầu tư; công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tuy có nhiều nỗ lực nhưng chưa đạt kỳ vọng, số dự án đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt so với kế hoạch đề ra...

Một số cụm công nghiệp ở Bình Định có hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh, tiến độ thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư sản xuất ở từng địa phương, nhất là các cụm công nghiệp do cấp huyện làm chủ đầu tư. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với một số công trình, dự án còn chậm. Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật và tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài vẫn còn xảy ra, chưa được xử lý dứt điểm.

Sản phẩm du lịch của Bình Định chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là thiếu các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn, các loại hình dịch vụ - du lịch về đêm. Một số cơ sở y tế tuyến huyện còn thiếu bác sĩ làm ảnh hưởng đến việc phát triển chuyên môn kỹ thuật để phục vụ nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có lúc, có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ....

"Tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh Bình Định tập trung thảo luận những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2025; trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2025, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025", ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Một số dự án bất động sản tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) đang thi công cầm chừng
Một số dự án bất động sản tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) đang thi công cầm chừng

Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh Bình Định sẽ xem xét các dự thảo nghị quyết, nhất là các nghị quyết về cơ chế chính sách trên các lĩnh vực như: Thông qua đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu công nghiệp Phù Mỹ; chủ trương thành lập TP.An Nhơn thuộc tỉnh… chính sách hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; đề án mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế cho các bệnh viện công lập tuyến tỉnh; quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh...

Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 15.615 tỉ đồng

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2024, tỉnh này đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 7,78% so với kế hoạch, xếp thứ 26 toàn quốc. Các ngành kinh tế chủ lực như nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khả quan.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 3,04% so với cùng kỳ, nông nghiệp tăng 3,05%, lâm nghiệp tăng 4,97% và thủy sản tăng 2,63%. Diện tích chuyển đổi cây trồng đạt 53% kế hoạch, trong đó chuyển đổi gần 5.000 ha từ lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác như lạc, ngô và rau màu.

Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 15.615 tỉ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 98,5% kế hoạch, được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

"Với mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,6 - 8%, tỉnh Bình Định sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp, thu hút thêm các dự án mới; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tăng cường thu ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân, tỉnh Bình Định tin tưởng sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2025", ông Tuấn nói.

Theo Hải Phong (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.