Khu vực phía Đông: Thời tiết bất lợi, nguy cơ giảm năng suất lúa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời tiết bất lợi kéo dài đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của hàng trăm héc ta lúa vụ Đông Xuân tại các huyện Kbang, Đak Pơ và thị xã An Khê. Số diện tích này đang đối diện nguy cơ giảm sâu về năng suất.

Nguy cơ năng suất giảm sâu

Dẫn chúng tôi thăm ruộng lúa hơn 1 sào của gia đình, ông Nguyễn Đức Hanh (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) cho biết: Theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn, gia đình gieo sạ lúa vào cuối tháng 12-2022. Đến giữa tháng 4 tới, diện tích này sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, do sau khi xuống giống, tiết trời giá rét nên cây lúa phát triển chậm.

“Nhìn bề ngoài, những bông lúa dài đều, khá đẹp nhưng hạt lép lửng rất nhiều. Ước năng suất chỉ đạt khoảng 4 tạ/sào, thấp hơn 1 tạ so với năm ngoái. Trong khi đó, chi phí vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê cày bừa tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế gia đình”-ông Hạnh chia sẻ.

Do ảnh hưởng thời tiết giá rét, ruộng lúa của ông Nguyễn Đức Hanh (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chậm phát triển, bông có nhiều hạt lép. Ảnh: Ngọc Minh

Do ảnh hưởng thời tiết giá rét, ruộng lúa của ông Nguyễn Đức Hanh (thôn 2, xã Đak Hlơ, huyện Kbang) chậm phát triển, bông có nhiều hạt lép. Ảnh: Ngọc Minh

Cuối tháng 11-2022, bà Vũ Thị Hương (tổ 7, phường An Bình, thị xã An Khê) gieo sạ 1,7 sào lúa Đông Xuân giống Đài Thơm 8 và HT1. Áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh đầy đủ nhưng khi cây lúa bước vào giai đoạn làm đòng, trổ bông thì gặp mưa lạnh kéo dài khiến tỷ lệ hạt lép cao. “Vụ Đông Xuân trước, gia đình tôi thu gần 1,4 tấn lúa nhưng năm nay ước chỉ đạt khoảng 5 tạ”-bà Hương buồn bã nói.

Tương tự, gia đình ông Đinh Phưới (làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ) gieo sạ lúa Đông Xuân trước gần 1 tháng so với lịch thời vụ. Nhưng do thời tiết lạnh kéo dài khiến cây lúa chậm phát triển, lá chuyển sang màu vàng nên gia đình phải tăng cường chăm sóc, phun thuốc kích thích hỗ trợ.

Ông Phưới cho hay: “Đến giữa tháng 3, mưa phùn, gió rét vẫn xuất hiện. Tôi áp dụng hết giải pháp nhưng năng suất lúa ước giảm 30% so với vụ Đông Xuân trước. Một số hộ gieo trồng cùng thời điểm nhưng không kịp thời chăm nom, năng suất giảm đến 40-50%”.

Theo bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ, do mưa lạnh kéo dài kèm gió mạnh hanh khô trong giai đoạn làm đòng, trổ bông nên cây lúa bị nghẹn đòng, thời gian trổ bông kéo dài. Lúa trổ bông chậm, thụ phấn không kịp thời dẫn đến lép xanh, giảm năng suất. “Thông thường, năng suất lúa Đông Xuân đạt 5,5-6 tấn/ha. Nhưng năm nay, năng suất ước giảm còn 4,5-5 tấn/ha, tương đương mức giảm 20-30% so với vụ Đông Xuân trước”-bà Lý thông tin.

Tập trung chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh

Vụ Đông Xuân 2022-2023, huyện Kbang, Đak Pơ và thị xã An Khê gieo trồng hơn 2.250 ha lúa. Hiện nay, chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa gieo sạ sớm để tránh mưa giông, hạn chế thiệt hại. Với những diện tích gieo sạ đại trà, người dân tập trung chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh gây hại.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ khuyến cáo: Từ nay đến khi thu hoạch lúa, người dân cần thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng-chống phù hợp. Đồng thời, bà con cần bảo đảm đủ nước cho lúa trổ bông; phun phân bón lá và các chế phẩm vi lượng để lúa trổ bông, chắc hạt.

Người dân làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) thu hoạch lúa Đông Xuân gieo sạ sớm. Ảnh: Ngọc Minh

Người dân làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) thu hoạch lúa Đông Xuân gieo sạ sớm. Ảnh: Ngọc Minh

Huyện Kbang có 1.175 ha lúa vụ Đông Xuân 2022-2023. Do ảnh hưởng thời tiết mưa lạnh nên 118 ha lúa bị lép hạt, tập trung ở các xã: Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Đak Hlơ, Tơ Tung và Nghĩa An, mức độ thiệt hại phổ biến là 30-70%, một số diện tích thiệt hại trên 80%. Đến nay, 46 ha lúa bị lép hạt đã được thu hoạch, diện tích còn lại đang chuẩn bị thu.

Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Những năm gần đây, các xã phía Nam huyện xuống giống lúa vụ Đông Xuân sớm để tránh hạn cuối vụ. Nhưng năm nay, do thời tiết biến động bất thường, thời điểm lúa trà sớm trổ bông thì gặp mưa, lạnh nên thiệt hại đáng kể.

“Đối với diện tích lúa chính vụ, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn vận động nông dân tiếp tục chăm sóc, bón phân để tăng khả năng thụ phấn, đậu hạt. Riêng cây lúa gieo sạ ở trà muộn thì chủ động bón lót, đặc biệt là sử dụng phân lân hoặc các loại phân NPK có hàm lượng lân cao, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng sức đề kháng cho cây lúa”-ông Sơn thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Siết chặt kiểm soát vận chuyển động vật

Siết chặt kiểm soát vận chuyển động vật

(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi tại nhiều tỉnh, đặc biệt là các địa phương giáp ranh, tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng triển khai 4 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật liên ngành tại các cửa ngõ trọng yếu.

Rong ruổi theo cánh ong bay

Rong ruổi theo cánh ong bay

(GLO)- Cuộc sống của những người nuôi ong mật ở phía Tây tỉnh Gia Lai quanh năm rong ruổi theo cánh ong bay. Họ di chuyển đàn ong khắp núi rừng theo mùa hoa từ Tây Nguyên ra tận miền Bắc để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ong làm mật.

Sâm khỏe Kbang cần được bảo tồn và khai thác có hiệu quả

Sâm khỏe Kbang

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

Chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi

(GLO)- Dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại phường An Nhơn Đông (tỉnh Gia Lai) buộc chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy hơn 200 con heo nhiễm bệnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh đang hiện hữu khi thời tiết diễn biến thất thường, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn.

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

(GLO)- Sau nhiều năm tìm kế mưu sinh khắp nơi, anh Dương Văn Thiết (SN 1976, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai) đã chọn vùng biên viễn làm bến đỗ cho gia đình nhỏ. Không chỉ phát triển chăn nuôi, anh đã mạnh dạn khởi nghiệp với cây dừa xiêm-giống cây mới hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định.

null