Không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Trước tình hình gia tăng số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, người dân đổ xô mua kit test xét nghiệm và các loại thuốc kháng vi rút. Tuy nhiên, việc thường xuyên xét nghiệm cũng như tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị Covid-19 mà chưa có sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ là hết sức nguy hiểm. Về vấn đề này, P.V Báo Gia Lai điện tử đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc-Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến cơ sở 3.
* P.V: Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao những ngày gần đây khiến người dân không khỏi lo lắng, bác sĩ có khuyến cáo gì về việc này?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc. Ảnh: Như Nguyện
- Bác sĩ NGUYỄN TẤN PHÚC: Hiện nay, các F0 thể nhẹ, không triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà. Các trường hợp này cần lưu ý không được tự ý mua và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống đông máu và các loại thuốc kháng vi rút. Các loại thuốc chỉ sử dụng khi có sự thăm khám và kê đơn của bác sĩ, nếu không sẽ không lường hết tác dụng phụ của thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Hiện tại, Việt Nam đã sản xuất thuốc kháng vi rút là Molnupiravir. Ngày 23-12-2021, Cục Quản lý thực phẩm dược phẩm của Hoa Kỳ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 từ nhẹ đến trung bình ở người lớn. Trong đó nhấn mạnh 4 việc không nên đối với loại thuốc này: không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi; không sử dụng trong thời kỳ mang thai; không sử dụng trước và sau khi phơi nhiễm Covid-19; thuốc kháng vi rút không thể thay thế vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Molnupiravir là thuốc mới được cấp phép có điều kiện, chỉ định dùng cho thể nhẹ trung bình ở người lớn hơn 18 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ chuyển nặng, ví dụ những người bệnh đái đường, cao huyết áp, bệnh lý về tim mạch... Thời gian sử dụng trong vòng 5 ngày đầu từ lúc có triệu chứng, liệu trình không được điều trị quá 5 ngày. Trẻ em, thanh-thiếu niên chống chỉ định vì ảnh hưởng đến sự phát triển xương. Do đó, việc sử dụng thuốc phải được thăm khám kê đơn của bác sĩ, nhân viên y tế.
* P.V: Các trường hợp F0 điều trị tại nhà cần chuẩn bị tâm lý gì và chế độ dinh dưỡng ra sao, trường hợp nào phải báo ngay cho y tế, thưa bác sĩ?
- Bác sĩ NGUYỄN TẤN PHÚC: Đối với các F0 điều trị tại nhà, vấn đề quan trọng nhất là tâm lý phải ổn định, suy nghĩ tích cực. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, vận động nhẹ, tập hít thở sâu, một ngày cố gắng tập 5 phút. Người bệnh phải cung cấp đủ nước, ít nhất 2 lít/ngày và uống nước thường xuyên, đừng đợi khi nào khát mới uống. Ngoài ra, ăn nhiều trái cây giàu vitamin C, uống nước hoa quả, ăn thức ăn nhẹ, cố gắng đừng bỏ bữa, người suy dinh dưỡng có thể uống sữa để bổ sung.
Các F0 điều trị tại nhà khi có 1 trong những dấu hiệu sau đây thì gọi điện ngay cho y tế: khó thở, thở hụt hơi, trẻ con thở rên, hút lõm lồng ngực khi hít vào, thở có tiếng rút; ngực đau thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau ngực tăng lên khi hít sâu; ý thức lú lẫn, lơ mơ, mệt mỏi người, trẻ con quấy khóc, co giật, tím đầu móng tay, móng chân da xanh, sốt cao đỏ mặt, ngón tay chân sưng phù, trên người nổi hồng ban… Người mắc các bệnh cấp tính như sốt xuất huyết, chân tay miệng. Ngoài ra, theo dõi nhịp thở để sớm phát hiện các bất thường. Đối với người lớn trong trường hợp nhịp thở lớn hơn hoặc bằng 20 lần/phút, trẻ 1-5 tuổi lớn hơn hoặc bằng 40 lần/phút; nồng độ oxy trong máu nhỏ hơn 96%; mạch nhanh hơn 120 lần/phút hoặc nhỏ hơn 50 lần, huyết áp thấp… thì cần nhanh chóng báo cho y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Người dân chỉ nên test nhanh khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 để tránh lãng phí. Ảnh: Như Nguyện
Người dân chỉ nên test nhanh khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2 để tránh lãng phí. Ảnh: Như Nguyện
* P.V: Hiện nay, vì lo lắng mình có thể nhiễm bệnh, nhiều người lạm dụng test nhanh Covid-19 thường xuyên. Bác sĩ có lời khuyên gì về việc này?
- Bác sĩ NGUYỄN TẤN PHÚC: Nhiều người do quá lo lắng bị mắc bệnh nên lạm dụng test nhanh thường xuyên. Điều này là không nên, bởi không chỉ gây lãng phí do mua kit test xét nghiệm mà việc ngoáy dịch mũi thường xuyên, không đúng cách có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi. Người dân chỉ nên test nhanh khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ.
* P.V: Cảm ơn bác sĩ!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế, chiều 2711. Ảnh Media Quốc hội. Nguồn vnexpress.net

Người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được chuyển bảo hiểm y tế lên thẳng cấp chuyên sâu

(GLO)- Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có điểm mới về thông cấp khám-chữa bệnh với quy định một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.