Không gian của điêu khắc gỗ truyền thống Bahnar, Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sản phẩm của nghề điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai rất đặc sắc, đa dạng. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo, rất đặc trưng, giúp chúng ta nhận rõ bản sắc văn hóa của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai.
Nói tới sản phẩm của nghề điêu khắc gỗ dân gian Bahnar và Jrai, những người quan tâm đến văn hóa Tây Nguyên thường nghĩ ngay đến tượng mồ. Nhưng trên thực tế, các tượng gỗ và hình chạm khắc bằng chất liệu gỗ còn được người Bahnar, Jrai đặt ở những không gian khác như nhà ở, nhà rông.
Trong nhà ở, nhà rông, nếu đi từ bên ngoài vào thì các sản phẩm của nghề điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai thường được thể hiện ở những vị trí như: cầu thang, sân nhà sàn, nhà rông, nóc nhà rông, giàn cúng... Ở cầu thang, phổ biến nhất là hình ảnh hai bầu sữa mẹ, nằm ở vị trí cao hơn mặt sàn, đặt trước những ngôi nhà sàn của người Jrai thuộc nhóm địa phương Chor và Mthur (phía Đông Nam tỉnh). Trên cầu thang, ở vị trí tay nắm, các nghệ nhân dân gian thường bố trí 1 cặp ngà voi, sừng trâu, thể hiện ước muốn giàu sang theo quan niệm truyền thống của cư dân bản địa. Nơi sân nhà ở cũng thường được tạc, khắc một số hình trang trí gần gũi với cuộc sống của đồng bào như: cặp nồi đồng, bầu nước…
Ở các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro... kỹ thuật trang trí thường thấy trong nhà rông là khắc, vạch, gọt, đẽo để tạo nên những hình tượng khác nhau. Phổ biến là mô típ nồi đồng, con khỉ… Những nhà rông được trang trí nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ đẹp hiện có thể kể đến như: nhà rông làng Groi 2 (xã Ya Hội), nhà rông làng Jro Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ); nhà rông làng Tờ Nùng 1 (xã Ya Ma, huyện Kông Chro); nhà rông làng Leng (xã Tơ Tung), làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang).
Trong các sản phẩm điêu khắc gỗ dân gian Bahnar, Jrai, chúng ta thường thấy có rất nhiều tượng động vật. Từ tượng các loài bò sát (rắn, trăn, kỳ đà, thằn lằn) đến tượng các loại chim như: công, chim cu, quạ, chèo bẻo. Tượng thú thì phổ biến nhất vẫn là những con vật gần gũi như: voi, ngựa, khỉ, chó. Tượng chim công, chó thường được làm thành từng đôi còn phần lớn các loài động vật khác, chỉ làm từng con đơn lẻ, đi liền với phần giá đỡ (cột tượng).
Tác phẩm “Hiện tại và tương lai”. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Tác phẩm “Hiện tại và tương lai”. Ảnh: Hùng Hoa Lư
Riêng loại hình tượng nhà mồ, phổ biến nhất và có mặt trong mọi nhà mồ là tượng người ngồi khóc đặt ở 4 góc nhà mồ. Bên cạnh đó, có khá nhiều tượng mẹ con với nhiều dạng thể hiện như: mẹ cõng con, mẹ dắt con, mẹ bế con, mẹ địu con. Và, nhiều nhất trong loại hình tượng nhà mồ là các tượng sinh hoạt như: người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, nữ cầm quả bầu, nam đánh trống, thợ rèn, người lấy nước. Riêng tượng phụ nữ giã gạo thường được thể hiện rất sinh động.
Ngày nay, trong lớp tượng hiện đại ở một bộ phận cư dân Bahnar vùng Đông Trường Sơn có thêm một số yếu tố mới để nhận biết vị trí xã hội, tình cảm của dân làng với người nằm trong từng ngôi mộ. Ở vùng người Bahnar Tơlô (huyện Kông Chro và Ia Pa), tượng người đeo súng đứng gác thường chỉ được làm cho những ngôi mộ mà người nằm dưới mộ, khi còn sống, có vị trí xã hội cao, được dân làng kính trọng như: lãnh đạo, Công an, bộ đội…
Tượng nhà mồ của người Bahnar và Jrai cũng có những khác biệt cơ bản: Nếu như tượng của Jrai dọc các huyện biên giới như thường để mộc, không tô màu, kích thước tượng người lớn (tỷ lệ bằng khoảng 2/3 người thật) với những nhát đẽo mạnh bạo, vị trí đặt tượng thường thấp dưới mái nhà mồ hoặc nóc nhà mồ (tùy từng vùng) thì tượng của người Bahnar (nhất là ở phía Đông tỉnh) lại chỉ có kích thước trung bình (50-80 cm), được đẽo gọt tỉ mỉ, công phu, sinh động, tô màu sặc sỡ (trên váy áo, tóc, khăn đội đầu…) gắn trên những bệ cao vút, nổi bật trong khu nhà mồ.
Tuy nhiên, ở khu vực cư trú giáp ranh giữa người Bahnar và người Jrai thì phong cách tượng nói riêng, điêu khắc gỗ nói chung khó phân biệt hơn. Ví dụ, tại nhà mồ Bahnar ở làng Ó (xã Kông Htok, huyện Chư Sê) thì tượng lại mang đậm phong cách Jrai. Với 5 tượng gỗ còn tìm thấy tại khu vực này đều có kích thước lớn hơn rất nhiều so với tượng thường thấy của người Bahnar.
Những ngôi nhà mồ của người Bahnar ở làng Bi Gia, Bi Giông (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), nhà mồ làng Hlang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) còn có hệ thống tượng nhà mồ rất sinh động, được làm bằng gỗ cà chít, với nhiều mô típ như: tượng người (phụ nữ, giã gạo, đánh trống, cầu thủ bóng đá, Công an, bộ đội…); động vật (phổ biến là tượng công, khỉ, rắn, voi…); đồ gia dụng quý (nồi đồng, ngà voi, sừng trâu…). 
Trong một khu nhà mồ, cùng với tượng còn có những cột trang trí thể hiện khả năng điêu khắc gỗ tuyệt vời của các nghệ nhân như: cột kút (nhóm Jrai Mthur), klao (nhóm Bahnar Tơlô). Những cột lễ (gơng), đặc biệt là gơng kơbao (cột lễ đâm trâu) hay gơng ở nhà mồ (klao) thể hiện khả năng và tư duy nghệ thuật đạt đến đỉnh cao của người Bahnar và Jrai. Những cây cột vũ trụ này thường được trang trí rất công phu, sắc màu sặc sỡ, cao vút lên như in vào nền trời. Trong cuộc khảo sát ngày 2-9-2020, tại khu nhà mồ của người Bahnar ở làng Mèo Lớn (xã Đak Pling, huyện Kông Chro), chúng tôi thấy ở mỗi nhà mồ có trâu hiến sinh đều có 2 cột klao tuyệt đẹp, cao khoảng 4,5-5 m, là sự kết hợp hài hòa giữa điêu khắc dân gian và hội họa... được trồng ở đầu mộ (hướng Tây) và cuối mộ (hướng Đông).
Hàng rào xung quanh các nhà mồ cũng chứa nhiều sản phẩm của điêu khắc gỗ dân gian. Tại các nhà mồ ở khu nhà mồ làng Mèo Lớn, trên hàng rào chính có rất nhiều sản phẩm gỗ được đẽo, gọt đẹp mắt. Tại ngôi nhà mồ mới nhất, chúng tôi thấy, ở mỗi mảng bờ rào này đều có 4 mảnh gỗ được cắt gọt thành các ghè rượu, sơn màu đỏ, cao ngang chiều cao của bờ rào, được bố trí thành từng cặp. Ché ở đầu bờ rào này sẽ kết hợp với ché ở đầu tường rào liền kề tạo thành cặp ché ở góc. Trên mỗi chiếc ché là một cặp điêu khắc hình rau dớn (ktonh), phía cong phần ngọn hướng ra ngoài. Quanh hàng rào, có nhiều cột cao hẳn lên (khoảng 1,6 m), được khắc gọt công phu kết hợp với vẽ sơn 2 màu đỏ trắng có tác dụng trang trí cao.    
Sản phẩm của nghề điêu khắc gỗ Bahnar, Jrai đặc sắc và đa dạng. Ngoài không gian phổ biến mà chúng ta thường thấy của loại hình nghệ thuật này là nhà mồ với đa dạng loại hình, đồng bào còn ưu tiên một số loại tượng, sản phẩm điêu khắc cụ thể để đặt ở nhà rông, nhà sàn. Điêu khắc gỗ truyền thống là một trong những nét văn hóa độc đáo, rất đặc trưng, giúp chúng ta nhận rõ bản sắc văn hóa của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai.
TS. NGUYỄN THỊ KIM VÂN

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.