Không để tiền nằm trong kho bạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến hết tháng 7, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước chỉ đạt gần 38% kế hoạch được giao. Tuy có cao hơn cùng kỳ năm 2022 (gần 35%) nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vẫn còn thấp so với kỳ vọng. Nhiều bộ, ngành, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm. Không để tiền nằm trong kho bạc là quyết tâm lớn của Chính phủ. Muốn vậy, phải kiên quyết xử lý tình trạng tiêu cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Ở vị trí người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tỏ ra sốt ruột với tỷ lệ giải ngân chỉ đạt gần 38% khi quỹ thời gian đã trôi qua quá nửa của năm kế hoạch. Bởi hơn ai hết, Thủ tướng hiểu rằng, một khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,72% thì để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội và 7% theo mục tiêu do Chính phủ đề ra thì những tháng còn lại của năm nay, tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 9%. Đây là con số không hề dễ dàng, nếu không có quyết tâm cao và hành động quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển của đất nước”. Đó là lý do mà Thủ tướng yêu cầu bằng mọi giá phải giải ngân trên 95% kế hoạch nguồn vốn đầu tư công được giao là 711.000 tỷ đồng trong năm 2023. Vì theo tính toán của các chuyên gia, nếu giải ngân hết số vốn này một cách hiệu quả, thiết thực thì có thể thúc đẩy tăng GDP từ 1,2% đến 1,3%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang suy thoái và chưa kịp phục hồi sau đại dịch; kinh tế trong nước cũng gặp không ít khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động xuất-nhập khẩu giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải cắt giảm nhân công… thì dù GDP chỉ tăng trưởng hơn 1% cũng là một tỷ lệ rất đáng ghi nhận, đáng phải phấn đấu đạt được cho nền kinh tế.

Trong nhiều giải pháp phát triển kinh tế năm 2023, đầu tư công được Chính phủ xác định là quan trọng khi nguồn vốn được giao tăng 22% so với năm ngoái. Trong đó, riêng ngành Giao thông-Vận tải đã chiếm gần 100.000 tỷ đồng. Việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các tuyến cao tốc liên vùng, nối quốc lộ 1A với Tây Nguyên… được kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” cho sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và các địa phương nói riêng trong thời gian tới.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, mang lại hiệu quả, tác động rõ rệt. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, nguyên liệu…; có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Cùng với đó, phải thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Cùng với xuất khẩu, tiêu dùng, Chính phủ xác định đầu tư (chủ yếu là đầu tư công) là 1 trong 3 trụ cột của tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay. Vì vậy, không thể vì bất cứ lý do gì mà trì hoãn, làm chậm việc giải ngân vốn đầu tư công, để tiền nằm im trong kho bạc, trong khi nền kinh tế đang cần tiền cho đầu tư phát triển.

Với hơn 763 tỷ đồng được giải ngân trong 7 tháng qua, đạt 18,13% kế hoạch năm 2023, Gia Lai thuộc nhóm địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp trong cả nước. Vì vậy, việc tích cực tìm biện pháp tháo gỡ để đảm bảo kế hoạch giải ngân hơn 4.460 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao trong năm nay là một yêu cầu hết sức cấp bách của tỉnh.

Chính phủ đã quyết tâm. Gia Lai cũng như các bộ, ngành, địa phương khác không thể đứng ngoài!

Có thể bạn quan tâm

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Bước then chốt về sáp nhập

Bước then chốt về sáp nhập

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sau giai đoạn tăng tốc vừa qua, hiện đứng trước bước quyết định: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

'Chắc chân' thị trường nội địa

'Chắc chân' thị trường nội địa

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, chính sách thuế quan khắt khe ở các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU gây áp lực lớn lên nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thì việc doanh nghiệp quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

50 năm lên tầm cao mới

50 năm lên tầm cao mới

(GLO)- Vùng đất Gia Lai, với sự kiện giải phóng thị xã Pleiku và chiến thắng vang dội trên đường 7 (nay là quốc lộ 25) tháng 3-1975 đã góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, mở ra thời kỳ xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp.

Thuế và chi tiêu của người dân

Thuế và chi tiêu của người dân

Tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn đang phủ bóng lên sức mua trong nước suốt nhiều năm qua. Ở thời điểm hiện tại, tâm lý này đang có chiều hướng được củng cố do những lo ngại về thất nghiệp và giảm thu nhập.