Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Hấp lực tri thức bản địa

Anh Nguyễn Phạm Tuấn (22 tuổi ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), vừa có một chuyến đi lên xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) và trở về với một “kho” kiến thức tích cóp được. Tuấn kể, ông nội anh là cựu chiến binh vừa có chuyến trở lại chiến trường xưa nên anh xin đi cùng. Lên Thượng Trạch, được nghe kể về sự tích hang Tám Cô, cung đường 20 - Quyết Thắng, được trải nghiệm thực tế, anh mới thấm hết kiến thức lịch sử được học.

Du khách nước ngoài tham quan bản Rum Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nghe kể về văn hóa bản địa. Ảnh: MINH PHONG

Du khách nước ngoài tham quan bản Rum Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nghe kể về văn hóa bản địa. Ảnh: MINH PHONG

Về với người Ma Coong ở Thượng Trạch, Tuấn biết thêm lễ hội đập trống vào rằm tháng Giêng hàng năm, một lễ hội với nhiều kiến thức bản địa được người Ma Coong kể lại qua cách làm trống, cúng lễ và hành trình yêu đương sau khi trống vỡ.

Tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An có một khu rừng nổi tiếng, đó là rừng săng lẻ cổ thụ ở xã Tam Đình (huyện Tương Dương). Thật hiếm có khu rừng nguyên sinh nào, dù nằm ngay bên quốc lộ 7A, nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên cho đến ngày nay, với diện tích lên tới 241ha. Dưới tán rừng này, ngay bên đường, các dịch vụ phục vụ du khách như ăn uống, điểm check-in, nghỉ ngơi được dựng lên, một mặt vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, mặt khác là “tai mắt” cho các lực lượng bảo vệ rừng.

Nguyễn Thanh Bình và vợ trong vườn dược liệu ở xã miền núi Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Nguyễn Thanh Bình và vợ trong vườn dược liệu ở xã miền núi Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Ông Nguyễn Hải Âu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, cho biết: “Khi du khách đến đây sử dụng dịch vụ liên quan đều được nghe cách mà người dân địa phương bảo vệ rừng từ ngàn năm qua cho đến nay, qua đó cũng truyền đạt được kiến thức giữ rừng, bảo vệ rừng của đồng bào vùng cao nhằm góp thêm ý thức, hành động bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng”, ông Hải Âu chia sẻ.

Trong khi đó, ở Vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế), du khách đến đây không chỉ là giải khuây, mà nói như chị Hà Ái Linh (TPHCM), là: “Đến đây được nghe danh mục các loài thực vật, động vật quý hiếm, những kỳ hoa dị thảo từ hướng dẫn viên, từ người dân địa phương càng cho chúng ta thêm kiến thức. Thứ kiến thức không phải chỉ học mà có, mà cần phải trải nghiệm thực tế mới lĩnh hội được sự kỳ vĩ của thiên nhiên”.

Tắm suối là nét văn hóa bản địa Vân Kiều ở Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Tắm suối là nét văn hóa bản địa Vân Kiều ở Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Trên thực tế, không chỉ người dân, chính quyền các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để đưa nhiều tri thức bản địa đi xa hơn nhằm phát huy những thế mạnh thông qua các quy hoạch chiến lược nhằm “xanh hóa” nguồn thu từ rừng.

Kể chuyện làm bánh xôi vừng dẻo là cách truyền đạt tri thức bản địa ở Rum Ho, Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Kể chuyện làm bánh xôi vừng dẻo là cách truyền đạt tri thức bản địa ở Rum Ho, Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Với đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt, mục tiêu không chỉ là đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước, mà còn mong muốn kiến thức bản địa sẽ đi theo du khách về cách thức giữ rừng, sống với thiên nhiên của người dân ở khu vực Pù Luông”.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết, huyện đã phát động mỗi xã xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch bản địa đặc trưng. Bên cạnh đó, huyện đầu tư đào tạo cho đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch, đào tạo nguồn nhân lực làm dịch vụ du lịch; đào tạo, hướng dẫn đồng bào vùng cao làm du lịch cộng đồng, phát triển loại hình homestay.

Lễ cúng Thần sâm trên núi Ngọc Linh tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đang được chính quyền địa phương quan tâm quảng bá phục vụ khách du lịch. Ảnh: MINH HUY

Lễ cúng Thần sâm trên núi Ngọc Linh tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đang được chính quyền địa phương quan tâm quảng bá phục vụ khách du lịch. Ảnh: MINH HUY

Đồng thời, từng bước vận động nhân dân thành lập tổ hợp tác để cùng khai thác các tiềm năng du lịch địa phương, phát triển du lịch cộng đồng, quảng bá kiến thức bản địa đi xa hơn để thu hút du khách khám phá.

Dược liệu đạt chuẩn OCOP

Khi ngày càng nhiều du khách đến với các cánh rừng, nhu cầu tận hưởng thảo dược ngày càng nhiều, cùng đó là sản vật ngoài gỗ ngày càng được tin dùng. Nhờ vậy, nguồn thảo dược quý của “trời Nam” được người dân bảo tồn và nhân giống, khai thác bền vững.

Cây sa mù dầu khổng lồ ở Pù Luông, Nghệ An thu hút khách tham quan. Ảnh: DUY CƯỜNG

Cây sa mù dầu khổng lồ ở Pù Luông, Nghệ An thu hút khách tham quan. Ảnh: DUY CƯỜNG

Dưới rặng Hoành Sơn, người dân các xã Kỳ Anh, Kỳ Thượng, Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), Quảng Đông, Quảng Châu, Quảng Hợp, Quảng Kim (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đang bảo tồn cây sim và dâu trong vườn nhà. Việc đi hái sim, hái dâu rừng đang trở thành nguồn thu nhập đến hàng chục triệu đồng/mùa giúp cuộc sống một bộ phận người dân ổn định hơn.

Rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Rừng bền vững của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Chị Phạm Thị Liệu (xã Quảng Hợp) vốn làm nghề phụ hồ nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa quả rừng chín, chị gác lại công việc, thường xuyên có mặt trong “biệt đội săn lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn. Theo chị Liệu, việc đi hái sim rừng, dâu rừng cho thu nhập hàng chục triệu đồng/mùa đã giúp chị và nhiều người bản địa trang trải phần nào cơm áo, học phí cho con.

Tại huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), người dân đã đưa sâm Bố Chính - loại sâm quý - vào trồng và mang lại thu nhập cao, thu hút nhiều lao động. Anh Phan Văn Sáng (xã Hương Xuân) cho biết, dưới tán rừng, anh trồng sâm Bố Chính, một sào trồng 12 tháng cho thu hoạch từ 200-300kg, giá bán từ 250.000-600.000 đồng/kg, trung bình mỗi sào thu về từ 50 đến 180 triệu đồng. “Trồng dược liệu là hướng đi dưới tán rừng một cách bền vững. Sâm ở đây đang được làm quy trình công nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm)”, anh Sáng quả quyết.

Vườn sâm bố chính của anh Phan Văn Sáng, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Vườn sâm bố chính của anh Phan Văn Sáng, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Huyện rẻo cao Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh trên núi cao, dưới tán rừng có nhiều loài dược liệu quý như: sâm bảy lá một hoa, sâm Puxailaileng, lan thạch hộc, xạ đen, tam thất bắc, lạc tiên, giảo cổ lam, dây thìa canh lá to, đẳng sâm, bồ công anh,… Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1960, tỉnh Nghệ An đã cho lập một trại dược liệu trên cổng trời Mường Lống để chuyên nghiên cứu các dòng cây sản vật của vùng đất này. Mới đây, Tập đoàn TH đã đầu tư vào vùng đất này để tiếp tục nghiên cứu, phát triển các loài dược liệu quý, tạo ra các sản phẩm để bán ra thị trường.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết, trồng dược liệu dưới tán rừng là một hướng đi mà huyện đã có chủ trương, người dân ở một số địa phương như: Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn,... đã triển khai trồng dược liệu và nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP như trà, thảo mộc, sâm núi...

Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH Nettin (khai thác tuyến du lịch mạo hiểm trong Khu bảo tồn Động Châu - Khe Nước Trong, tỉnh Quảng Bình) cho rằng: “Kiến thức bản địa là điều du khách rất thích thú. Một người Vân Kiều sẽ hiểu nhiều loài động thực vật hơn và kể cho du khách cách chúng lớn lên, trưởng thành như thế nào. Họ cũng kể rõ bản làng hình thành ra sao, con suối, ngọn thác, dãy núi ở quanh đó, kể cho du khách bằng am hiểu của họ nên du khách rất thích. Đấy là sức mạnh của tri thức bản địa”.

Tại xã miền núi Cự Nẫm (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), anh Nguyễn Thanh Bình đã đầu tư 10ha đất trồng cà gai leo. Nay, cây cà gai leo của anh đã được sản xuất ra nhiều sản phẩm từ quả khô, túi trà gai leo... được bán khắp cả nước. “Hiện nay tôi đã thành lập HTX Nông nghiệp dưới tán rừng. Cà gai leo xuất bán với nhiều mẫu mã thu hút khách, mỗi năm cho doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Đặc biệt, các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt chuẩn OCOP 4 sao, đó là niềm vui với hơn 30 lao động được tạo việc làm ở đây”.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.