Khoảng trời mơ ước của 4 bé gái mồ côi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều em nhỏ, khoảng trời mơ ước đơn giản là được sống trong vòng tay yêu thương, che chở của người lớn, được đến trường, thoải mái vui đùa với chúng bạn. Nhưng điều đơn giản ấy bỗng trở nên xa vời với 4 em gái mồ côi ở vùng biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) cho đến ngày các em được đưa về sống dưới mái nhà chung của những người lính Biên phòng.
“Tiểu tứ nương” trong mái nhà Biên phòng
Ông Kpui Nhol (làng Khôi, xã Ia Mơr) có dáng người gầy gò, khắc khổ. Ngồi chống cằm nhìn ra ngõ, ông chậm rãi kể với tôi: “Mẹ con Niếp mới mất, còn mình thì đau ốm liên tục, không làm được việc gì cả. Khi nó học hết lớp 5, mình tính cho nghỉ để đi chăn bò thuê cho người ta. May mà có Đồn Biên phòng Ia Lốp nhận về làm con nuôi, nếu không chắc giờ này nó đang chăn bò trong rừng rồi…”. Đưa mắt quan sát căn nhà của người đàn ông Jrai này, tôi không nhìn thấy bất kỳ vật gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp được bộ đội Biên phòng tỉnh trao tặng trong ngày Rơ Lan Niếp về làm con nuôi Đồn Biên phòng Ia Lốp. Ông Nhol bảo, cuộc sống khó khăn của gia đình chỉ tạm qua đi khi đứa con gái được Đồn Biên phòng nhận về nuôi dưỡng. Thế nhưng, ông vẫn có niềm tin sâu sắc vào một tương lai tươi sáng đang đón chờ con mình ở phía trước.
Cách làng Khôi chừng 30 phút đi bộ, ở một góc khuất nơi đầu làng Krông (xã Ia Mơr), cuộc sống của bé gái Rơ Mah Đan và bà nội Siu H'Veo còn éo le hơn rất nhiều. Liên tiếp trong 2 năm (2015-2016), bố mẹ Đan lần lượt qua đời. Một mình bơ vơ, Đan được bà nội mang về nuôi dưỡng. Nhưng khổ nỗi, năm nay bà đã gần 70 tuổi, nhà lại nghèo, lo cho mình còn chưa nổi thì sao nuôi được cháu? Ai cũng bảo Đan sớm muộn gì cũng bỏ học để lăn lộn với cuộc mưu sinh bởi năm nay em đã bước sang tuổi 13, không đi chăn bò thuê thì cũng biết hái rau, bắt cá phụ giúp bà nội qua ngày.
 Đại úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr đưa con nuôi Ksor Nương đến trường. Ảnh: T.K.N
Đại úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr đưa con nuôi Ksor Nương đến trường. Ảnh: T.K.N
Ngồi bệt dưới nền nhà vì không có ghế, bà H'Veo chậm rãi kể: “Cha mẹ nó bị bệnh chết cách nhau chưa được một năm. Thương cháu, mình đưa về ở cùng, bà cháu có gì ăn đó. Mấy năm trước mình còn sức khỏe thì đi làm cho người ta, giờ già rồi không ai thuê nữa, chỉ biết nương nhờ vào sự giúp đỡ của bà con trong làng và Bộ đội Biên phòng thôi. Hôm trước, con Đan bảo bỏ học ở nhà phụ giúp bà, nhưng được Đồn Biên phòng Ia Mơr tặng xe đạp sau đó nhận làm con nuôi. Cũng nhờ có các chú bộ đội giúp đỡ, nếu không giờ này nó cũng đã vào rừng rồi…”.
Ngoài Rơ Lan Niếp và Rơ Mah Đan, 2 Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn xã Ia Mơr còn tiếp nhận 2 bé gái mồ côi ở làng Klă về nuôi dưỡng. Xuất phát từ điều kiện thực tế của đơn vị nên các cháu được đưa về nơi ở của đội công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Mơr để tiện việc chăm sóc.
Những “chiếc phao” hy vọng
Phần đông người dân vùng biên giới Ia Mơr đều cho rằng việc 2 Đồn Biên phòng Ia Mơr và Ia Lốp nhận 4 cháu gái mồ côi về nuôi dưỡng là đã trao gửi cho đời những “chiếc phao” hy vọng. Rất có thể “chiếc phao” đó sẽ lắc lư qua những đoạn gập ghềnh, nhưng chắc chắn sẽ cập bến an toàn.
Suy nghĩ này là hoàn toàn có cơ sở bởi ngay từ khi chuẩn bị “chuyển hộ khẩu” cho các cháu về với Đồn Biên phòng là hàng loạt vấn đề phát sinh. Để 4 bé gái sống chung với bộ đội là chuyện không hề đơn giản. Trong khi Đồn Biên phòng Ia Lốp cách xa khu dân cư, không có đội công tác tại địa bàn thì Đồn Biên phòng Ia Mơr nơi ở lại chật chội. “Cái khó ló cái khôn”, 2 đơn vị bàn cách “góp gạo thổi cơm chung”, tận dụng phòng khám quân dân y nằm sát đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Mơr để làm mái nhà chung cho các cháu.
Chuyện chăm lo sinh hoạt, học tập, vui chơi cho 4 cô con gái nuôi cũng khó hơn bé trai rất nhiều. Được cái, cả 4 cháu đều khỏe mạnh, ngoan hiền, chăm học nên cũng phần nào giảm bớt nỗi lo cho những người trực tiếp nuôi dưỡng. Từ ngày được Đồn Biên phòng nhận làm con nuôi, kết quả học tập của các cháu được cải thiện đáng kể. Ngoại trừ cô chị lớn Rơ Mah Đan đang học lớp 7 ở mức trung bình, 3 cháu còn lại là Rơ Lan Niếp (lớp 6), Kpă Tu (lớp 5) và Ksor Nương (lớp 3) đều đạt học lực khá trở lên. Rụt rè khi trò chuyện với chúng tôi, Ksor Nương cho biết: “Ngày nào cháu cũng được bố Thuy (Đại úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia Mơr) kèm cặp hướng dẫn ôn bài cũ, học bài mới nên liên tục được các thầy-cô giáo ở trường khen ngợi. Các bố Biên phòng còn chỉ dạy cho cháu cách làm những việc nhỏ như quét dọn nhà cửa, nhặt rau, rửa chén… Được các bố thương yêu, đùm bọc, cháu sẽ cố gắng học giỏi để sau này lớn lên giúp đỡ bà con trong làng”. Còn Rơ Lan Niếp thì đặt ra quyết tâm: “Cháu chưa biết sau này sẽ làm gì nhưng ước mơ thì nhiều lắm. Trước mắt, cháu phải cố gắng học tập cho thật giỏi để các bố ở Đồn Biên phòng được vui”.
THÁI KIM NGA

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…