"Kho báu" buôn Tring (kỳ 1)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là một buôn cổ ở Đắk Lắk, buôn Tring (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) không chỉ sở hữu vốn văn hóa truyền thống đặc sắc tự xa xưa mà còn được biết đến là vùng đất lửa với trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring mùa xuân năm 1973 huyền thoại, dệt nên bản hùng ca bất tử về tinh thần quả cảm, xả thân vì nước.

Đó chính là "kho báu" lịch sử, văn hóa hứa hẹn được khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Buôn Hồ trong tương lai.

Vang vọng âm hưởng hào hùng

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng với những người dân buôn Tring, đặc biệt là với những người già, ký ức về một thuở hào hùng đánh giặc giữ đất, giữ buôn làng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, là hành trang quý giá cho hành trình xây dựng cuộc sống mới hôm nay.

Lẫy lừng trận chiến giữ chốt

Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring mùa xuân năm 1973 diễn ra ác liệt, lực lượng hỗn hợp của địch có xe tăng và pháo binh yểm trợ tối đa bắn xối xả vào trận địa của ta với tính chất hủy diệt, nhưng với tinh thần quả cảm, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ nhằm giữ vững trận địa. Suốt 29 ngày đêm trong thế giao tranh ác liệt, cán bộ chiến sĩ  đã chiến đấu 39 trận, đánh lui 21 đợt phản kích khiến địch thiệt hại nặng nề. Đỉnh điểm ác liệt, các chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 301 và các đơn vị đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không để sa vào tay giặc.

 

 Đài tưởng niệm liệt sĩ tại buôn Tring 2. Ảnh: Hoàng Hồng
Đài tưởng niệm liệt sĩ tại buôn Tring 2. Ảnh: Hoàng Hồng


Trận chiến đấu này có ý nghĩa quan trọng khiến kẻ thù thất bại ý đồ lấn đất giành dân, phá hoại Hiệp định Paris năm 1973, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng Buôn Hồ ngày 12-3-1975. Sự kiên cường của những cán bộ, chiến sĩ giữ chốt đã viết nên bản anh hùng ca bất tử về tinh thần sẵn sàng chiến đấu, kiên cường bất khuất, dũng cảm hy sinh oanh liệt vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước; như một viên ngọc sáng ngời để lại cho lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk giữ gìn, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới, cho các thế hệ vùng đất Buôn Hồ hôm nay và mai sau thêm trân trọng.

Máu đào của các liệt sĩ giữ chốt đã hóa thân vào lòng đất mẹ buôn Tring, tô thắm cho vẻ đẹp buôn làng hôm nay. Để ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, năm 1999 - 2000, Đài tưởng niệm liệt sĩ tại buôn Tring được xây dựng ngay tại vị trí hy sinh của Đại đội 1 Tiểu đoàn 301. Năm 2018, UBND thị xã Buôn Hồ đã xây dựng Bia ghi danh các liệt sĩ và thông tin liên quan đến trận đánh. Ngày 20-12-2018, UBND tỉnh đã ra quyết định công nhận di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Trận chiến đấu phòng ngự chốt buôn Tring năm 1973.

 

Một góc buôn Tring, phường An Lạc. Ảnh: Hoàng Hồng
Một góc buôn Tring, phường An Lạc. Ảnh: Hoàng Hồng


Theo số liệu thống kê của Hội Nông dân phường An Lạc, hiện nay cả 3 buôn Tring có tỷ lệ hộ khá, giàu trên 60%, số hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn 15 hộ.

Sức sống mới trên vùng đất anh hùng

Phát huy truyền thống anh hùng, buôn Tring đang vươn lên mạnh mẽ trong xây dựng cuộc sống mới. Hiện nay, buôn Tring được chia thành 3 buôn với trên 400 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bà con các buôn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống ngày càng cải thiện.

Điển hình về làm kinh tế giỏi phải kể đến hộ bà H’Zu Niê (buôn Tring 1), từ những năm 1984, vợ chồng bà đã không quản khó khăn, gian khổ, khai hoang đất đai làm nương rẫy. Với 5 ha đất khai hoang ban đầu, nhờ sự cần cù, chịu khó làm lụng, dần dần bà đã tích lũy mua thêm được 5 ha đất để phát triển kinh tế. Cuộc sống dần khấm khá, gia đình không chỉ xây dựng được căn nhà khang trang, mua sắm các trang thiết bị hiện đại mà các con có điều kiện học tập, khi lập gia đình thì được bố mẹ chia đất để làm kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện nay, vợ chồng bà H’Zu đang canh tác 3 ha đất trồng cà phê xen tiêu và cây ăn trái, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Hộ ông Y Dhơn Duôn Du (buôn Tring 3) cũng là một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Để phát triển kinh tế từ mô hình xen canh cà phê, tiêu và sầu riêng, ông Y Dhơn đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ người dân, tham gia các lớp tập huấn kiến thức về trồng, chăm sóc cây, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên mang lại nguồn thu nhập không nhỏ (trên 200 triệu đồng mỗi năm)...

Có thể nói, buôn Tring hôm nay đã từng ngày thay da, đổi thịt; không chỉ khởi sắc với những con đường bê tông sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang, những ruộng nương trù phú… mà trên hết còn thể hiện chính trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Theo Thúy Hồng - Hoàng Tuyết (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.