Khi phụ nữ buôn làng "xuất ngoại"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi người đều có một lý do để ra đi và ở lại. Nhưng chung quy, họ đều gặp nhau ở một điểm, đó là khát khao thay đổi cuộc đời, chấp nhận rời quê hương và rũ bỏ gia đình.
1.17 tuổi, HLiu (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) chếnh choáng trong men tình, cả dòng họ nhà chị hãnh diện vì có chàng rể người Kinh hoạt bát, mau miệng. Một đám cưới không hôn thú diễn ra trong niềm hân hoan, hớn hở của xóm làng. Cưới xong, vợ chồng HLiu cắm sổ đỏ vay ngân hàng rồi được cha mẹ hai bên cho một khoản làm vốn để mua chiếc xe khách chạy tuyến Buôn Hồ - Gia Lai.
 
Họ tìm được “bến đậu” hạnh phúc tận trời Âu.
Hoạt động kinh doanh được vài năm, chẳng may tài xế gây tai nạn chết người, vợ chồng HLiu phải bán tống xe, bán luôn cả miếng đất đang ở để khắc phục hậu quả. Anh chồng chán nản bỏ nhà đi rồi dính vào ma túy. Tiền làm ra đều bị anh ta ném vào thứ “bột trắng” chết người.
Hết tiền, túng bấn làm con người ta trở chứng trở nết, những trận đòn roi liên tiếp giáng xuống tấm thân khổ ải, chằng chéo vết thâm tím của người vợ. HLiu bỏ về nhà cha mẹ ruột ở Lâm Đồng, thằng con trai 6 tuổi bị bố giữ lại, tuyên bố không cho gặp mẹ. Khi hôn nhân rạn nứt, cuộc sống cùng quẫn, HLiu quyết định “xuất ngoại” theo lời rủ rê của một người bạn.
“Miền đất hứa” của người phụ nữ lần đầu tiên bước ra khỏi buôn làng là đảo Síp, một quốc gia nằm ở phía Đông của biển Địa Trung Hải. Với dân du lịch, thì đảo Síp là thiên đường với những cánh đồng cỏ rộng lớn, bờ biển dài ngút ngàn đẹp mê hồn và các di tích lịch sử cổ đại từ thời La Mã, Hy Lạp. Còn với HLiu thì đảo Síp là một vùng trời xa xôi ngàn dặm. Nơi ấy, là một thế giới khác, một vương quốc mới mẻ, hoàn toàn xa lạ. 
HLiu được giới thiệu làm giúp việc cho một gia đình nhiều thế hệ. Lối sống của dân đảo Síp thiên về tự do, phóng thoáng, đề cao sự thoải mái. Họ xem thời gian chỉ là khái niệm tương đối, không khắt khe về việc đúng giờ và họ thường bày tỏ tình cảm với nhau bằng một nụ hôn nồng nhiệt đậm chất châu Âu.
Dù là người giúp việc, nhưng HLiu được đối xử tôn trọng, công bằng. Biết chị có vốn tiếng Anh ít ỏi, những người trong gia đình đã tận tình chỉ dạy và rất thông cảm với chị. Mỗi tháng, HLiu được trả 1.200 USD. Số tiền này hầu như còn nguyên vẹn vì chị ít khi phải chi tiêu cá nhân. 6 tháng sau, chị tích góp được một khoản gửi về Việt Nam để trả nợ.
Trong gia đình ông chủ có một người em trai tên Christop Philip cũng đổ vỡ hôn nhân, trong những lần gặp Hliu, anh Philip đã cảm mến rồi đem lòng yêu. Tình yêu của người đàn ông xứ đảo như một cơn gió mát lành đánh tan mọi khổ đau, u uẩn trong lòng chị. Những lần hò hẹn, cái nắm tay, nụ hôn nồng thắm càng khiến trái tim người đàn bà tan chảy.  
 
Vẻ đẹp thiếu nữ buôn làng bên khung cửi dệt thổ cẩm trở thành nỗi nhớ của bao người con xa xứ.
Lúc này ở Việt Nam, chồng của HLiu đã rơi vào cảnh “thân tàn ma dại” bởi ma túy. Thằng con trai thì ngỗ ngược, sớm bỏ học, sống cảnh bất cần đời. Đã rất nhiều đêm ở xứ người, HLiu âm thầm khóc một mình, chị không biết phải làm sao để cứu vãn mối lương duyên chồng vợ. Dù không hôn thú, nhưng cả hai đã từng có quãng đời yêu nhau đến ngây dại, đã thề nguyền sống chết vì nhau và trên hết đã cùng có với nhau một đứa con.
Những đồng tiền lấm lem mồ hôi, nước mắt suốt một năm trời chị chắt chiu dành dụm mới đủ trả nợ thay chồng. Tết 2018, chị về Việt Nam thăm con và gặp chồng để nói chuyện sòng phẳng với nhau nhưng ông chồng vẫn chứng nào tật ấy, thấy chị là nhào vào đấm đá, túm tóc, giật quần áo. Vài ngày sau, anh ta đã chết khi lên cơn sốc thuốc.
Trong lúc tổn thương và đau khổ nhất, Philip đến bên chị, nhẹ nhàng nâng niu, an ủi, động viên và hứa sẽ là bờ vai để chị dựa vào đó mà khóc. HLiu bị chinh phục hoàn toàn. Là vợ của Philip, HLiu đã thoát xác trở thành một bà chủ của vườn trái cây sum suê trù phú trên đảo Síp.
Thân phận đổi khác, danh giá và vị thế mới đã tôn người phụ nữ của buôn làng Việt Nam lên tầm cao mới. Chị có nhiều tiền và thời gian để về Việt Nam thăm gia đình. Nhiều chị em thấy vậy, rất ngưỡng mộ và có ý muốn theo gót HLiu.
Vậy là một, hai, rồi nhiều em thanh xuân có, quá lứa lỡ thì có, đứt gánh cũng có đã lần lượt “xuất ngoại” theo tiếng gọi của phú quý giàu sang. Tuy nhiên, không phải ai cũng chọn được bến đỗ bình yên và no ấm như HLiu. Trong đó có trường hợp của HLen (huyện ELeo).
HLen 28 tuổi, ở buôn làng, cái tuổi đó được xem là ế chỏng chơ rồi. Nhưng ở đảo Síp thì khác, nhan sắc của HLen lại khiến nhiều chàng Tây xiêu đổ. Định nghĩa về sắc đẹp của họ hoàn toàn khác Việt Nam. Phải thấp bé, lùn lùn, đen đen, đồi mồi, tàn nhan một tý, rồi bờ môi phải thâm xì, dày cộm ra mới là... đẹp.
Chỉ vài tháng, HLen đã cặp kè với một anh chàng người Tây Ban Nha đang sinh sống ở đảo Síp. Quay cuồng với tình yêu khiến cô chẳng tha thiết công việc chính của mình là mỗi ngày đi làm cỏ cho một nông trại. Anh kia thuộc hàng lêu lổng, lại ít tiền nên cuộc sống không như HLen mơ ước. Có lúc, HLen còn phải bỏ tiền ra trả cho một cuộc ăn chơi giữa hai người.
Mâu thuẫn xảy ra mỗi ngày, những cuộc cãi vã nhiều hơn và cái kết là đường ai nấy đi. HLen thất vọng, chán chường, quay về với danh phận người làm thuê. Mặc dù được đàn chị an ủi, tạo điều kiện giúp đỡ nhưng có vẻ như HLen không thông được bộ óc nhiều mộng mơ của mình. Cả năm trời làm lụng, cô chỉ dành dụm được một ít tiền, nếu mua vé máy bay về Việt Nam thì trắng tay. HLen quyết định sẽ đầu tư thời gian để đi “tia trai”, vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp được hoàng tử trong mộng.
Trong lần nói chuyện mới đây của chúng tôi với HLiu, thì hiện nay HLen đã có tình yêu mới với một người đàn ông đảo Síp hơn cô 35 tuổi. Ông này có hai cô con gái, đã chia tay vợ. HLiu cho biết, chị em bên này thường gặp nhau tâm sự vào dịp cuối tuần cho đỡ nhớ gia đình và quê hương. Chỉ cần nghe giọng nói của nhau là thấy thân thương lắm rồi, giống như nhìn thấy quê hương ngay trước mặt.
“Mỗi người đều có một số phận và hoàn cảnh riêng. Ai may mắn thì tìm được bến đỗ hạnh phúc, chứ nơi này không phải thiên đường để gái Việt Nam sang đổi đời đâu. Mỗi lần về Việt Nam, tôi vẫn nói với các chị em như vậy để họ suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định đến một đất nước quá xa xôi cách trở”- HLiu chia sẻ. 
2.Trong những người phụ nữ rời buôn làng đi tìm “miền đất hứa” ở đảo Síp, ngoài HLiu, HLen còn có chị Lê Thị Liên (38 tuổi, huyện Krông Năng) đã tìm được chồng ngoại quốc và sống hạnh phúc. Chị Liên từng có cuộc hôn nhân đầy bi kịch ở Việt Nam.
Chồng chị sáng xỉn chiều say, “hạ cẳng chân thượng cẳng tay” với vợ như đập bị. Thương hai đứa con nhỏ, chị không muốn chúng chia ly vì cha mẹ nên cố gắng nhẫn nhịn để sống đời vợ chồng. Mùa cà phê mấy năm rớt giá thê thảm, mảnh vườn nhà chị Liên cả năm chỉ thu về hơn hai chục triệu, không đủ trả tiền phân bón.
Những món nợ ngày càng chồng dày thêm, chồng chị đi phụ hồ một ngày thì nhậu nhẹt hết hai ngày. Một phần chán chồng, phần khác khó khăn về kinh tế, chị Liên đã khăn gói lên đường sang đảo Síp. Ngày chị đi, hai đứa bé nước mắt lưng tròng nhìn theo, người mẹ già lưng còng, mắt nhòa chỉ biết nắm tay con gái mà không nói được câu nào. Ông chồng mắt vằn vện tia máu, nói hắt ra rượu: “Cô đi lo làm việc gửi tiền về trả nợ, nuôi con”.
Con người xứ đảo đã mang đến cho chị Liên cảm nhận khác biệt, đó là sự tôn trọng phụ nữ, điều mà chồng chị từ ngày chung chăn gối chưa một lần làm được. Chị Liên vốn là típ phụ nữ chịu thương chịu khó, cam chịu, hy sinh nhưng khi gặp anh Corsel, chị bị chinh phục hoàn toàn. Corsel là một gã đàn ông lực sĩ, làm nghề buôn bán hoa quả, 45 tuổi, vẫn là trai tân. Thoạt đầu khi nhìn Corsel, chị Liên có chút sợ hãi bởi bộ râu quai nón rậm rạp, cộng thêm thân hình to gấp 3 chị.
Tuy nhiên, từng lời nói, cử chỉ của anh ta đều mang đến sự ấm áp, bình yên đến lạ. Biết rõ thân phận của mình, cùng nỗi canh cánh chồng con ở quê nhà nên chị Liên không dám bước xa hơn. Trong một lần chị bị sốt nằm li bì không thể gượng dậy nổi, Corsel đã đến bên chị, mua thuốc, nấu cháo và chăm sóc chị tận tình. Anh còn ngỏ ý xin gia đình chủ nhà “nhường” lại cô osin này cho mình và anh sẵn sàng bồi thường hợp đồng.
 
Buôn làng đã không còn là nơi gắn bó của nhiều phụ nữ.
Sau trận đó, chị Liên quyết định gắn cuộc đời mình với người đàn ông đảo Síp. Chị về Việt Nam làm thủ tục li hôn chồng, trả hết nợ nần, gửi lại một khoản tiền cho hai con ăn học. Về sống với Corsel, chị Liên như nàng công chúa, được cưng chiều bằng tất cả tình yêu thương của chồng.
Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Khi cuộc hôn nhân thứ hai hạnh phúc, thì chị Liên phải gánh búa rìu của bà con ở quê, đặc biệt người bên chồng cũ. Họ xỉ vả chị là loại đàn bà mơ mộng, hám giàu, bỏ chồng theo trai…Tâm sự với chúng tôi, chị Liên bảo, rất buồn và sợ hãi. Chị không dám về Việt Nam vì sợ bị chửi bới, bị anh em nhà chồng cũ đánh.
Nếu như trào lưu “xuất ngoại” gần chục năm về trước là Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc… thì nay, chị em đã mạnh dạn đến các châu lục xa lắc, những đất nước mà họ chỉ có thể nhìn thấy qua tivi, sách báo. Và nếu như mục đích ngày xưa ra đi là để kiếm tiền, thay phận đổi đời thì bây giờ ngoài tiền ra, họ còn có mục tiêu cao sang hơn, đó là sẵn lòng gắn kết cuộc đời mình với một người đàn ông ngoại quốc giàu có. Họ chấp nhận đánh đổi nỗi nhớ xứ sở và cả một tổ ấm nghèo khó không tương lai nơi quê nhà.
Ngọc Hoa (cảnh sát toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.