Khát vọng vươn lên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quyết tâm vươn lên từ những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thế hệ trẻ người DTTS trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ và cách làm để ổn định cuộc sống và xây dựng thương hiệu riêng cho mảnh đất mình đang sống.

Nâng giá trị cho sản vật địa phương

Dù đang là giáo viên nhưng với ước mơ và khát vọng vươn lên, Y Gia Nhi (28 tuổi, trú tại thôn Mô Bành, xã Đăk Na) đã xin nghỉ việc đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại nước Ả Rập Xê Út. Sau 2 năm lao động, đến năm 2022 cô trở về nước. Trở về quê hương, Gia Nhi nhận thấy ở mảnh đất mình có nhiều tiềm năng, thế mạnh về dược liệu mà bà con mới chỉ biết trồng trọt và bán thô nên chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, nhờ có chút vốn liếng, Gia Nhi xây dựng căn nhà và mở cửa hàng thu mua dược liệu cùng các sản vật của bà con trong xã để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho Đăk Na- nơi mảnh đất của quê hương Nhi đã sinh ra và lớn lên.

Theo Gia Nhi, cô nhận thấy vùng đất Đăk Na có rất nhiều thế mạnh về dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử được bà con trồng hoặc đi lấy từ rừng nhưng chỉ bán thô với giá thấp. Do đó, cô quyết định mở cửa hàng thu mua với giá cao hơn để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Sau khi thu mua, Gia Nhi tiến hành phơi khô, đóng gói để vừa làm tốt công tác bảo quản vừa nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương.

Y Gia Nhi mở cửa hàng thu mua dược liệu, phát triển sản xuất. Ảnh: P.N

Y Gia Nhi mở cửa hàng thu mua dược liệu, phát triển sản xuất. Ảnh: P.N

Không chỉ vậy, Gia Nhi còn đầu tư mua 100 cây giống sâm Ngọc Linh 3-4 tuổi để trồng trong khu rừng già ở Đăk Na. Y Gia Nhi cho biết: Hiện nay, 100 cây sâm Ngọc Linh đang phát triển tốt, mặc dù chưa cho thu nhập nhưng em tin rằng từ năm nay, cây sâm bắt đầu cho thu hoạch hạt cũng sẽ có được thêm nguồn vốn để tiếp tục mở rộng diện tích cũng như mở rộng việc kinh doanh buôn bán hiệu quả hơn.

Gia Nhi chia sẻ: Em ước muốn sau này, khi có điều kiện sẽ đầu tư máy móc, thiết bị, tiến hành chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu để nâng cao giá trị cho các sản phẩm của địa phương, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho mình và cho bà con.

Tương tự như Y Gia Nhi, cô gái trẻ Y Hoa (40 tuổi), người con của dân tộc Xơ Đăng đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, bứt phá để vươn lên trở thành tỷ phú trẻ. Cô là một trong số ít những người trẻ tuổi thành đạt nhờ mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thay đổi số phận và nâng cao đời sống.

Y Hoa sinh ra và lớn lên ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô). Cô có mẹ quê gốc ở thôn Đăk Linh, xã Văn Xuôi (huyện Tu Mơ Rông) và có thời gian dài công tác, sinh sống trên mảnh đất Tu Mơ Rông nên cô hiểu mảnh đất này có nhiều tiềm năng dược liệu. Vì thế, Y Hoa đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thu mua dược liệu, nông sản cho bà con trên địa bàn để bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, Y Hoa chủ yếu buôn bán sản phẩm dược liệu khô và ngâm rượu.

Y Hoa đang ấp ủ và mong đưa dược liệu ở Tu Mơ Rông vươn xa hơn. Ảnh: N.P

Y Hoa đang ấp ủ và mong đưa dược liệu ở Tu Mơ Rông vươn xa hơn. Ảnh: N.P

Không chỉ dừng lại ở việc thu mua cho bà con với giá thị trường, Y Hoa đang ấp ủ và mong đưa dược liệu ở Tu Mơ Rông vươn xa hơn. Vì vậy, hiện nay, ngoài việc đóng góp cổ phần là thành viên của HTX Dược liệu du lịch Ngọc Linh H80 thì chị còn cùng với 10 thành viên khác là người DTTS tại chỗ thành lập HTX Thương mại và Dịch vụ nông dược Măng Ri. HTX này do chị làm giám đốc và đang xây dựng vùng nguyên liệu ổn định khoảng 10ha. Hiện nay, ngoài việc thu mua nông sản và dược liệu với giá thị trường cho bà con, Y Hoa còn đang tích cực nghiên cứu nâng cao giá trị dược liệu bằng cách chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu. Đặc biệt, để giữ uy tín với khách hàng, nâng cao giá trị dược liệu, chị đã và đang tích cực vận động bà con ở Tu Mơ Rông có kế hoạch chăm sóc và thu hái chọn lọc.

Y Hoa cho biết: Sau khi đã xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, có điều kiện tôi sẽ đầu tư chế biến chuyên sâu, đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu để nâng cao giá trị, đồng thời, đưa các sản phẩm vươn xa đến nhiều tỉnh thành trong cả nước, từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho chính mình và đồng bào DTTS tại chỗ ở Tu Mơ Rông.

Xây dựng “thương hiệu riêng” cho làng

Khác với những cô gái Xơ Đăng ở dãy núi Ngọc Linh, ở bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, giờ đây làng Vi Rơ Ngheo của xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) được nhiều người và du khách biết đến là điểm du lịch cộng đồng ấn tượng và độc đáo. Đây là 1 trong 2 làng đầu tiên của huyện Kon Plông được tỉnh công nhận là làng du lịch cộng dồng.

Hiện nay, làng Vi Rơ Ngheo tạo ấn tượng đối với du khách đến đây bởi sự độc lạ. Ngoài những bản sắc văn hóa dân tộc như cồng chiêng, xoang, nhà rông, nhà sàn, nếp sinh hoạt vẫn được đồng bào nơi đây gìn giữ thì nét độc đáo ở làng Vi Rơ Ngheo khiến tôi và nhiều du khách thực sự ấn tượng chính là cách bài trí cổng nhà và hàng rào xung quanh ngôi nhà. Tất cả 63 hộ dân nơi đây đều dựng cổng bằng các cây gỗ tận dụng trên rừng. Cổng dựng bằng gỗ rất đơn sơ, không cầu kỳ mà lại rất đẹp và bắt mắt. Các thanh gỗ không đều, cong, thẳng khác nhau, được người dân ghép thành chiếc cổng, vừa đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt, độc đáo và lạ. Ngoài sự độc đáo của cổng, vào từng ngôi nhà trên những hàng rào gỗ bà con và trên dọc các tuyến đường trong làng cũng được trồng đầy hoa địa lan.

A Hiền - người tiên phong đưa lan về trồng ở Vi Rơ Ngheo. Ảnh: P.N

A Hiền - người tiên phong đưa lan về trồng ở Vi Rơ Ngheo. Ảnh: P.N

Để có được sự độc đáo như hiện nay, phải kể đến anh A Hiền (44 tuổi), người tiên phong đưa lan rừng về nhà. A Hiền sinh ra và lớn lên ở Vi Rơ Ngheo nên anh thuộc từng cành cây, ngọn cỏ trên mảnh đất này. Hàng ngày lên rừng, thấy nhành lan con A Hiền lại lấy đem về trồng trong vườn và hàng rào quanh nhà.

Từ sự tiên phong A Hiền, cách đây 2 năm, người dân trong làng cũng bắt đầu học theo anh vào rừng sưu tầm các loại lan để về trồng trong vườn và hàng rào quanh nhà. Cho đến nay, tất cả 63 hộ dân trong làng Vi Rơ Ngheo đều có vườn địa lan, phong lan. Hoa lan không chỉ được người dân trồng thành hàng rào bao quanh nhà mà trong từng khoảnh vườn, mỗi hộ còn hàng chục chậu địa lan khác đang ươm. Hiện nay, làng Vi Rơ Ngheo trồng được khoảng 1.000 chậu hoa lan. Hoa lan không chỉ khoe sắc khi nở rộ vào tháng 4, tháng 5 hàng năm mà các hàng rào bằng địa lan trở thành điểm, mảng xanh cho từng nhà. Đây là nét đặc trưng khác biệt, độc đáo nhất ở Vi Rơ Ngheo so với các làng khác Kon Tum.

Điều khiến chúng tôi khâm phục ở A Hiền chính ở cách nghĩ, cách làm. Dù không được học hành đến nơi, đến chốn nhưng A Hiền lại có tư duy đổi mới mà dám nghĩ, dám làm để thay đổi cho cuộc sống bản thân và cho cộng đồng. Mặc dù là người trẻ tuổi, nhưng tiếng nói và uy tín của A Hiền luôn được người dân trong làng nể trọng. Vi Rơ Ngheo có được như hôm nay, thì người có công lớn chính là A Hiền.

Với ý chí và khát vọng vươn lên, thế hệ trẻ người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh hiện nay đã và đang tự mình vươn lên thay đổi số phận, làm giàu chính đáng. Họ đang tận dụng tiềm năng, phát huy thế mạnh từng bước nâng cao giá trị cho sản vật địa phương và xây dựng nét độc đáo riêng có trên chính quê hương mình.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.