Đó là võ sư Tạ Anh Dũng, một tấm gương nỗ lực phi thường, dành trọn đời mình cho võ học cổ truyền Việt Nam
Bao năm nay, khu tưởng niệm các vua Hùng ở Công viên Tao Đàn (quận 1, TP HCM) trở thành nơi dạy võ của vị võ sư môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn Tạ Anh Dũng (57 tuổi). Dù bị tai nạn, phải cưa mất một chân vào năm 21 tuổi nhưng ý chí và nghị lực phi thường đã giúp ông vượt qua số phận. Chuẩn võ sư cấp 18/18 do Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam cấp như một sự ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi trong 50 năm hành nghiệp của võ sư một chân này.
Tinh thần thượng võ
Trong lúc ông đang lau chùi binh khí, đợi học trò đến đủ để bắt đầu buổi tập võ thì có một người đến bắt tay rồi ngỏ ý mời ông tham gia biểu diễn cho một sự kiện. Thoáng chút băn khoăn, vị võ sư từ chối: "Thôi, chắc tôi không làm được".
Khi vị khách rời đi, ông quay sang nói với tôi, ông từng được mời biểu diễn ở rất nhiều sự kiện. Có nơi trả cát-sê cũng khá nhưng có nơi trả giá từng đồng, mà nhiều lần như vậy nên ông nản. "Con nhà võ cái gì cũng vượt qua, có nhịn đói cũng không sao cả. Võ đạo đâu phải để múa may kiếm tiền" - ông bộc bạch.
|
Võ sư Tạ Anh Dũng trong giờ hướng dẫn các môn sinh tập luyện. Ảnh: Thùy Trang |
Dân nhà võ nên tính ông rất bộc trực. Có lần, một du khách nước ngoài thấy ông cùng học trò tập luyện ngoài công viên, buột miệng nói giống… lò võ Trung Quốc. Vì biết tiếng Anh, ông "sôi máu" chạy đến bảo: "Đây là võ cổ truyền của Việt Nam. Võ Việt chứ không Trung Quốc gì cả!". Ông nói ông không muốn mọi người hiểu sai về võ thuật Việt Nam. Việc ông chọn công viên dạy võ cũng vì muốn người nước ngoài thấy võ thuật Việt Nam rất đặc biệt và khác biệt.
Thú vị là có nhiều người nước ngoài đến Công viên Tao Đàn tập thể dục rồi trở thành võ sinh của ông. Ông bảo không hiểu từ đâu, cái clip ông biểu diễn được đưa lên YouTube có hơn 600.000 lượt người xem. Nhiều người tìm đến ông cũng từ cái clip này. "Hạnh phúc vô bờ. Không phải vì tôi được họ biết mặt mà vì võ cổ truyền Việt Nam được cả người nước ngoài mến mộ và theo học. Học trò tôi đủ kiểu: từ bộ đội biên phòng đến sinh viên; từ luật sư đến dịch thuật viên; từ người nước ngoài đến những cậu bé… Tôi vui vì những gì tôi yêu mến và tâm huyết có thể truyền cảm hứng được cho người khác" - võ sư Dũng chia sẻ.
Ông cho biết vào tháng 3-2019, ông sẽ có chuyến du đấu ở châu Âu. Ông hồ hởi: "Có được chuyến đi đúng nghĩa để quảng bá võ cổ truyền tôi rất vui và háo hức. Mỗi lần đánh võ, cầm binh khí trong tay, tôi oai hùng, thần thái lắm!".
Hết mình vì võ cổ truyền
Căn nhà nhỏ bên dòng kênh Tẻ, quận 8 là nơi sinh sống bấy lâu nay của gia đình võ sư Tạ Anh Dũng. Nó chứng kiến bao đổi thay trong cuộc đời của người đàn ông này.
Cha là võ sư Tạ Ánh Đăng, nổi danh từ thời Pháp thuộc nên Dũng học võ từ lúc lên 8 tuổi. Nhưng vì gia đình nghèo, ông phải bươn chải khắp nơi, làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Lúc 21 tuổi, trong một lần đi bạn trên biển, ông bị sóng đánh ngã khỏi thuyền, chấn thương nặng dẫn đến phải cắt bỏ chân trái.
|
Một thế đứng tấn vững chắc trên một chân của vị võ sư đạt cấp 18/18. Ảnh Thùy Trang |
Con đường học võ tưởng chừng khép lại từ đó. Nhưng vốn là con nhà nòi, niềm đam mê võ cổ truyền đã ăn sâu vào máu nên tai nạn trên không làm ông bỏ cuộc. Kiên trì tập luyện trên một chân, dần dần, ông tìm ra thế trọng tâm, giữ thăng bằng để thích ứng với "cấu trúc mới" của cơ thể. Môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn cũng được vị võ sư đạt chuẩn 18/18 theo học từ sau khi bị tai nạn đến giờ.
Nói về bí quyết giữ tinh thần lạc quan có thể truyền cho cả người đối diện, ông bảo: "Chỉ cần mình thấy lạc quan, yêu đời thì cuộc đời này chẳng có gì khổ đau. Đam mê võ thuật đã níu kéo tôi trở lại với cuộc sống. Tôi chưa bao giờ thấy mình khổ cả dù phải trải trăm nghề để mưu sinh. Cứ cố gắng vui sống mỗi ngày để một ngày trôi qua thật trọn vẹn và ý nghĩa".
Với ông, người theo nghiệp võ giống như một kỹ sư, phải nghiên cứu học hỏi, sáng tạo. Nếu không tự đặt ra những bài tập cho mình thì cũng giống như người đang ở giữa dòng mà chẳng chịu bơi, hậu quả là không chỉ tụt lại mà còn bị chìm luôn!
"Tôi luôn bảo học trò rằng học võ không chỉ để có sức khỏe mà còn là niềm tự tôn dân tộc và phải làm sao để người nước ngoài nhìn vào và cảm phục, yêu quý con người Việt Nam" - ông bày tỏ tâm nguyện.
Tấm gương cho người trẻ Không chỉ luyện võ, võ sư một chân Tạ Anh Dũng còn chơi nhiều môn thể thao khác như: đạp xe, bơi lội, bóng bàn, điền kinh... Ông là vận động viên một chân đầu tiên của Việt Nam tham gia cả 6 lần thi marathon quốc tế diễn ra tại TP HCM (từ năm 1992 đến 2002). Ông cởi mở: "Thấy tôi nhảy lò cò trên chặng đường dài, nhiều người ái ngại giục tôi lên xe máy để họ chở đi nhưng đời nào tôi chịu! Tôi không muốn tạo hình ảnh đầu hàng để thiên hạ cười chê. Ngược lại, tôi muốn góp tí xíu hình ảnh người Việt Nam kiên cường trong mắt các du khách nước ngoài đang đứng xem. Và tôi cũng muốn làm gương cho người trẻ tập luyện thể thao". |
Thùy Trang (Người lao động)