(GLO)- Những di vật khảo cổ học đầu tiên ở Gia Lai được biết đến từ năm 1956. Gần 60 năm sau, trải qua hàng chục cuộc khảo sát, gần 10 cuộc khai quật, người ta vẫn chỉ biết rằng, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 40 di tích khảo cổ học với niên đại cách ngày nay 4.000-3.500 năm và tin rằng đó là dấu tích xa xưa nhất của người tiền sử trên đất Gia Lai.
Thế nhưng, những phát hiện của các nhà khảo cổ học năm 2014 ở thung lũng An Khê khi thực hiện đề tài “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến nay” cùng những nghiên cứu sau đó đã bất ngờ mở ra cánh cửa diệu kỳ, đẩy niên đại của tiền sử Gia Lai về một cái mốc xa xăm, xa đến nỗi nó không dễ được các nhà chuyên môn gật đầu đồng thuận.
Các chuyên gia Nga và Việt Nam cùng tham gia khai quật ở vùng thung lũng An Khê. Ảnh: N.T.K.V |
Trước đây, nói đến khảo cổ học Tây Nguyên, người ta nhắc đến Lung Leng-một di chỉ ở tỉnh Kon Tum, nơi có những di vật đá cũ đầu tiên được phát hiện ở Bắc Tây Nguyên. Còn ở Gia Lai, văn hóa khảo cổ học Biển Hồ thuộc hậu kỳ thời đại đá mới-sơ kỳ kim khí (cách ngày nay 4.000-3.500 năm) đã nổi tiếng và tưởng như không thể tìm thấy dấu vết xa hơn của người xưa trên mảnh đất này.
2014 là năm có những phát hiện đặc biệt quan trọng với khảo cổ học Gia Lai. Trong năm này, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học phát hiện những di tích có niên đại sớm hơn so với niên đại của văn hóa khảo cổ học Biển Hồ đã được biết đến từ nhiều năm trước đó. Đây là năm nhà khảo cổ học trẻ Phan Thanh Toàn đã phát hiện ở đôi bờ sông Ba, thuộc địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê, một số di tích thời kỳ đồ đá cũ.
Cũng trong năm này, chính Phan Thanh Toàn đã phát hiện những di tích kiểu Hòa Bình muộn, có niên đại khoảng 6.000-5.000 năm trên các miệng núi lửa thấp ở Chư Prông. Có thể nói, bất ngờ lớn nhất đối với giới khảo cổ học Việt Nam là việc phát hiện các di tích đá cũ ở Gia Lai. Điều khó tin này đã “kéo” Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành một đề tài cấp bộ ngay trong năm để khảo sát mở rộng và có thêm cứ liệu về các di tích đá cũ An Khê. Giai đoạn cuối của đề tài cấp bộ, do TS. Nguyễn Khắc Sử làm chủ nhiệm với những kết quả khả quan, các nhà khoa học Nga cũng được mời vào cuộc. Sau khi khảo sát, đánh giá, một chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam được tiến hành trong 5 năm (2015-2019) giữa Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ học-Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) được triển khai tại An Khê, với toàn bộ kinh phí là của phía Nga.
Từ năm 2014 đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở vùng đồi gò thung lũng An Khê hơn 20 di tích sơ kỳ đá cũ gồm: 12 địa điểm ở Rộc Tưng (xã Xuân An), địa điểm Gò Đá (phường An Bình), Rộc Hương (phường An Tân), Rộc Giáo (phường Ngô Mây), Rộc Lớn (phường An Phước), Rộc Nếp (xã Cửu An) và khu vực đá nguyên liệu ở Núi Đất (xã Cửu An).
Kết quả nghiên cứu qua 4 đợt khai quật ở di tích Gò Đá (phường An Bình) và các di tích Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7 ở Rộc Tưng (xã Xuân An) cho thấy, vết tích hoạt động của cư dân nguyên thủy còn để lại trong tầng văn hóa ở An Khê được bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Tầng văn hóa (tầng đất có chứa vết tích của người xưa) có cấu tạo giống nhau, đều là đất phong hóa từ đá granite tại chỗ, đã bị laterit, có tuổi Cánh tân (Pleistocene). Những di tồn văn hóa duy nhất của con người trong tầng văn hóa là công cụ đá do con người chế tạo và sử dụng bỏ lại, cùng các mẩu tectit (thiên thạch) rơi từ ngoài hành tinh vào trái đất.
Tổ hợp công cụ đá là tài liệu duy nhất đã được tìm thấy trong địa tầng các hố khai quật hoặc thu thập trên mặt các di tích. Các di vật này có một số đặc điểm chung về chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác và chức năng sử dụng. Đó là sự hiện diện của những công cụ cuội ghè đẽo thô sơ, do con người làm ra từ đá quartz, quartzite biến tính hoặc silic rất cứng, có kích thước lớn và nặng. Những công cụ này được hình thành từ kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, đá ghè đá, ghè chủ yếu từ ngoài vào trong hòn cuội, hướng tâm, vết ghè to, thô đan xen, liên tiếp nhau một cách có hệ thống.
Loại hình công cụ nổi bật mà cư dân ở đây tạo ra là những mũi nhọn lớn bằng đá quartz hình khối tam diện và các công cụ ghè một mặt (uniface), những công cụ chặt thô dạng chopper, chopping; những công cụ nạo làm từ mảnh tước. Bên cạnh đó, kỹ thuật ghè tách mảnh từ các hạch đá lớn, đa diện đã khá phổ biến. Một số hạch đá được gia công thành công cụ dạng hạch.
Rìu tay tìm thấy ở Rộc Tưng. Ảnh: N.T.K.V |
Những tư liệu khai quật trong những năm 2015-2018 bước đầu xác nhận, ở thung lũng An Khê tồn tại các loại hình di tích cư trú (Rộc Tưng 1), gia công chế tác công cụ (Rộc Tưng 4 và Rộc Tưng 7). Ở Rộc Tưng 1, có thể người nguyên thủy đã biết cải tạo ít nhiều mặt bằng nơi dựng lều trại, sử dụng đá tự nhiên tôn nền, chống lầy lội vào mùa mưa.
Đáng chú ý là ở các di tích này cũng đã phát hiện được loại công cụ ghè 2 mặt (biface), đặc biệt là ở đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 4 chiếc rìu tay, được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng cho công cụ giai đoạn tối cổ của nhân loại-sơ kỳ thời đại đá cũ. Bằng phân tích so sánh, các nhà khảo cổ học chỉ ra, tổ hợp công cụ sơ kỳ đá cũ vùng An Khê khác và cổ hơn các sưu tập sơ kỳ đá cũ đã biết ở Việt Nam như: Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Những công cụ rìu tay giống rìu tay An Khê đã có mặt ở các di tích sơ kỳ đá cũ trên lục địa Á-Âu. Rìu tay ở An Khê còn có đường nét chuẩn hơn rìu tay ở các di tích Bách Sắc (Trung Quốc). Những phát hiện phức hợp công cụ ghè 2 mặt và rìu tay ở An Khê đã bác bỏ quan điểm trước đây của H. Movius về việc phân chia lịch sử nhân loại thành 2 vùng Đông-Tây đối lập nhau. Quan điểm này cho rằng, ở phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người, còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại.
Từ những kết quả nghiên cứu, phát hiện liên tục qua 4 mùa khai quật, 1 cuộc hội thảo quốc tế và kết quả định tuổi 2 mẫu tectit ở địa điểm Gò Đá và Rộc Tưng bằng phương pháp đồng vị phóng xạ Kali Argon, các nhà khảo cổ học Việt-Nga ngày càng có thêm bằng chứng để vững tin khẳng định, các di tích khảo cổ ở An Khê có niên đại sơ kỳ đá cũ, cách ngày nay trên dưới 80 vạn năm. Các chế phẩm tìm thấy ở An Khê cũng giống với các di tích giai đoạn sơ kỳ đá cũ, tương đương với giai đoạn tồn tại của Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) trên thế giới. Đây cũng là nguồn sử liệu xác định mốc khởi đầu của lịch sử Việt Nam, bổ sung An Khê (Việt Nam) vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.
Nguyễn Thị Kim Vân