Khánh Hòa: Khoảng 60 người nghi ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tối 13/3, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Khánh Hòa xác nhận đã có hàng chục người nhập viện nghi bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà tại một quán ăn ở thành phố Nha Trang.
Nhiều người nghi ngộ độc được chăm sóc, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn-Nha Trang. (Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống)

Nhiều người nghi ngộ độc được chăm sóc, điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn-Nha Trang. (Nguồn: Báo Sức Khỏe và Đời Sống)

Tối 13/3, ông Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết hàng chục bệnh nhân có biểu hiện nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, đang được điều trị rải rác tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Nha Trang.

Bước đầu nghi những người này ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn ở quán cơm gà trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, ông Lê Văn Khoa cho biết.

Vào lúc 20 giờ 30 ngày 12/3, Trung tâm Y tế Nha Trang có nhận tin báo một số trường hợp nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà.

Ngay khi nhận được tin, Phòng Y tế Nha Trang, Trung tâm Y tế thành phố Nha Trang (Đội điều tra ngộ độc thực phẩm thành phố) đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, điều động toàn bộ nhân lực đi điều tra tại các bệnh viện có bệnh nhân nhập viện, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn-Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang.

Anh Mạnh Cường (thành phố Nha Trang) cho biết hôm qua 12/3, gia đình anh có ghé quán ăn ở đường Bà Triệu mua cơm gà cho con trai. Đến tối, con của anh có biểu hiện ói, mửa, sốt, mắt đỏ. Cháu được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị vào sáng 13/3. Khi đến bệnh viện, anh thấy nhiều người đang điều trị với triệu chứng tương tự.

Đến tối 13/3, công tác rà soát thêm các trường hợp nghi có biểu hiện ngộ độc do ăn ở quán cơm gà vẫn đang được các lực lượng chức năng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa triển khai.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang, trước mắt, thành phố tổng hợp có khoảng 60 người có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, nôn mửa. Sức khỏe của tất cả các ca bệnh, điều trị tại bệnh viện đều đã ổn định. Thành phố đã phối hợp với ngành Y tế tỉnh tiến hành lấy mẫu và đang chờ kết quả xét nghiệm.

“Phải có kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn từ cơ quan chức năng mới đủ cơ sở để xác định được vụ các bệnh nhân rối loạn tiêu hóa có phải là ngộ độc thực phẩm hay không. Việc này thuộc thẩm quyền của ngành Y tế. Trước mắt, thành phố đã tạm đình chỉ kinh doanh của quán ăn này từ 10 giờ 30 ngày 13/3,” ông Nguyễn Văn Minh thông tin.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, ở vụ việc trên, Bệnh viện hiện đang tiếp nhận 17 ca. Các bệnh nhân đang được các y, bác sỹ chăm sóc, sức khỏe ổn định.

Trong ngày 13/3, Sở Y tế Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, thu dung bệnh nhân, không được chậm trễ cấp cứu cho người bệnh; đồng thời huy động tối đa tất cả các nguồn lực hiện có của đơn vị về nhân lực, thuốc, trang thiết bị để tập trung cấp cứu, điều trị chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nói trên. Sở yêu cầu người bệnh bị ngộ độc có triệu chứng nặng, trẻ em và người già ưu tiên chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Các cơ sở y tế kịp thời hội chẩn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh về mặt chuyên môn khi có ca bệnh diễn biến bất thường, phức tạp hay xấu hơn, khó tiên lượng, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng, vượt quá khả năng thu dung điều trị của đơn vị. Khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, lưu mẫu bệnh phẩm; phối hợp cung cấp mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm….

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Khoa cho biết Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm thành phố Nha Trang trong suốt quá trình điều tra; thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến vụ ngộ độc thực phẩm để tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời…

Sở Y tế sẽ thông tin nguyên nhân vụ ngộ độc khi có kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn từ các bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.