Khám phá Cù Lao Xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vậy là tôi cũng đã đến Cù Lao Xanh. Từng sống ở Quy Nhơn hơn chục năm để học hành nhưng tôi vẫn chưa một lần đến hòn đảo này. Đứng từ bãi biển Quy Nhơn cong cong hình trăng khuyết nhìn ra khơi, Cù Lao Xanh nằm giữa khoảng trời mây nước biếc mùa nắng, còn những buổi sáng mùa mưa chỉ thấy ẩn hiện giữa làn sương mờ…
Cù Lao Xanh nằm gần vịnh Xuân Đài. Đảo có diện tích 365 ha, dân số trên 2.300 người, sinh sống ở 3 thôn. Khoảng thời gian đầu những năm 60 của thế kỷ trước, hòn đảo này thuộc xã Phước Châu (huyện Tuy Phước), mấy năm sau thì sáp nhập vào Quy Nhơn, thuộc xã đảo Nhơn Châu. Ngoài ra còn có 2 xã đảo khác cũng ở Tuy Phước, sau thuộc về địa giới hành chính của TP. Quy Nhơn là Nhơn Hải, Nhơn Lý. Nói lan man một chút, xưa muốn đến 2 xã Nhơn Hải, Nhơn Lý, người ta phải đi bằng thuyền cả giờ đồng hồ. Bây giờ thì nhờ có cây cầu Nhơn Hội nên chỉ ngồi xe ô tô chưa đầy 15 phút du khách đã có thể ra tham quan những thắng cảnh nổi tiếng ở đây như: Hòn Khô, Kỳ Co… Con đường phát triển của Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu) không được như 2 “người bạn” kia. Nằm cách TP. Quy Nhơn 13 hải lý, đây là hòn đảo tiền tiêu không chỉ làm nhiệm vụ che chắn cho vịnh biển phía trong, hạn chế sức gió do những cơn bão lớn từ Biển Đông thổi vào mà Cù Lao Xanh còn như con mắt của đất liền ngày đêm canh giữ một vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc trên địa phận tỉnh Bình Định. Trước kia, muốn ra đảo chỉ đi được bằng thuyền gỗ đánh cá của ngư dân, mất hơn 2 giờ mới đến nơi. Nay thì chỉ sau 25 phút ngồi trên ca nô siêu tốc khởi hành từ bến cảng Hàm Tử (Quy Nhơn), ta đã có thể đặt chân lên đảo. Ấn tượng đầu tiên của du khách lần đầu đến đây chắc chắn sẽ là màu nước biển trong xanh, bãi cát trắng và làng chài với những mái nhà nhấp nhô dựa vào lưng núi. Trên đỉnh là ngọn hải đăng sừng sững.
Một góc Cù Lao Xanh (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: T.P
Một góc Cù Lao Xanh (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ảnh: T.P
Như bao làng biển khác, người dân Cù Lao Xanh sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Đàn ông ra khơi, phụ nữ ở nhà vá lưới, chăm sóc con cái. Xưa do thuyền nhỏ, công suất máy thấp nên chỉ quanh quẩn trên vùng vịnh Quy Nhơn, vịnh Xuân Đài hoặc ra khơi chừng vài chục hải lý, thường gà gáy thì nhổ neo, khoảng 8, 9 giờ sáng vào bờ. Nay tại đây đã có đội thuyền đánh cá công suất lớn nên có thể vươn khơi đánh bắt xa bờ, ra tận vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hoặc tùy mùa thì vào các quần đảo phía Nam. Nghề cá đã thành truyền thống, cha truyền con nối nhưng chuyện làm du lịch với người dân nơi đây vài năm trước vẫn còn khá xa lạ. Đã vậy, Cù Lao Xanh lại là đảo tiền tiêu nên rất hạn chế việc người lạ đến đây, đặc biệt người nước ngoài thì không thể đặt chân lên đảo.
Gần đây, theo xu thế chung, người dân đảo nhỏ này đã bắt đầu làm du lịch. Đầu tiên là một vài homestay rồi mới đây là Khách sạn Bình Minh đón khách từ Quy Nhơn và lo trọn gói với các dịch vụ: lặn biển ngắm san hô, chụp ảnh ở bãi đá hoang sơ Thảo Nguyên, khám phá ngọn hải đăng đã vững chãi qua 3 thế kỷ, ra bãi biển đón bình minh… Từ những ngôi nhà dưới chân núi, ta theo con đường bê tông chạy quanh co, ngoằn ngoèo giữa miên man cây xanh leo lên đỉnh núi rồi lại lên ngọn hải đăng cao 120 m phóng tầm mắt bao quát cả một vùng trời biển xanh biếc. Thiên nhiên ưu ái cho hòn đảo tuyệt đẹp này với làn nước biển xanh trong, sóng gợn lăn tăn cùng những bãi đá tầng tầng lớp lớp xếp chồng lên nhau tạo thành kỳ quan lạ mắt. Ở bãi tắm phía Nam thì chỉ cần bước ra khoảng mươi bước, du khách đã có thể lặn ngắm rạn san hô tuyệt đẹp và những đàn cá đủ màu sắc nhẩn nha bơi dạo cùng những cánh sao biển, nhím biển áp sát đáy. Ngồi xe điện hoặc xe máy chạy trên con đường trải bê tông qua cầu cảng, sau đó dạo quanh 3 thôn và khám phá một đoạn bờ biển dài giữa một bên là núi non và một bên là biển xanh, thật không còn gì thú bằng. Ban đêm, nếu thích, khách có thể thuê thuyền ra biển câu mực hoặc đốt lửa, cắm trại trên bãi biển, nướng và thưởng thức các món đặc sản. Ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú. Hầu như những loài hải sản nổi tiếng của miền Trung đều có mặt: từ hàu sữa, sò huyết, ốc móng tay, tôm, cua, ghẹ… đến cá mú, cá bớp, cá thu… tươi roi rói.
Qua nhiều thập kỷ ngủ yên, Cù Lao Xanh đang trở mình và dần bắt kịp nhịp sống của thành phố năng động Quy Nhơn. Điều thuận lợi là cùng với các điểm kết nối trên một dọc bờ biển và đầm Thị Nại phía Nam Bình Định như cửa biển Đề Gi, bãi biển Trung Lương, chùa Ông Núi, Kỳ Co, Hòn Khô… tạo thành chuỗi tour, tuyến du lịch đặc sắc, du khách vẫn có thể ra đảo tham quan trong 1 ngày. Thế mạnh của hòn đảo này chính là nét nguyên sơ của đời sống cư dân và phong cảnh thiên nhiên, do vậy không cần tác động thêm bởi sẽ làm ảnh hưởng đến diện mạo. Được biết, cuối năm nay ngành Điện lực sẽ kéo điện lưới quốc gia vượt biển ra đảo, góp phần quan trọng đưa đời sống của người dân nơi đây phát triển, trực tiếp tác động tốt đến du lịch. Hy vọng rằng, với những phác thảo mới của chính quyền và ngành du lịch Bình Định, Cù Lao Xanh sẽ trở thành một địa chỉ hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam, thu hút du khách đến từ mọi miền, khẳng định sức hấp dẫn của biển đảo Tổ quốc.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.