Kể chuyện đồng đội anh hùng đến từ xứ sở thần thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày đầu tháng 8, anh hùng Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập được đưa từ đất nước Hy Lạp về Đà Nẵng an nghỉ theo ước nguyện của ông. Giữa nhà tang lễ nghi ngút khói hương, có một vị đại tá đã ngoài 90 tuổi rưng rưng nước mắt. “Cuộc gặp cuối cùng của tôi với anh Lập, mai này tôi với ông ấy sẽ nằm lại gần nhau, như quãng thời gian cùng nhau trên chiến trường đạn lửa”, ông bùi ngùi.
Đại tá Võ Văn Minh (Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, Quân khu V) và ông Lập, hai con người không chung dân tộc nhưng lại cầm súng chiến đấu cho một quê hương. Tình đồng chí, đồng đội xưa nay hiếm dù hơn nửa thế kỷ đau đáu biền biệt.
Xót thương “anh Tây” chân trần cầm súng
Đại tá Võ Văn Minh vẫn giữ thói quen lấy những kỉ vật của đồng đội cũ nâng niu, nhìn ngắm mỗi ngày. Trong cuốn album nhuốm màu thời gian, tấm hình hội ngộ với ông Lập được ông đặt trang trọng ngay trang đầu. Vuốt ve khuôn mặt ông Lập trên ảnh, ông nói chưa bao giờ quên dáng dấp, giọng nói, nụ cười của người đồng đội có một không hai.
Ông Kostas Sarantidis sang Việt Nam từ năm 1946, làm lính lê dương của Pháp với nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật ở nước ta. Nhưng anh lính trẻ chỉ thấy lính Pháp tàn sát, bắt bớ người dân Việt Nam.
“Anh ấy là người Hy Lạp, người dân từng bị quân Đức tàn sát nên hiểu nỗi thống khổ của người dân Việt Nam. Anh kể với tui có lần mang nước cho một cụ già bị trói và bỏ đói nhưng lính Pháp tới đá văng bình nước, còn chửi mắng anh. Điều đó thôi thúc anh muốn đào ngũ”, ông Minh kể.
May mắn, ông Kostas gặp được cán bộ Việt Minh đang bị địch bắt giam và được cảm hóa, cho ông niềm tin ở bộ đội Cụ Hồ. Sau đó, ông cùng một người lính Tây Ban Nha quyết định mở cửa nhà giam và giải thoát cho hàng chục cán bộ, người dân bị địch bắt, vác theo mấy khẩu súng nữa đi tìm quân cách mạng. Thời điểm đó, ông chỉ còn ba tháng nữa là trở về nước, nhưng ông đã chọn ở lại, theo Việt Minh.
“Năm 1948, tui 18 tuổi, anh ấy 20 tuổi. Anh được bố trí về Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, với cái tên Nguyễn Văn Lập. Cấp trên cử tui hỗ trợ anh vì anh ấy chưa nói được tiếng Việt, chỉ nói được tiếng Pháp, mà trong đơn vị chỉ có mình tôi thạo tiếng Pháp”, ông không quên lần đầu hai người gặp gỡ.
Theo Việt Minh lúc đó quá gian khổ, áo quần, lương thực không có. Khổ nhất là không có cả dép, đó như một cực hình với chàng trai “Tây” từ nhỏ đến lớn chẳng bao giờ đi chân trần.

Chị Foteini Sarantidis (tên Tiếng Việt là Nguyễn Bạch Tuyết - con gái ông Lập) xúc động ôm chầm lấy ông Minh, chị nhiều lần trở về Đà Nẵng cùng bố để thăm lại những đồng đội cũ Ảnh: Giang Thanh
Chị Foteini Sarantidis (tên Tiếng Việt là Nguyễn Bạch Tuyết - con gái ông Lập) xúc động ôm chầm lấy ông Minh, chị nhiều lần trở về Đà Nẵng cùng bố để thăm lại những đồng đội cũ. Ảnh: Giang Thanh
Đại tá Minh vẫn nhớ như in trong một chuyến vào Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), ông Lập bỗng bứt rứt kêu thèm một ly cà phê đến phát điên, nhưng ngày ấy, dễ gì. Muốn uống phải cuốc bộ cả chục cây số dọc đường ray lổm chổm đá. Anh lính Minh ngày ấy thì chẳng sao, nhưng anh Lập bước chạy bước nhón đến sưng rụp cả chân, tứa máu.
“Lúc đó tui thương ổng vô cùng. Một người sinh ra ở đất nước xa lạ, không máu mủ thân tình ở đây, vậy mà lại chọn cách ở lại, chịu khổ cực, hiểm nguy để chiến đấu vì dân ta”, ông xúc động.
Đơn vị của ông Minh và ông Lập thắng nhiều trận lớn. Trong một lần đánh trận càn ở cầu Hương An, ông Lập với khẩu trung liên đã kiên cường cùng đồng đội Việt Nam chiến đấu.
Ông Minh kể trận đó, ông Lập bắn đỏ cả nòng súng, cả đơn vị hạ được hàng trăm tên địch. Mấy hôm sau, “anh Tây” được biểu dương trước toàn đơn vị và được tặng món quà đặc biệt… một đôi dép cao su cắt từ lốp xe. Kostas Nguyễn Văn Lập lần đầu tiên có đôi dép cho riêng mình.
Đến bây giờ, Đại tá Võ Văn Minh vẫn còn giữ bản khai lí lịch viết bằng tiếng Việt của Kostas Nguyễn Văn Lập khi làm hồ sơ xét phong tặng Anh hùng LLVT. Mỗi câu, mỗi chữ đều được ông Lập viết bằng tiếng Việt, dù không tròn vành rõ chữ, không được mạch lạc nhưng đó là sự trân trọng, là tình yêu của anh dành cho Việt Nam.
Tháng 11/1948, đại đội bắn rơi một chiếc máy bay địch, dân quân tự vệ địa phương bắt sống ba lính Pháp. Lúc tra hỏi, lính Pháp nhìn thấy ông Lập bỗng hốt hoảng vì bộ đội Việt Minh lại có một ông Tây, mà chính ông Tây đó lại là người bắn rơi máy bay.
Gần Tết, đơn vị đóng quân trong một vùng quê ở huyện Thăng Bình. Đêm bên lửa trại, ông Lập kể về cuộc đời mình, về lí do ông theo Việt Minh. Bà con vây quanh từ tò mò tới “tội nghiệp”, thương quý ông. Ông Minh bảo ông Lập hát bài hát được sáng tác hôm đại đội bắn rơi máy bay địch. Bằng chất giọng lơ lớ, ông Lập cất lên: “Ngày nặng nề, một màn mưa giăng âm u lê thê/ Tiếng máy xa xa tiếng máy bay bà già/ …/ Trúng rồi, cháy rồi, đuôi tàu bay lê thê một dải khói dài/ Chết rồi, hết rồi, thôi từ nay đố bay lên trời…”.
Năm ấy, hai ông cùng đồng đội ăn Tết với bà con. Ông Lập tới đâu đám con nít bu theo tới đấy, nhà nào cũng kéo ông vào ăn bữa cơm cho bằng được. Ông Minh cười, bảo đến đêm về, ông Lập lăn đùng ra ôm bụng vì bội thực. Một bà mẹ trong làng phải cạo mạt thớt hòa nước ấm cho uống để…giải no. Uống vào một lúc, thức ăn ào ra, ông vội chắp tay: “Cảm ơn mẹ đã cứu con!”. Một cái Tết “nhớ đời”.

Đại tá Võ Văn Minh luôn nâng niu, trân quý những kỉ vật của người đồng đội cũ. Ảnh: Giang Thanh
Đại tá Võ Văn Minh luôn nâng niu, trân quý những kỉ vật của người đồng đội cũ. Ảnh: Giang Thanh
Chứng nhân anh hùng
Ở cùng đơn vị một thời gian, ông Lập chuyển vào Phú Yên rồi được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, hai người mất liên lạc. Ông Minh nói mãi sau này mới biết ông Lập tập kết ra Bắc, cưới vợ, đến năm 1965 thì về nước. Ông tâm tình suốt nửa thế kỷ, ông đau đáu về người đồng đội biền biệt không biết còn hay đã mất. Nhưng trời không phụ lòng người, năm 2004, ông đọc được một mẩu tin tìm đồng đội trên báo Quân đội Nhân dân của ông Lập. Kí ức về anh lính Cụ Hồ người Hy Lạp gầy gò, dong dỏng cao ùa về, ông Minh nhờ tòa báo kết nối để gửi thư cho đồng đội cũ.
Gần một năm sau, ông Kostas Nguyễn Văn Lập đứng trước căn nhà ở số 111 đường Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), lao vào vòng tay của ông Minh và những đồng đội cũ. Tiếng cười hòa trong nước mắt trùng phùng.
Thời điểm đó, ít ai biết đến ông Lập, ông Minh kết nối với các báo đài để nói về những đóng góp, xả thân của đồng đội. Ông cũng nhiều lần ra thủ đô để kể về cuộc đời, làm chứng nhân anh hùng cho anh lính Hy Lạp. Đảng và Nhà nước tường tận hơn, đã trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Năm 2010, Kostas Nguyễn Văn Lập được công nhận là công dân Việt Nam, năm 2013, được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
“Anh Lập ở nhà tui ba ngày, chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng ôn lại chuyện chiến đấu xưa. Anh cũng kể cho tui quãng thời gian khó khăn khi quay lại Hy Lạp, chật vật kiếm việc để nuôi vợ và bốn đứa con tuổi ăn tuổi lớn. Thương lắm!”, ông Minh bồi hồi.
Trên quê hương của những thần thoại, dù cuộc sống không hề dễ dàng nhưng ông vẫn hết lòng giúp đỡ người Việt ở đây. Ông Lập thành lập hội Việt kiều Việt Nam tại Hy Lạp và được bà con tín nhiệm bầu làm chủ tịch.
Đa phần kiều bào ở Hy Lạp đều sinh sống từ lâu đời, nhiều người còn không nói được tiếng Việt, ông kể cho họ nghe những câu chuyện về dải đất chữ S để họ hình dung được quê hương xứ sở.
Ông cũng vận động bà con quyên góp, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, giúp đỡ người dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt… Ông Minh chắc nịch, dù ở đâu, tình yêu của ông Lập dành cho Việt Nam vẫn nguyên vẹn.
Theo Thanh Trần - Giang Thanh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.