(GLO)- Để nâng cao năng suất cây trồng vụ mùa, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang tích cực phối hợp với chính quyền các xã và người dân triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng.
Nhiều diện tích cây trồng bị sâu bệnh
Sau những cơn mưa đầu mùa, gần 3 ha mía mới trồng của gia đình ông Đinh Gen (làng Bờ-Chư Pâu, xã Kông Lơng Khơng) đâm chồi xanh mướt. Thế nhưng, mới đây, ông thấy nhiều diện tích có hiện tượng vàng lá, khô đọt rồi lụi dần. Khi nhổ lên, ông phát hiện cây bị sâu đục thân gây hại nên vội vã mua thuốc về phun nhưng đến giờ vẫn chưa thấy hiệu quả. Ông không khỏi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, bởi rẫy mía của gia đình nằm giữa cánh đồng mía rộng đến 65 ha của 22 hộ dân khác. Trong khi đó, nhiều diện tích của các hộ dân khác cũng đang có hiện tượng chết ngọn, bị sâu đục thân và nhiễm bệnh trắng lá.
Thiệt hại nặng hơn cả là rẫy mía 2 ha mới trồng của ông Thừa Trung Tập (làng Hbang, xã Kông Lơng Khơng) bị bọ hung đen đục khoét gốc. Để tránh lây lan sang diện tích còn lại, ông buộc phải phá bỏ, tiêu hủy hơn 7 sào mía nhiễm bệnh, thiệt hại hơn 30 triệu đồng.
|
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang cùng công chức Nông nghiệp-Môi trường xã Kông Lơng Khơng kiểm tra diện tích mía bị sâu bệnh gây hại. Ảnh: Minh Triều |
Theo ông Trần Văn Nhơn-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng: Qua kiểm tra sơ bộ, trên địa bàn xã có gần 20 ha mía bị sâu đục thân, 5 ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá và hơn 5 ha mì bị khảm lá. Ông Bùi Trọng Lượng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang cũng cho biết: Hiện bệnh trắng lá mía đang gây hại cục bộ trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng. Một số hộ dân đã chủ động đào bỏ gốc và tiêu hủy 3,5 ha mía nhiễm bệnh, hiện còn 1,5 ha nhiễm bệnh đang theo dõi. Bên cạnh đó còn có khoảng 95 ha mía lưu gốc, mía mới trồng bị xén tóc và sâu đục thân gây hại, chủ yếu ở xã Kông Lơng Khơng và một ít ở xã Đak Hlơ. Chưa kể, có đến 357 ha cà phê thị trấn Kbang và xã Sơ Pai bị bệnh rỉ sắt, rệp sáp gây hại; 9 ha mì nhiễm bệnh khảm lá…
Tích cực triển khai giải pháp phòng trừ
Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng cho biết: Trước tình trạng lây lan của sâu bệnh trên cây trồng, xã đã tổ chức ra quân thực hiện các biện pháp phòng trừ, tiêu hủy nguồn bệnh trên cây mía và cây mì. Đồng thời, địa phương yêu cầu các hộ dân cam kết chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, tiêu hủy khi phát hiện diện tích mía của gia đình bị sâu bệnh nhằm hạn chế lây lan. “Xã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến tác hại của sâu đục thân, bệnh trắng lá mía, khảm lá mì; hướng dẫn các hộ dân phương pháp phòng trừ, tiêu hủy, cách sử dụng các loại thuốc đối với từng loại sâu bệnh; cách vệ sinh đồng ruộng, bón phân phù hợp giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt”-ông Nhơn nêu giải pháp.
Còn tại xã Đak Hlơ, bệnh đốm nâu, cháy lá, sâu cuốn lá xuất hiện trên nhiều diện tích lúa; sâu keo gây hại cây bắp và bệnh khảm, đốm lá héo xanh trên cây ớt. Chủ tịch UBND xã Bùi Phích cho hay: Ngay từ đầu vụ, xã đã tuyên truyền, vận động bà con nông dân chủ động xử lý đất, luân phiên cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích để ngăn ngừa sâu bệnh. Xã cũng tích cực vận động người dân thường xuyên theo dõi đồng ruộng để nhận diện, phát hiện và kịp thời xử lý nhằm hạn chế thiệt hại; đồng thời hướng dẫn bà con cách xử lý, tiêu hủy, ngăn ngừa.
|
Hiện vẫn còn một số diện tích mía trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) bị sâu đục thân gây hại. Ảnh: Minh Triều |
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn vận động người dân sử dụng các hom giống khỏe, đạt tiêu chuẩn và không có mầm bệnh; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện và xử lý triệt để nguồn bệnh ngay từ khi mới phát sinh nhằm giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn lây lan. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang cho biết: Đối với những diện tích bị sâu bệnh gây hại nặng, Trung tâm hướng dẫn chính quyền các xã nhanh chóng vận động bà con khoanh vùng để nhổ bỏ, tiêu hủy, không để lây lan sang diện tích khác; đồng thời tổ chức phun thuốc diệt trừ sâu bệnh.
Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nêu các giải pháp: Huyện đã chỉ đạo các xã nắm chắc diện tích bị sâu bệnh để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng trừ. Riêng ở Kông Lơng Khơng, chính quyền xã phải chủ động tuyên truyền đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giúp người dân hiểu rõ tác hại của việc lấy hom giống từ ruộng mía nguyên liệu đã nhiễm bệnh; kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc sử dụng hom mía nhiễm bệnh làm giống.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Toàn huyện có trên 3.000 ha mì. Thời gian qua, một số diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút và nguồn giống sử dụng đã dần thoái hóa. Do vậy, huyện đã có văn bản đề nghị Nhà máy Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi-Cơ sở 2 hỗ trợ người dân giống mì KM94 có khả năng kháng bệnh khảm lá vi rút và vôi bột để trồng trên diện tích 200 ha tại các xã, thị trấn. “Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn khuyến cáo người dân sử dụng các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, phù hợp; hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng”-Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
MINH TRIỀU