Israel muốn chuyển người dân Dải Gaza sang Ai Cập và phản ứng gay gắt của các bên liên quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-Trong khi xung đột leo thang căng thẳng thì Israel thừa nhận họ đã soạn thảo tài liệu đề xuất chuyển 2,3 triệu dân ở Dải Gaza sang bán đảo Sinai của Ai Cập. Thông tin này vấp phải sự lên án mạnh mẽ của người Palestine và làm trầm trọng thêm lo ngại của Cairo.
Người dân Palestine phải rời khỏi nhà cửa sau khi Israel ném bom ngày 30-10. Ảnh: AP
Người dân Palestine phải rời khỏi nhà cửa sau khi Israel ném bom ngày 30-10. Ảnh: AP

"Chúng tôi phản đối việc chuyển dân đến bất kỳ nơi nào, dưới bất kỳ hình thức nào, và chúng tôi coi đó là vạch đỏ không được phép vượt qua. Điều xảy ra năm 1948 sẽ không được phép lặp lại”, ông Nabil Abu Rudeineh, phát ngôn viên của Tổng thống Nhà nước Palestine Mahmoud Abbas nói về tài liệu trên.

Ông Rudeineh nói rằng việc chuyển dân ồ ạt sẽ “cấu thành lời tuyên bố chiến tranh mới”.

Tài liệu trên đề ngày 13/10, tức 6 ngày sau khi Hamas bất ngờ tấn công vào miền nam Israel, được trang tin Sicha Mekomit đưa đầu tiên.

3 giải pháp được nêu trong tài liệu nhằm tạo ra “thay đổi đáng kể dân cư ở Dải Gaza sau khi hành động của Hamas dẫn đến cuộc chiến Thanh gươm sắt”, tức chiến dịch quân sự mà Lực lượng phòng thủ Israel (IDF) thực hiện ở Dải Gaza để đáp trả.

Tài liệu đề xuất chuyển dân ở Dải Gaza đến 10 thành phố ở miền bắc Sinai, sau đó xây dựng các thành phố định cư lâu dài và một hành lang nhân đạo. Một vùng an ninh sẽ được thiết lập bên trong Israel để chặn người Palestine đi vào. Tài liệu không nói Dải Gaza sẽ trở nên như thế nào sau khi dân bị đưa hết khỏi đó, nhưng các tác giả soạn thảo cho rằng đây là lựa chọn xứng đáng nhất cho an ninh của Israel.

Bộ Ngoại giao Ai Cập chưa phản hồi khi đề nghị bình luận về tài liệu trên. Nhưng Ai Cập từng nhiều lần khẳng định rằng họ không muốn tiếp nhận làn sóng người tị nạn Palestine.

Ai Cập từ lâu sợ rằng Israel muốn đẩy người Palestine khỏi vùng đất của họ vĩnh viễn, giống như trong cuộc chiến xung quanh việc thành lập nhà nước Israel trước đây. Ai Cập quản lý Dải Gaza từ năm 1948-1967, sau đó Israel chiếm vùng đất này, cùng với Bờ Tây và Đông Jerusalem. Phần lớn người dân ở Dải Gaza hiện nay là hậu duệ của những người tị nạn Palestine bị đẩy khỏi vùng đất trở thành Israel ngày nay.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sissi nói rằng một làn sóng tị nạn ồ ạt từ Dải Gaza sẽ làm mất gốc dân tộc Palestine. Điều đó cũng dẫn đến nguy cơ các chiến binh chuyển sang Sinai, rồi từ đó tấn công Israel, đe dọa hiệp ước hòa bình mà hai bên ký từ năm 1979. Ông đề xuất Israel để người Palestine sống ở sa mạc Negev, nơi nằm giáp Dải Gaza, cho đến khi Tel Aviv kết thúc chiến dịch quân sự chống lại Hamas.

Yoel Guzansky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv, cho rằng tài liệu trên đe dọa phá hỏng quan hệ giữa Israel với một đồng minh quan trọng.

“Đây là một sai lầm nghiêm trọng, có thể gây chia rẽ chiến lược giữa Israel và Ai Cập. Tôi nghĩ đó có thể là sự dốt nát của ai đó muốn tác động tiêu cực lên quan hệ Israel – Ai Cập, một quan hệ rất quan trọng ở giai đoạn này”, Guzansky nói.

Ai Cập không phải là điểm đến cuối cùng của người Palestine. Tài liệu nói đến việc Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ả-rập Xê-út và UAE ủng hộ kế hoạch này về tài chính, hoặc bằng cách tiếp nhận người Gaza với tư cách người tị nạn và lâu dài sẽ trở thành công dân. Chính sách nhập cư khoan dung của Canada cũng có thể khiến nước này trở thành điểm đến tiềm năng cho người Palestine.

Ngày 29-10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có phát biểu quan điểm liên quan đến vấn đề trên.

Tổng thống Ai Cập nhấn mạnh lập trường kiên quyết phản đối những chính sách trừng phạt tập thể và cưỡng ép phải di dời, nhắc lại rằng Cairo sẽ không bao giờ cho phép việc di dời của người Palestine từ Gaza vào các vùng lãnh thổ của Ai Cập.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ xác nhận Washington không chấp thuận việc di dời người Palestine ra ngoài những vùng đất của họ, bày tỏ đánh giá cao vai trò tích cực của Ai Cập trong việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã đề cập tới những triển vọng hợp tác huy động nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hướng tới khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông với mục tiêu thực hiện giải pháp hai nhà nước và thiết lập nhà nước Palestine.

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.