Ia Pa: Vướng mắc trong thu hồi đất để trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2019, huyện Ia Pa (Gia Lai) đặt chỉ tiêu trồng 319 ha rừng tập trung trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm ở 5 xã. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 xã đăng ký trồng rừng với tổng diện tích hơn 32,5 ha, bằng 10,2% kế hoạch. Công tác trồng rừng đang gặp trở ngại vì nhiều người dân không đồng thuận trong việc giao đất.
Gia đình ông Nguyễn Hồng Chí (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn) có hơn 3 ha đất rẫy khai phá đã nhiều năm trên vùng đèo Blom gần trung tâm hành chính huyện Ia Pa. Trên khu rẫy này, ông Chí đã trồng điều và mì lên xanh tốt. Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì rẫy của gia đình ông Chí thuộc diện đất rừng. Vì thế, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm đếm, yêu cầu ông Chí chuyển sang trồng rừng tập trung với tổng diện tích hơn 3,1 ha theo chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, ông Chí phản đối và cho rằng: “Đất rẫy gia đình tôi sản xuất ổn định đã nhiều năm. Diện tích điều đã phát triển tốt, giờ chính quyền bắt phá bỏ chuyển sang trồng rừng là rất khó. Công sức, tiền của đổ vào rẫy điều rất nhiều, giờ bỏ đi, ai chịu?”.  
 Lực lượng chức năng huyện Ia Pa tuyên truyền, vận động người dân giao đất để trồng rừng. Ảnh: T.Đ
Lực lượng chức năng huyện Ia Pa tuyên truyền, vận động người dân giao đất để trồng rừng. Ảnh: T.Đ
Theo ông Tăng Xuân Duẩn-Chủ tịch UBND xã Ia Ma Rơn, năm 2019, UBND huyện giao chỉ tiêu cho xã trồng 45,5 ha rừng tập trung trên vùng đất rừng bị lấn chiếm. Tuy nhiên, có hơn 40 ha người dân đã trồng điều được 1-5 năm, chỉ còn lại khoảng 5 ha là đất trống. “Diện tích đất rừng bị lấn chiếm hầu hết nằm ở vùng đồi giáp trung tâm hành chính huyện. Những diện tích dân đã trồng điều thì họ không chịu phá để chuyển sang trồng rừng. Chính quyền xã đang rà soát, kiểm tra lại diện tích thực của từng hộ để báo cáo UBND huyện có hướng xử lý; đồng thời, thu hồi 5 ha đất còn trống để yêu cầu người dân chuyển qua trồng rừng”-ông Duẩn cho hay.
Xã Ia Tul là địa phương được UBND huyện giao chỉ tiêu trồng rừng nhiều nhất với 113 ha. Ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Mặc dù xã đã thuê đơn vị tư vấn về giúp thực hiện trồng rừng trên diện tích bị lấn chiếm nhưng đến nay vẫn chưa có hộ dân nào đăng ký trồng rừng. Xã đã nhiều lần mời các hộ dân lên họp để tuyên truyền, vận động nhưng họ không đến dự hoặc đến nhưng không hợp tác. Thậm chí có hộ khi cán bộ đến yêu cầu trồng rừng thì họ cương quyết nói không.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, năm 2019, UBND huyện giao chỉ tiêu trồng 319 ha keo và bạch đàn cho 5 xã (Pờ Tó 71 ha, Kim Tân 7,5 ha, Ia Ma Rơn 45,5 ha, Ia Tul 113 ha, Ia Kdăm 82 ha). Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 31 hộ của 3 xã đăng ký trồng rừng với tổng diện tích 32,5 ha. Trong đó, xã Pờ Tó có 10 hộ đăng ký trồng 33,44 ha, Kim Tân có 3 hộ đăng ký trồng 2,75 ha và Ia Kdăm có 18 hộ đăng ký trồng 16,875 ha.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, mùa trồng rừng ở các huyện Đông Nam tỉnh kéo dài trong 3 tháng (tháng 8, 9, 10). Hiện nay, việc trồng rừng ở huyện Ia Pa đang triển khai rất chậm. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Hồng Thạch-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện là do người dân không đồng thuận dù đã được tuyên truyền rất nhiều lần. “Người dân băn khoăn sản phẩm rừng trồng sau này sẽ khó tiêu thụ, giá cả không cạnh tranh. Nhiều hộ chỉ có phần đất rẫy đã khai phá để sản xuất, giờ chuyển hết sang trồng rừng thì không còn đất để trồng cây ngắn ngày phục vụ nhu cầu cuộc sống trước mắt. Hơn nữa rừng trồng chu kỳ dài ngày, trong khi người dân trong huyện quen với việc sản xuất cây ngắn ngày, nhanh cho thu nhập nên họ không mặn mà với việc trồng rừng”-ông Thạch nói.
Nhiều diện xã đăng ký tích trồng rừng đã được dân trồng mì, điều xanh tốt. Ảnh: Đ.P
Nhiều diện tích đất xã đăng ký trồng rừng nằm chồng trên đất
người dân đã trồng điều và mì lên xanh tốt. Ảnh: Đ.P
Cũng vì người dân không mặn mà với việc trồng rừng nên năm 2017, xã Ia Tul được giao trồng 30 ha bạch đàn nhưng đến đầu năm 2018, khi đi kiểm tra thì có tới 26 ha bị chết. Nguyên nhân là do người dân bỏ mặc không chăm sóc, phun thuốc diệt cỏ làm cây rừng mới trồng chết theo. Đến nay, diện tích rừng bị chết đó vẫn chưa trồng lại được, tiền Nhà nước hỗ trợ cho dân mua cây giống 2 triệu đồng/ha cũng thành nợ khó đòi. 
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa cho biết thêm, qua kiểm tra 32,5 ha đất mà 31 hộ dân đã đăng ký trồng rừng tập trung thì tất cả đều đã được người dân trồng mì. Cây mì đang sinh trưởng và phát triển tốt. Theo thời vụ thì phải đến tháng 12-2019, người dân mới thu hoạch mì để chuyển qua trồng rừng. Nhưng đến lúc đó lại đã sang mùa khô, không thích hợp để trồng rừng nữa. “Vì vậy, Hạt Kiểm lâm đã có văn bản tham mưu UBND huyện nếu triển khai trồng rừng trên diện tích này thì đề nghị chỉ đạo UBND xã yêu cầu các hộ dân có đất đăng ký trồng rừng ký cam kết phá bỏ cây mì xung quanh hố trồng cây rừng, đảm bảo khoảng không gian trống, đủ ánh sáng và dinh dưỡng để cây trồng phát triển, nhất là khi cây mới trồng”-ông Thạch thông tin. 
 TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

Chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai có những chuyển biến tích cực khi không để xảy ra cháy rừng và xuất hiện điểm “nóng” hay những vụ việc nổi cộm.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.

Hồ nuôi cá của gia đình ông Phan Đình Đại (thôn 5, xã Ia Tô). Ảnh: N.H

Ia Grai phát triển nghề nuôi cá nước ngọt

(GLO)- Tận dụng nguồn nước mặt dồi dào từ lòng hồ thủy điện, hồ thủy lợi và sông suối, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã đầu tư nuôi cá nước ngọt để tăng thêm thu nhập cho gia đình.